Hội doanh nghiệp Tp.Phổ Yên: Cầu nối với chính quyền
Theo Chủ tịch Hội doanh nghiệp Phổ Yên Nguyễn Văn Cường, doanh nghiệp trên địa bàn sẽ nhận được nhiều cơ hội nếu thành phố xây dựng được môi trường đầu tư lý tưởng.
Người Đưa Tin (NĐT) trao đổi với ông Nguyễn Văn Cường - Chủ tịch Hội doanh nghiệp Tp.Phổ Yên (tỉnh Thái Nguyên) đánh giá về những chính sách của địa phương đối với cộng đồng doanh nghiệp.
“Người Phổ Yên làm việc cho Phổ Yên”
NĐT: Là đại diện cho các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Phổ Yên, ông đánh giá như thế nào về sự phát triển của Hội doanh nghiệp Tp.Phổ Yên trong thời gian qua?
Ông Nguyễn Văn Cường: Hội doanh nghiệp Tp.Phổ Yên được thành lập từ năm 2010, kể từ khi Phổ Yên vẫn chỉ là huyện. Từ đó đến nay, cả hệ thống chính trị, lãnh đạo huyện rồi đến thị xã và bây giờ là thành phố rất quan tâm, đánh giá Hội doanh nghiệp là đơn vị tập hợp nguồn trí tuệ cũng như kinh tế cho sự phát triển chung của địa phương.
Chính vì vậy, chúng tôi luôn nhận được sự chỉ đạo sát sao của các cấp lãnh đạo để có cơ chế, chính sách thông thoáng, tạo môi trường tốt nhất cho cộng đồng doanh nghiệp phát triển theo đúng nhiệm vụ được giao.
Nhờ đó, trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, thách thức, số lượng và chất lượng của doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp thành viên trong Hội doanh nghiệp Phổ Yên tăng dần theo từng năm.
Đồng thời, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các hội viên hoạt động, những năm qua, Hội đã tăng cường liên kết, kết nối sản xuất, kinh doanh; đề xuất với các cấp chính quyền hoàn thiện cơ chế, chính sách, cải thiện môi trường đầu tư; tham mưu cho chính quyền địa phương tổ chức đối thoại hoặc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Từ đó, hội viên có điều kiện duy trì ổn định hoạt động sản xuất và tạo việc làm cho hàng chục nghìn người lao động.
NĐT: Để có những đóng góp tích cực vào nền kinh tế thành phố Phổ Yên, Hội doanh nghiệp đã có những chính sách hỗ trợ, kết nối tạo môi trường kinh doanh cho các doanh nghiệp như thế nào?
Ông Nguyễn Văn Cường: Thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành Hội và chương trình công tác hàng năm, Hội doanh nghiệp Phổ Yên đã nêu cao tinh thần đoàn kết, linh hoạt, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; chủ động nắm bắt những khó khăn, vướng mắc của nghiệp để kịp thời phản ánh, kiến nghị với các cấp, các ngành xem xét, giải quyết và ban hành cơ chế, chính sách phù hợp, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp ổn định, phát triển sản xuất, kinh doanh.
Đồng thời, chúng tôi cũng tổ chức họp thường trực hàng tháng để nắm bắt được những cơ chế, chính sách của Đảng, Nhà nước cũng như tỉnh, thành phố để bắt kịp được thời cơ, triển khai sâu rộng.
Đó cũng chính là định hướng của hội doanh nghiệp. Mặc dù thành viên chúng tôi không có lương nhưng vẫn hoạt động rất sôi nổi, nhộn nhịp. Để có sự hợp nhất và lớn mạnh đó thì Ban chấp hành Hội phải gương mẫu, ngoài phát triển kinh tế, hoàn thành kế hoạch sản xuất đề ra chúng tôi còn quan tâm đến nhiều lĩnh vực khác như an sinh xã hội.
Về cơ cấu của thành viên, chúng tôi chia thành các nhóm theo ngành nghề cụ thể. Ví dụ như nhóm xây dựng thì sẽ có người hỗ trợ, kết nối để doanh nghiệp kinh doanh vật liệu xây dựng sẽ liên kết hợp tác với nhà thầu thi công trên địa bàn thành phố.
