Hội đồng Bảo an thông qua hai nghị quyết về Afghanistan và Iraq

Người tị nạn Afghanistan tại các khu lều tạm ở khu vực biên giới giữa Afghanistan và Pakistan. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 17/9, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã biểu quyết 100% tán thành thông qua Nghị quyết 2596 về gia hạn nhiệm vụ của phái bộ hỗ trợ Liên Hợp Quốc tại Afghanistan (UNAMA) và Nghị quyết 2597 về Nhóm điều tra Liên Hợp Quốc truy cứu tội ác do Da’esh/ISIL (UNITAD) gây ra tại Iraq.

Nghị quyết 2596 quyết định gia hạn kỹ thuật nhiệm vụ của UNAMA thêm sáu tháng, đến ngày 17/3/2022. UNAMA vẫn sẽ giữ nguyên các nhiệm vụ hiện nay là hỗ trợ tiến trình chính trị, các vấn đề cứu trợ, tái thiết và phát triển tại Afghanistan.

Nghị quyết đề nghị Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc có báo cáo trước Hội đồng Bảo an trước 17/1/2022 về các khuyến nghị liên quan đến nhiệm vụ của phái bộ trong tương lai. Đồng thời, nghị quyết cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo đảm một chính phủ toàn diện ở Afghanistan với sự tham gia đầy đủ, bình đẳng và có ý nghĩa của phụ nữ; đồng thời bảo đảm các quyền con người, trong đó có của phụ nữ, trẻ em và các nhóm thiểu số.

Trong khi đó, Nghị quyết 2597 gia hạn nhiệm vụ của UNITAD thêm 12 tháng, đến ngày 18/9/2022. Các nước thành viên Hội đồng Bảo an ghi nhận nỗ lực và hiệu quả hoạt động của UNITAD trong điều kiện hết sức khó khăn do tác động của đại dịch COVID-19 và tình hình an ninh phức tạp ở Iraq. Các nước cũng đánh giá cao sự hợp tác của chính phủ và các cấp chính quyền địa phương của Iraq đối với Phái bộ UNITAD.

Nhiều phát biểu cam kết tiếp tục hỗ trợ phái bộ thực hiện nhiệm vụ hiệu quả trên cơ sở các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an, phù hợp với luật pháp quốc tế và luật pháp của Iraq.

UNAMA được thành lập năm 2002 với nhiệm vụ hỗ trợ tiến trình chính trị, các vấn đề cứu trợ, tái thiết và phát triển tại Afghanistan.

Nhóm điều tra UNITAD được thành lập năm 2017, có nhiệm vụ hỗ trợ việc truy cứu trách nhiệm của các thành viên ISIL/Da’esh về các tội ác chiến tranh, tội ác chống lại loài người và tội diệt chủng đã thực hiện ở Iraq.

Trong diễn biến khác, Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) lần thứ 21, diễn ra tại thủ đô Dushanbe của Tajikistan theo hình thức trực tuyến, ngày 17/9 ra tuyên bố kêu gọi bình ổn tình hình ở Afghanistan sớm nhất có thể.

Tuyên bố nêu rõ: "Các nước thành viên tin rằng một trong những yếu tố quan trọng nhất trong việc duy trì, củng cố an ninh và ổn định trong không gian SCO là giải quyết sớm nhất tình hình ở Afghanistan. Các nước thành viên SCO ủng hộ việc hình thành Afghanistan như một quốc gia độc lập, trung lập, đoàn kết, dân chủ và hòa bình cũng như không có khủng bố, chiến tranh và ma túy”.

Ngoài ra, các nước thành viên SCO cho rằng điều quan trọng là phải tạo ra một chính phủ đa thành phần ở Afghanistan, theo đó sẽ bao gồm đại diện của tất cả các nhóm sắc tộc, tôn giáo và chính trị.

Trước đó, phát biểu tại hội nghị, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định SCO phải đi đầu trong việc đảm bảo rằng Taliban thực hiện cam kết ngăn chặn khủng bố và buôn lậu ma túy. Ông nhấn mạnh rằng Điện Kremlin sẽ "sử dụng tiềm lực của mình để "khuyến khích chính quyền mới tại Afghanistan" thực hiện đầy đủ cam kết bình thường hóa cuộc sống và đảm bảo an ninh tại Afghanistan.

Moscow vốn tỏ ra lạc quan một cách thận trọng về Taliban, kể từ khi lực lượng này giành quyền kiểm soát Afghanistan hồi tháng trước. Tuy nhiên, Điện Kremlin cho biết không vội vàng công nhận Taliban như chính quyền mới tại quốc gia Nam Á này, đồng thời kêu gọi Taliban ngăn chặn hoạt động buôn lậu ma túy và chiến đấu chống các nhóm cực đoan.

Trong phát biểu của mình, Tổng thống Tajikistan Emomali Rahmon cho rằng SCO và Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể (CSTO) có thể sử dụng tiềm lực của mình để khởi động cuộc đối thoại nội bộ Afghanistan nhằm tạo một nền tảng tương lai cho nước này. Ông cũng đề xuất tạo một "vành đai an ninh" quanh Afghanistan để ngăn chặn nguy cơ mở rộng của các nhóm khủng bố.

Phát biểu cùng ngày tại hội nghị SCO, Tổng thống Uzbekistan Shavkat Mirziyoyev cũng hối thúc các nước dỡ bỏ phong tỏa tài sản của Afghanistan gửi ở ngân hàng nước ngoài nhằm tạo điều kiện thuận lợi để đối thoại với chính quyền Taliban ở Kabul.

Ông Mirziyoyev cũng kêu gọi SCO đối thoại với Taliban cũng như nỗ lực chống sự trỗi dậy của khủng bố trong khu vực. Theo ông, dỡ bỏ phong tỏa tài sản của Afghanistan ở nước ngoài có thể giúp đạt được những mục tiêu đó.

Cũng tại hội nghị của SCO, các nhà lãnh đạo cho biết sẽ bắt đầu tiến trình xem xét kết nạp Iran trở thành thành viên, cùng với Ấn Độ và Pakistan.

Sau khi Taliban lên nắm quyền ở Afghanistan hồi tháng trước, Washington thông báo sẽ phong tỏa các tài sản của ngân hàng trung ương Afghanistan gửi tại Mỹ. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng khẳng định Afghanistan sẽ không được tiếp cận nguồn lực của thể chế cho vay quốc tế này.

Theo TTXVN/Vietnam+

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/92/264157/hoi-dong-bao-an-thong-qua-hai-nghi-quyet-ve-afghanistan-va-iraq.html