Hội đồng Bảo an họp định kỳ, nghe báo cáo về vấn đề vũ khí hóa học tại Syria
Ngày 4/10, tại New York, Hoa Kỳ, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) đã họp đánh giá việc thực hiện Nghị quyết 2118 (năm 2013) liên quan đến vấn đề vũ khí hóa học tại Syria.
Báo cáo trước HĐBA, Phó Tổng thư ký LHQ kiêm Đại diện cao cấp về các vấn đề giải trừ quân bị Izumi Nakamitsu thông tin cập nhật tình hình trên cơ sở Báo cáo tháng của Tổng giám đốc Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW).
Bà Nakamitsu cho biết, hầu hết hoạt động thực địa của Ban Thư ký OPCW tại Syria đang tiếp tục phải tạm hoãn do ảnh hưởng của các biện pháp phòng, chống Covid-19.
Trong giải quyết các vấn đề tồn đọng liên quan tới khai báo ban đầu của Syria theo quy định của Công ước Cấm Vũ khí hóa học (CWC), Ban Thư ký OPCW và Syria đang tiếp tục trao đổi tìm giải pháp đẩy nhanh quá trình này.
Trong đó, hai bên đang thu xếp tiến hành tham vấn lần thứ 25 trong nửa cuối tháng 10/2021 và trao đổi để thu xếp cuộc gặp giữa Bộ trưởng Ngoại giao kiêm người đứng đầu Cơ quan đầu mối quốc gia về CWC của Syria và Tổng giám đốc OPCW.
Tại cuộc họp, các thành viên HĐBA bày tỏ lo ngại về các cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học tại Syria và kêu gọi cần tăng cường hợp tác ngăn ngừa hành vi này.
Các nước nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy hợp tác kỹ thuật giữa Ban Thư ký OPCW và Syria nhằm giải quyết các vấn đề tồn đọng, hướng tới việc thực hiện đầy đủ nghĩa vụ theo CWC và Nghị quyết 2118 của HĐBA.
Phát biểu tại cuộc họp, Đại sứ Phạm Hải Anh, Phó Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại LHQ, tái khẳng định lập trường của Việt Nam trong việc lên án hành vi sử dụng vũ khí hóa học và nhấn mạnh việc cần tôn trọng và thực thi đầy đủ CWC.
Đại sứ Phạm Hải Anh đề cao vai trò của tham vấn kỹ thuật giữa Syria và Ban Thư ký OPCW nhằm sớm giải quyết các vấn đề tồn đọng liên quan tới khai báo ban đầu, nhằm mục tiêu sớm tìm giải pháp lâu dài cho vấn đề vũ khí hóa học tại Syria phù hợp với Nghị quyết 2118.
Phó Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại LHQ nhấn mạnh vai trò quan trọng của hợp tác mang tính xây dựng và sự thống nhất của cộng đồng quốc tế nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình này.