Hội doanh nhân Việt Nam tại Australia cần thúc đẩy đầu tư các lĩnh vực được ưu tiên
Sáng 9/3, tại thủ đô Canberra, tiếp tục chương trình chuyến thăm chính thức Australia, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có cuộc làm việc với lãnh đạo và các thành viên Hội Doanh nhân Việt Nam tại Australia.
Cùng tham dự cuộc làm việc có Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn; lãnh đạo các bộ ngành tham gia đoàn công tác.
Ông Trần Bá Phúc, Chủ tịch Hội Doanh nhân Việt Nam tại Australia cho biết, cộng đồng người Việt rất vui mừng khi vị thế đất nước ngày càng được nâng lên tầm cao mới và trong chuyến thăm của Thủ tướng, hai nước Việt Nam - Australia đã nâng cấp quan hệ ngoại giao lên mức cao nhất. Đây cũng là điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp Việt Nam kinh doanh tại Australia, thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư song phương.
“Australia đón tiếp Thủ tướng rất đặc biệt. Việc Toàn quyền Australia đích thân lái xe đưa Thủ tướng đi tham quan Phủ Toàn quyền là điều rất hiếm có, không phải lãnh đạo quốc gia nào cũng được dành nghi lễ như vậy. Chuyến công tác của Thủ tướng làm cộng đồng người Việt đều hãnh diện, tự hào”, ông Phúc nói. Ông Phúc khẳng địn, tuy đã xa đất nước 45 năm nhưng cá nhân ông vẫn luôn rất hãnh diện là người Việt Nam, luôn giữ trái tim Việt Nam, hướng về Việt Nam.
Ông Phúc cũng cho rằng sự quan tâm, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Bộ Ngoại giao, Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài… chính là cầu nối, là yếu tố quyết định để cộng đồng người Việt khoảng 6 triệu người trên toàn thế giới tăng cường đoàn kết và hướng về đất nước, quê hương, là một bộ phận không thể tách rời của dân tộc. "Không có cầu nối đó thì không thể đoàn kết được cộng đồng lớn mạnh như vậy", ông Phúc khẳng định.
Ông Phúc cho biết, Hội Doanh nhân Việt Nam tại Australia thành lập đầu năm 2010, đến nay có khoảng 500 hội viên, trong đó có khoảng 100 hội viên trong nước. Hội đã tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang Australia; kịp thời phản ánh tình hình phát triển của quê hương, đất nước; xúc tiến thương mại, trưng bày, giới thiệu, đưa hàng hóa Việt Nam sang các siêu thị của Australia. Hội sẽ tiếp tục làm tốt vai trò cầu nối để thúc đẩy thương mại, đầu tư, kinh doanh và ông tin rằng quan hệ kinh tế song phương sẽ còn tiến xa, sâu sắc hơn nữa.
Ông Peter Hồng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài cho biết rất vui mừng trước sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, trong đó có việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 36 về công tác người Việt Nam ở nước ngoài có ý nghĩa rất quan trọng. Vừa qua, lần đầu tiên những người Việt Nam ở nước ngoài được mời tham gia góp ý vào Luật Đất đai. Nhiều ý kiến tại cuộc gặp cũng khẳng định cộng đồng người Việt nước ngoài rất phấn khởi với Luật Đất đai vừa được thông qua có nhiều nội dung mới, phù hợp tình hình.
Doanh nhân Nguyễn Thanh Hoàng cho biết, ông là một trong những người Việt Nam đầu tiên ở nước ngoài đầu tư về nước, trong đó có dự án Six Senses Côn Đảo được các tạp chí uy tín vinh danh là khu nghỉ dưỡng hàng đầu Đông Nam Á. Nêu một số đề xuất, ông khẳng định mong muốn tiếp tục mở rộng đầu tư trong lĩnh vực du lịch rất tiềm năng ở Việt Nam.
Khẳng định tiềm năng, cơ hội rất lớn sau khi hai nước nâng cấp quan hệ, các đại biểu nêu một số đề xuất, kiến nghị liên quan tới chính sách visa, tỷ giá, thuế, kết nối thông tin trong và ngoài nước… để tiếp tục đồng hành, góp phần xây dựng đất nước, đặc biệt là trong thực hiện mục tiêu chuyển đổi xanh; phát triển năng lượng tái tạo; thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, hoạt động của Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia; thu hút đầu tư nước ngoài; phát huy nguồn lực trí tuệ từ những người du học tại Australia; thu hút du khách từ Australia thăm Việt Nam; đưa người Việt sang Australia lao động; đẩy mạnh xuất khẩu nông sản, hàng hóa Việt Nam sang Australia…
Các đại biểu cũng cho biết, nhiều nước, trong đó có Australia đang rất quan tâm tìm hiểu các nhà cung ứng, sản xuất từ Việt Nam để đa dạng hóa nguồn cung. Ông Henry Trần, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân Việt Nam tại Sydney lấy ví dụ, vừa qua, ông đã dẫn một đối tác Australia đi thăm làng gốm sứ Bát Tràng và họ đánh giá rất cao chất lượng cũng như yếu tố văn hóa, lịch sử trong các sản phẩm gốm sứ này. Họ đã lấy mẫu về Australia giới thiệu và đang nhanh chóng xúc tiến việc hợp tác.