Những năm qua, tất cả các công trình xây dựng tại địa phương hầu hết được giao cho các công ty là hội viên của Hội. Điều này vừa giúp tổ chức hoàn thành nghiệp vụ, kế hoạch, vừa tạo công ăn việc làm cho lao động. Mà lao động chúng tôi luôn định hướng ưu tiên người Phổ Yên làm việc cho Phổ Yên.
Tạo lập môi trường đầu tư lý tưởng
NĐT: Dọn tổ đón đại bàng là một trong những chính sách ưu tiên trong kế hoạch phát triển kinh tế của Phổ Yên. Ông có đánh giá như thế nào về các chính sách thu hút đầu tư trên địa bàn ?
Ông Nguyễn Văn Cường: Dọn tổ đón đại bàng là định hướng mang tính chiến lược của tỉnh Thái Nguyên, từ đó mà các lãnh đạo Phổ Yên theo chủ trương đó triển khai trở thành chính sách ưu tiên trong phát triển kinh tế.
Nhìn chung, nếu tạo được môi trường đầu tư lý tưởng để các tập đoàn lớn đến đầu tư thì rõ ràng các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Phổ Yên cũng có được sự ảnh hưởng. Từ đó, kết nối, học tập được kinh nghiệm từ các tập đoàn lớn.
Đơn cử như thời gian vừa qua, trong Hội đã có 3 hội viên là đơn vị xây dựng kết cấu nhà xưởng cho Tập đoàn Samsung. Như vậy nếu trong thời gian tới tiếp tục có các nhà đầu tư lớn đến với Phổ Yên thì Hội doanh nghiệp sẽ nhận được những thuận lợi nhất định.
Ngoài ra, nhờ chính sách của địa phương, các doanh nghiệp có cơ hội được giao thương cùng các bạn hàng lớn, cùng nhau phát triển, đóng góp nguồn ngân sách, cùng hòa vào nhịp phát triển kinh tế của thành phố Phổ Yên.
Bên cạnh đó, chính sách trên còn tận dụng được lợi thế của Phổ Yên là cửa ngõ nối giữa Thái Nguyên và Hà Nội, với hệ thống giao thông rất thuận lợi. Nguồn lao động ở địa phương đang rất có sẵn, đảm bảo đủ nhân công đáp ứng khi các nhà đầu tư đến với địa phương.
NĐT: Song song với những lợi ích trên, chắc chắn vẫn còn tồn tại một số điểm hạn chế. Ông có kiến nghị gì để tạo hành lang chính sách thông thoáng hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố?
Ông Nguyễn Văn Cường: Phổ Yên luôn tích cực trong công tác giải phóng mặt bằng, với định hướng và chỉ đạo rất quyết liệt. Tuy nhiên, vẫn còn một phần nhỏ ở các xã, nhân dân vẫn chưa hiểu hết được giá trị của việc nhà đầu tư đến với địa phương.
Chính vì vậy mà công tác giải phóng mặt bằng còn nhiều vất vả. Rất mong trong thời gian tới các đồng chí lãnh đạo sẽ tăng cường chỉ đạo, nâng cao hiểu biết của người dân, tuyên truyền cho người dân hiểu về những tiềm năng, lợi ích nếu phát triển các cụm, khu công nghiệp. Đó sẽ là đòn bẩy tạo công ăn việc làm ổn định, đem lại nguồn lợi để phát triển kinh tế xã hội, dịch vụ thương mại trên địa bàn thành phố.
Tôi cũng mong muốn rằng trong thời gian tới các cơ quan quản lý Nhà nước tiếp tục có nhiều cơ chế chính sách để tối giản thủ tục hành chính, thông thoáng hành lang pháp lý để đón được nhiều đại bàng lớn với địa phương.
Trong thời gian tới, Hội doanh nghiệp Tp.Phổ Yên xác định tập trung mở rộng, phát triển hội viên. Tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng, tăng cường năng lực quản trị, điều hành cho các doanh nghiệp hội viên.
