Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc họp kín về Myanmar, ASEAN kêu gọi đối thoại
Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc hôm nay (31/3) họp kín để thảo luận về tình hình Myanmar sau những diễn biến phức tạp gần đây.
Trong khi đó, các nước ASEAN tiếp tục khẳng định lập trường không can thiệp vào vấn đề nội bộ của một quốc gia, nhưng sẵn sàng xây dựng cách tiếp cận tích cực để mang lại hòa bình và ổn định cho người dân Myanmar.
Theo các nguồn tin ngoại giao, cuộc họp kín của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc diễn ra theo đề xuất của Anh. Dự kiến 15 thành viên Hội đồng Bảo an sẽ lắng nghe báo cáo tình hình của đặc phái viên Liên Hợp Quốc về Myanmar, ông Christine Schraner Burgener.
Cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc diễn ra sau khi quân đội quốc gia Đông Nam Á bắt giữ các lãnh đạo chính phủ, các thủ hiến vùng, bang và các thành viên cấp cao của đảng Liên đoàn quốc gia vì dân chủ (NLD) tháng 2 vừa qua, dẫn tới cuộc khủng hoảng chính trị tại nước này.
Trước những diễn biến căng thẳng tại một quốc gia thành viên, nhiều nước ASEAN tiếp tục kêu gọi giảm tình trạng bạo lực, khẳng định ủng hộ đối thoại để giải quyết tình hình tại Myanmar.
Tại cuộc gặp trong khuôn khổ 2+2 giữa Bộ trưởng Quốc phòng và Ngoại giao Nhật Bản - Indonesia, Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi nhấn mạnh: “Tôi đánh giá cao sự ủng hộ của Nhật Bản đối với nỗ lực của ASEAN về tình hình Myanmar. Đối với Indonesia, an toàn và người dân Myanmar là ưu tiên hàng đầu. Các bên nên theo đuổi đối thoại để thúc đẩy dân chủ, hòa bình và ổn định trở lại Myanmar”.
Ngoại trưởng Thái Lan Don Pramudwinai hôm 30/3 cho biết đã đề nghị Myanmar ổn định tình hình. Theo ông Don Pramudwinai, hòa bình tại Myanmar sẽ là mục tiêu chính của Hội nghị thượng đỉnh ASEAN sắp tới. Trong khi Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan nhấn mạnh, tình hình tại Myanmar cần thời gian để có thể giải quyết và điều cần thiết là các quốc gia Đông Nam Á cần có một lập trường chung trong cách tiếp cận với Myanmar.
“Singapore bày tỏ lo ngại về những diễn biến gần đây tại Myanmar. Những bất ổn này có thể làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng nhân đạo tại quốc gia Đông Nam Á này. Chúng tôi hy vọng các bên kiềm chế, tránh thương vong cho dân thường, thúc đẩy đối thoại quốc gia. Chúng tôi hiểu rằng không can thiệp vào vấn đề nội bộ của một quốc gia, nhưng các nước ASEAN sẵn sàng làm những điều tốt nhất để hỗ trợ người dân Myanmar có tương lai tốt đẹp hơn”, Ngoại trưởng Vivian Balakrishnan nói.
Trong khi đó nhiều quốc gia khác cũng tiếp tục đưa ra những phản ứng đối với tình hình Myanmar. Bộ Ngoại giao Mỹ hôm qua yêu cầu nhân viên ngoại giao không giữ nhiệm vụ quan trọng rời khỏi Myanmar sau tình trạng bất ổn tại quốc gia này. Trước đó từ giữa tháng 2, Bộ Ngoại giao Mỹ đã cho phép các nhân viên chính phủ không giữ nhiệm vụ khẩn cấp được tự nguyện rời khỏi Myanmar cùng với người thân.
Cùng ngày, Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi cho biết, nước này đã đình chỉ cung cấp viện trợ mới cho Myanmar. Phát biểu tại một phiên họp Quốc hội Nhật Bản, Ngoại trưởng Motegi cho biết nước này sẽ không lên kế hoạch cho bất kỳ dự án mới nào tại Myanmar. Nhật Bản đã viện trợ gần 190 tỷ yen (tương đương 1,7 tỷ USD) cho Myanmar trong năm tài khóa 2019, trở thành nhà đóng góp hỗ trợ lớn nhất cho quốc gia Đông Nam Á này./.