Sau khi các Bộ trưởng, thành viên đoàn công tác phản hồi về các đề xuất, kiến nghị, phát biểu tại cuộc gặp, Thủ tướng Phạm Minh Chính cảm ơn các ý kiến tại cuộc gặp, với mục tiêu góp phần cụ thể hóa khuôn khổ Đối tác Chiến lược Toàn diện giữa hai nước vừa được thiết lập.
Thủ tướng ghi nhận, đánh giá cao các thành tựu gần đây của Hội Doanh nhân Việt Nam tại Australia trong hoạt động kinh doanh, đóng góp cho sự phát triển kinh tế của hai nước, đồng thời giúp kết nối các doanh nghiệp Việt Nam tại Australia.
Thủ tướng vui mừng cho biết một trong những ấn tượng sâu sắc nhất trong chuyến thăm là các nhà lãnh đạo Australia đều đánh giá cao vai trò của người Việt. Trong trao đổi, Thủ tướng đã đề nghị phía Australia xem xét công nhận cộng đồng người Việt 350 nghìn người là dân tộc thiểu số của Australia và phía bạn đánh giá cao sáng kiến này.
Quan hệ kinh tế - thương mại - đầu tư giữa Việt Nam và Australia đang phát triển tốt đẹp. Kim ngạch thương mại song phương năm 2023 đã đạt mức gần 14 tỷ USD, hai nước đã trở thành 1 trong 10 đối tác thương mại hàng đầu của nhau. Lãnh đạo hai nước đã thông qua Chiến lược Tăng cường Hợp tác Kinh tế Việt Nam – Australia (EEES), là nền tảng vững chắc để các doanh nghiệp Australia nói chung và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam tại Australia nói riêng tiếp tục đẩy mạnh hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam.
Đặc biệt, trong chuyến thăm, hai nước vừa nâng cấp quan hệ lên mức cao nhất là Đối tác Chiến lược Toàn diện với "6 điểm hơn" so với khuôn khổ trước đây; trong đó hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư toàn diện, bao trùm, thực chất và hiệu quả.
Thủ tướng đề nghị hội và cộng động doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam tại Australia phát huy những thành tựu đã đạt được, tận dụng tối đa cơ hội từ việc hai nước thiết lập khuôn khổ quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện để phát triển hơn nữa các mối liên kết, hợp tác kinh tế.
Thủ tướng mong muốn hội tiếp tục phát huy vai trò hạt nhân, nòng cốt kết nối, khuyến khích các doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam tại Australia, thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư giữa doanh nghiệp hai nước; đồng thời kết nối với các hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam trong nước và ở các nước khác, nhất là ở Hoa Kỳ, Nhật Bản, châu Âu…
Thủ tướng đề nghị hội và các doanh nghiệp, doanh nhân tăng cường hỗ trợ cộng đồng, nhất là những người yếu thế, những người mới tới Australia; kiên trì, tích cực thúc đẩy phía Australia xem xét, công nhận cộng đồng người Việt là dân tộc thiểu số; thúc đẩy việc gìn giữ, học tập tiếng Việt, giữ gìn, phát huy và quảng bá văn hóa Việt Nam; thúc đẩy giao lưu văn hóa, du lịch.
Thủ tướng cũng đề nghị jội và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam tại Australia tiếp tục quan tâm thúc đẩy hợp tác, đầu tư trong các lĩnh vực mà Việt Nam đang ưu tiên như kinh tế xanh, kinh tế số, khai thác, chế biến sâu khoáng sản thiết yếu, hợp tác lao động, giáo dục đào tạo…
Về các đề xuất, kiến nghị, lãnh đạo các bộ, ngành đã phản hồi, Thủ tướng khẳng định luôn bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhà đầu tư trên cơ sở luật pháp, lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ.
Thủ tướng nhấn mạnh mong muốn hội và cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam thiết thực góp phần xây dựng, phát triển cộng đồng người Việt càng lớn mạnh càng tốt, có vai trò, vị trí ngày càng cao, tuân thủ pháp luật, góp phần xây dựng, phát triển quê hương và sở tại cũng như thúc đẩy quan hệ song phương.