Tiếp tục làm tốt hơn nữa vai trò cầu nối giữa doanh nghiệp với chính quyền, giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp. Xây dựng mối quan hệ phối hợp chặt chẽ giữa các Hội ngành hàng để kết nối, tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa, liên kết kinh doanh, phát triển doanh nghiệp.
Đồng thời, thực hiện tốt vai trò giám sát, phản biện, đề xuất, hiến kế với chính quyền nhằm xem xét điều chỉnh chính sách kịp thời, thúc đẩy cải cách hành chính, tạo hành lang thông thoáng, an toàn cho doanh nghiệp. Từ đó, khích lệ đội ngũ doanh nhân phát huy tài năng, trí tuệ, bản lĩnh, đóng góp tích cực và hiệu quả vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Phổ Yên.
NĐT: Ngoài giữ vai trò là Chủ tịch Hội doanh nghiệp Phổ Yên, ông còn là Giám đốc Công ty TNHH Cường Đại, xin ông chia sẻ về tình hình kinh doanh của công ty năm vừa qua?
Ông Nguyễn Văn Cường: Cường Đại là đơn vị chuyên cung cấp các loại máy móc hỗ trợ bà con nông dân với mục tiêu cơ giới hóa nông nghiệp, nông thôn, đi theo định hướng chung của Đảng và Nhà nước. Trong thời gian vừa qua, Phổ Yên tập chung chính vào phát triển công nghiệp nên việc lĩnh vực kinh doanh của công ty cũng có nhiều hạn chế.
Vượt qua những khó khăn, năm qua Cường Đại vẫn giữ được sự tăng trưởng, hoàn thành kế hoạch kinh doanh đề ra đồng thời vẫn tạo được nguồn công ăn việc làm cho người dân địa phương. Đồng thời, các chế độ dành cho nhân viên công ty cũng được hoàn thành đầy đủ.
Trải qua 18 năm gắn với nền nông nghiệp, giá trị mà tôi hướng tới chính là giảm sức lao động, tăng năng suất mùa màng. Bên cạnh đó, tôi đề cao việc người Việt Nam dùng hàng Việt Nam.
Chính vì vậy, công ty chúng tôi chỉ cung cấp máy móc do Việt Nam sản xuất, chứ không bán máy có xuất xứ từ các quốc gia khác. Đây cũng chính là định hướng của chúng tôi. Dù lợi nhuận có thể không có nhiều nhưng cốt lõi mình đem lại cho bà con nông dân chất lượng sản phẩm tốt.
Từ đây, tôi mong muốn trong thời gian tới, các cơ quan chức năng có thêm các chính sách hỗ trợ người nông dân tiếp cận được cơ giới hóa nông nghiệp, nông thôn không chỉ ở đồng bằng mà ở cả vùng sâu, vùng xa, điều kiện khó khăn.
NĐT: Thành phố Phổ Yên đã có nhiều chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp, công ty đánh giá như thế nào về sự đồng hành trên của địa phương?
Ông Nguyễn Văn Cường: Có thể thấy, Phổ Yên đã làm rất tốt trong việc phát triển công nghiệp, du lịch, dịch vụ thương mại. Nhưng lãnh đạo thành phố vẫn luôn dành sự quan tâm cho nông nghiệp, bởi đó là sự phát triển bền vững.
Nông nghiệp có thể không đóng góp nhiều ngân sách bằng công nghiệp nhưng sẽ giúp ổn định an ninh lương thực.Với cơ cấu đóng góp trong giá trị kinh tế chung của thành phố Phổ Yên, có thể nói là nông nghiệp cũng giữ vai trò quan trọng, đứng ngay sau với công nghiệp.
Từ những định hướng chiến lược đồng đều như vậy đã giúp các doanh nghiệp như chúng tôi có cơ hội phát triển. Ngoài ra, thành phố cũng hỗ trợ trong công tác chuyển đổi số, hoàn thiện các thủ tục giúp đưa hoạt động sản xuất, kinh doanh lên môi trường số, thiết lập các kênh cung cấp dịch vụ số hiệu quả, nhất là thương mại điện tử, thanh toán trực tuyến.
NĐT: Trân trọng cảm ơn ông!