Hội đồng Bảo an kêu gọi tăng cường bảo vệ các dịch vụ và cơ sở hạ tầng thiết yếu về nước cho người dân trong xung đột vũ trang
Đại diện Việt Nam cho rằng trước tình hình xung đột phức tạp trên thế giới hiện nay, hơn bao giờ hết, cần thúc đẩy sự tuân thủ các nguyên tắc và nghĩa vụ của các bên trong xung đột.
Nhân ngày Nước thế giới, 22/3, Hội đồng Bảo an (HĐBA) Liên hợp quốc đã tổ chức cuộc họp theo thể thức Arria với chủ đề “Bảo vệ hiệu quả hơn các dịch vụ và cơ sở hạ tầng thiết yếu về nước cho người dân trong xung đột vũ trang”.
Cuộc họp có sự tham gia, phát biểu của Giám đốc Điều hành Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), Tổng giám đốc Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế (ICRC), Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR), Giám đốc điều hành tổ chức Oxfam Nam Phi cùng đại diện cấp cao từ gần 50 quốc gia.
Tại cuộc họp, các đại biểu chia sẻ quan ngại về hậu quả nghiêm trọng của việc phá hủy cơ sở hạ tầng làm gián đoạn tiếp cận các dịch vụ cơ bản về nước sạch trong xung đột vũ trang, cũng như những tác động tiêu cực, lâu dài của vấn đề này đến môi trường và cuộc sống của người dân.
Trong bối cảnh đó, nhiều nước và tổ chức quốc tế đánh giá cao Nghị quyết 2573 (2021) của HĐBA do Việt Nam chủ trì đề xuất về bảo vệ cơ sở hạ tầng thiết yếu, đồng thời kêu gọi tăng cường thực hiện các nghĩa vụ theo luật nhân đạo quốc tế và nhấn mạnh HĐBA cần có sự tham gia sâu hơn trong vấn đề này.
Phát biểu tại phiên thảo luận, Tham tán Công sứ Lê Thị Minh Thoa, Phó Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại LHQ khẳng định vai trò quan trọng của an ninh nguồn nước, nền tảng cho sự ổn định và phát triển của mỗi quốc gia.
Đại diện Việt Nam cho rằng trước tình hình xung đột phức tạp trên thế giới hiện nay, hơn bao giờ hết, cần thúc đẩy tuân thủ các nguyên tắc và nghĩa vụ của các bên trong xung đột. Theo đó, các bên trong xung đột cần chịu trách nhiệm chính trong việc bảo vệ dân thường cũng như các cơ sở hạ tầng cung cấp nhu cầu thiết yếu trong lãnh thổ hay khu vực đang được kiểm soát.
HĐBA cần thể hiện vai trò mạnh mẽ hơn nữa đối với các cuộc tấn công nhằm vào mục tiêu dân sự và áp dụng các biện pháp cần thiết để ngăn chặn những vi phạm này. Liên hợp quốc, các tổ chức quốc tế và khu vực cũng cần tăng cường hợp tác, điều phối trong việc hỗ trợ nâng cao nhận thức, năng lực, hỗ trợ nhân đạo và kỹ thuật nhằm thúc đẩy thực hiện luật nhân đạo ở cấp quốc gia.
Họp theo thể thực Arria là hình thức họp không chính thức của HĐBA nhằm xem xét các vấn đề mới nổi hoặc còn ý kiến khác nhau, thường có sự tham dự của toàn bộ 15 nước thành viên HĐBA và các nước thành viên LHQ.
Đây là cuộc họp cấp bộ trưởng được tổ chức theo đề xuất của Mozambique và Thụy Sỹ trong tháng đầu tiên Mozambique đảm nhiệm vai trò Ủy viên không thường trực, đồng thời là Chủ tịch HĐBA.