Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc kêu gọi chấm dứt xung đột tại Ethiopia
Ngày 5/11, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc kêu gọi chấm dứt giao tranh ở Ethiopia, tiến tới đàm phán về một lệnh ngừng bắn lâu dài, đồng thời bày tỏ quan ngại sâu sắc về leo thang đụng độ quân sự tại quốc gia vùng Sừng châu Phi này.
Theo đó, trong tuyên bố về Ethiopia được soạn thảo bởi đại diện các nước Ireland, Kenya, Niger, Tunisia và Saint Vincent và Grenadines, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhấn mạnh việc cần thiết phải “kiềm chế phát ngôn gây thù hằn, kích động bạo lực và chia rẽ".
Hội đồng Bảo an cũng kêu gọi “tôn trọng luật nhân đạo quốc tế để tạo điều kiện tiếp cận nhân đạo an toàn và không bị cản trở, thiết lập lại các dịch vụ công, và thúc đẩy hơn nữa việc mở rộng hỗ trợ nhân đạo" cho người dân Ethiopia bị ảnh hưởng.
Đại sứ Ireland tại Liên hợp quốc, bà Geraldine Byrne Nason cho biết trong một tuyên bố: "Hôm nay, sau 6 tháng, Hội đồng Bảo an đã thống nhất lên tiếng về tình hình đáng lo ngại sâu sắc ở Ethiopia".
"Lần đầu tiên, Hội đồng Bảo an kêu gọi chấm dứt các hành động thù địch. Điều này cần phải được thực hiện ngay lập tức và tất cả người dân đều phải được bảo vệ", bà nhấn mạnh.
Xung đột ở Ethiopia giữa quân đội chính phủ và các lực lượng nổi dậy, dẫn đầu bởi Mặt trận Giải phóng nhân dân Tigray (TPLF) và các đồng minh đã kéo dài hơn 1 năm, khởi đầu từ khu vực Tigray phía bắc đất nước và hiện đã lan rộng trong những tuần gần đây, khiến hàng nghìn người thiệt mạng và hơn 2 triệu người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn.
Liên hợp quốc cho biết có tới 7 triệu người ở các khu vực Tigray, Amhara và Afar của Ethiopia cần được hỗ trợ nhân đạo, bao gồm tới 5 triệu người ở Tigray, nơi ước tính có khoảng 400 nghìn người đang sống trong tình trạng thiếu đói.
Truyền thông nhà nước cho hay, với việc các phiến quân dự định tiến về thủ đô Addis Ababa, quân đội Ethiopia hôm qua đã kêu gọi các binh lính xuất ngũ trở lại phục vụ.
Trước đó, Ethiopia đã ban bố tình trạng khẩn cấp sau khi TPLF tiếp tục giành quyền kiểm soát nhiều phần lãnh thổ. Hiện lực lượng này đang ở thị trấn Kemise thuộc bang Amhara, cách thủ đô 325 km.
TPLF cũng tuyên bố đang áp sát thị trấn Mille, vốn nhiều khả năng sẽ tạo điều kiện cho lực lượng này kiểm soát các đường cao tốc nối liền nước láng giềng Djibouti với Addis Ababa.
Ngày 5/11, người phát ngôn chính phủ lên tiếng phủ nhận thông tin từ TPLF, cho biết giao tranh vẫn còn cách Mille 80 km. Phía chính phủ cũng thông báo 1 chỉ huy của TPLF, Đại tá Guesh Gebrehiwot đã bị bắt trước đó 1 ngày trong cuộc giao tranh gần Dessie ở Amhara.
Kênh truyền hình nhà nước Fana TV đưa tin, ngày 5/11, hàng nghìn người đã xuống đường diễu hành ủng hộ chính phủ tại ít nhất 7 thị trấn và thành phố ở vùng Oromiya, trong đó bao gồm thủ đô Addis Ababa.
Trong bối cảnh giao tranh leo thang tại Ethiopia, các nhà lãnh đạo châu Phi và phương Tây đã lên tiếng kêu gọi một lệnh ngừng bắn trên toàn quốc. Đại sứ quán Mỹ tại nước này cũng khuyến cáo công dân nên rời khỏi Ethiopia càng sớm càng tốt.