Hội doanh nghiệp huyện 'Cầu nối' giữa doanh nghiệp và chính quyền
Thời gian qua, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh đã chủ động phối hợp với UBND các huyện trên địa bàn tỉnh xúc tiến thành lập hội doanh nghiệp huyện. Việc thành lập hội doanh nghiệp các huyện đã tạo sự kết nối giữa doanh nghiệp với chính quyền, giúp chính quyền nắm bắt tâm tư nguyện vọng của doanh nghiệp và kịp thời giải đáp, hỗ trợ.
Cao Lộc là một trong những huyện có số lượng doanh nghiệp lớn trên địa bàn tỉnh với gần 500 doanh nghiệp và hoạt động trong nhiều lĩnh vực. Từ giữa năm 2023, Hội Doanh nghiệp huyện Cao Lộc đã được thành lập với 47 doanh nghiệp thành viên.
Ông Huỳnh Văn Long, Giám đốc Công ty TNHH Bảo Long, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp huyện Cao Lộc chia sẻ: Mặc dù thành lập chưa lâu nhưng trong thời gian qua, hội và UBND huyện Cao Lộc đã phối hợp triển khai 2 cuộc làm việc để phản ánh, kiến nghị khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh. Qua đó, chúng tôi đã nêu 15 ý kiến và được chính quyền huyện trả lời trực tiếp khoảng 30% số kiến nghị. Các kiến nghị còn lại đã được UBND huyện Cao Lộc và các cấp, ngành phối hợp với doanh nghiệp giải quyết. Về cơ bản, các kiến nghị đã được các đơn vị chuyên môn tích cực hỗ trợ tháo gỡ, nhất là các kiến nghị liên quan đến cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các thủ tục hành chính.
Đến nay toàn tỉnh đã có 8/10 huyện thành lập hội doanh nghiệp với tổng số hơn 350 doanh nghiệp thành viên. Riêng với địa bàn thành phố Lạng Sơn, các doanh nghiệp không thành lập hội mà trực tiếp trao đổi thông tin, đề xuất kiến nghị với Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh.
Tương tự, đầu năm 2023, Hội Doanh nghiệp huyện Hữu Lũng đã được thành lập với trên 70 hội viên hoạt động trong nhiều lĩnh vực. Theo đánh giá từ UBND huyện Hữu Lũng, kể từ khi thành lập, hội luôn quan tâm gắn kết, chia sẻ thông tin hỗ trợ doanh nghiệp hội viên đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó hội còn tích cực tập hợp phản ánh những kiến nghị, khó khăn của doanh nghiệp tới UBND huyện cũng như các cấp, ngành có liên quan, từ đó từng bước tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Ông Bùi Quốc Khánh, Chủ tịch UBND huyện Hữu Lũng thông tin: Từ khi thành lập đến nay, thông qua các cuộc gặp mặt giữa chính quyền với doanh nghiệp, Hội Doanh nghiệp huyện Hữu Lũng đã tổng hợp, phản ánh khoảng 30 ý kiến kiến nghị tới UBND huyện và các cấp, ngành của tỉnh. Với các phản ánh, kiến nghị trong thẩm quyền giải quyết, UBND huyện đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ, nhất là các khó khăn liên quan đến mặt bằng sản xuất. Về các ý kiến liên quan đến hỗ trợ tiêu thụ nông sản; hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý doanh nghiệp; vướng mắc trong thực hiện trình tự thủ tục mở rộng cơ sở sản xuất kinh doanh; vấn đề giãn nợ thuế, áp dụng thu thuế điện tử…, huyện đã chuyển các cấp, ngành liên quan xem xét, giải quyết.
Cùng với 2 huyện trên, theo thông tin của Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, đến nay toàn tỉnh đã có 8/10 huyện thành lập hội doanh nghiệp với tổng số hơn 350 doanh nghiệp thành viên. Riêng với địa bàn thành phố Lạng Sơn, các doanh nghiệp không thành lập hội mà trực tiếp trao đổi thông tin, đề xuất kiến nghị với Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh. Trong quá trình xúc tiến thành lập hội doanh nghiệp tại các huyện, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh đã tích cực phối hợp với UBND các huyện để lựa chọn các thành viên ban vận động là lãnh đạo doanh nghiệp có uy tín, có nhiệt huyết và trách nhiệm cao. Từ đó, hướng dẫn các hội xây dựng điều lệ hoạt động và thực hiện các thủ tục thành lập cũng như định hướng phát triển.
Ông Đào Trọng Tâm, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh cho biết: Việc thành lập hội doanh nghiệp tại các huyện những năm qua đã giúp gắn kết các doanh nghiệp để phát huy sức mạnh tập thể, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Không chỉ vậy, trong những năm gần đây, hội doanh nghiệp các huyện các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tổng hợp khoảng 40 - 60 kiến nghị/năm về các vướng mắc liên quan đến sản xuất, kinh doanh đến các cấp, ngành xem xét giải quyết. Việc thành lập hội doanh nghiệp các huyện đã tạo sự kết nối giữa doanh nghiệp với chính quyền, giúp chính quyền nắm bắt tâm tư nguyện vọng của doanh nghiệp và kịp thời giải đáp, hỗ trợ.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, mặc dù hiện nay phần lớn các địa phương đã có hội doanh nghiệp, nhưng chất lượng và mức độ hoạt động hiệu quả vẫn còn chưa đồng đều. Do đó, trong thời gian tới, hiệp hội tiếp tục đẩy mạnh phối hợp với UBND các huyện kiện toàn, củng cố tổ chức đối với các hội doanh nghiệp huyện. Trong đó, đặc biệt là lựa chọn người đứng đầu có đủ năng lực, phẩm chất để có thể giúp các hội doanh nghiệp hoạt động hiệu quả.