Hội đồng Bảo an thông qua Nghị quyết về Thanh niên, Hòa bình, An ninh
Ngày 14/7, Hội đồng Bảo an lần đầu tiên đã họp trở lại tại phòng họp trong Trụ sở LHQ kể từ tháng 3/2020 do tác động của đại dịch COVID19.
Tại phiên họp, Hội đồng Bảo an (HĐBA LHQ) đã nhất trí thông qua Nghị quyết 2534 về Phái bộ LHQ Hỗ trợ thực thi Thỏa thuận Hodeidah tại Yemen (UNMHA) và Nghị quyết 2535 về Thanh niên, Hòa bình, An ninh.
Nghị quyết 2534 gia hạn thêm 12 tháng hoạt động của Phái bộ UNMHA. Phái bộ UNMHA được thành lập theo Nghị quyết 2452 (ngày 16/1/2019) với nhiệm vụ chính là giám sát quá trình các bên thực hiện lệnh ngừng bắn tại bang Hodeidah và tái bố trí lực lượng quân sự ra khỏi thành phố Hodeidah; điều phối các hoạt động của LHQ hỗ trợ các bên tại Yemen thực thi đầy đủ Thỏa thuận Hodeidah.
Nghị quyết 2535 do Pháp và CH Dominicana đồng chủ trì soạn thảo. Trong tháng 4/2020, CH Dominicana, Chủ tịch luân phiên HĐBA đã tổ chức phiên họp trực tuyến mở về chủ đề Thanh niên, Hòa bình, An ninh nhân dịp kỷ niệm 5 năm chương trình này được HĐBA chính thức đưa vào thảo luận theo Nghị quyết 2250 (2015).
Nghị quyết 2535 khẳng định thanh niên có vai trò, tiềm năng đóng góp vào duy trì nền hòa bình bền vững và thịnh vượng của các quốc gia, toàn cầu; đồng thời thanh niên cũng bị chịu ảnh hưởng bởi xung đột, bạo lực, thảm họa thiên nhiên, gặp phải các thách thức cản trở thanh niên tham gia đầy đủ vào quá trình ra quyết định, thiếu cơ hội giáo dục, chăm sóc y tế và việc làm.
Nghị quyết kêu gọi các quốc gia, LHQ, tổ chức quốc tế, tổ chức khu vực tăng cường tham gia đầy đủ của thanh niên vào ngăn ngừa và giải quyết xung đột, xây dựng hòa bình, xây dựng các chương trình, chính sách về phát triển kinh tế, xã hội, việc làm, giáo dục, hướng nghiệp cho thanh niên, nâng cao đóng góp của các nữ thanh niên.
Nghị quyết cũng nhấn mạnh sự gắn kết giữa chương trình về Thanh niên, Hòa bình, An ninh với chương trình về Phụ nữ, Hòa bình, An ninh. Nghị quyết thể chế hóa đề mục Thanh niên, Hòa bình, An ninh trong Chương trình nghị sự của HĐBA, thông qua việc thiết lập cơ chế báo cáo 2 năm của Tổng Thư ký LHQ về thực hiện Nghị quyết và lồng ghép Chương trình Thanh niên, Hòa bình, An ninh vào tất cả các công việc của HĐBA.
* Cùng ngày, HĐBA LHQ tiến hành phiên họp thảo luận tại trụ sở LHQ về tình hình và nội dung Báo cáo của Tổng Thư ký LHQ về hoạt động của Phái bộ LHQ giám sát thực thi thỏa thuận hòa bình tại Colombia.
Ông Carlos Ruiz Massieu, Đại diện đặc biệt của Tổng thư ký, Trưởng Phái bộ Giám sát đánh giá cao nỗ lực hợp tác của các bên với Hội đồng Tái hòa nhập Quốc gia trong khuôn khổ cơ chế ba bên trong quá trình chuyển tiếp; tin tưởng các cuộc đối thoại mang tính xây dựng giữa Chính phủ và lực lượng vũ trang Colombia FARC sẽ sớm đạt được thỏa thuận nhằm tiếp tục thúc đẩy thực hiện thỏa thuận hòa bình.
Ông Massieu bày tỏ quan ngại về tình hình an ninh, bạo lực giới tính và giết hại các nhà lãnh đạo xã hội, các cựu binh bản địa và gốc Phi; đề nghị Chính phủ Colombia và các bên liên quan triển khai các biện pháp bảo đảm an ninh cho các các cộng đồng và tăng cường vai trò lãnh đạo của các cựu binh là nữ giới trong tái hòa nhập xã hội, kinh tế và chính trị. Ông đề nghị các bên tiếp tục thực hiện lời kêu gọi ngừng bắn toàn cầu để ngăn chặn bạo lực và tạo điều kiện ứng phó với đại dịch Covid-19.
Bà Clemencia Carabali, đại diện Hiệp hội Phụ nữ Thành phố, bày tỏ quan ngại về tình trạng bạo lực, tấn công và giết hại các nhà lãnh đạo xã hội, các cựu binh, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em; lên án các hành động mở rộng khu vực kiểm soát của các nhóm vũ trang bất hợp pháp.
Bà Clemencia đề nghị LHQ và cộng đồng quốc tế tích cực hỗ trợ và xây dựng hòa bình tại Colombia; đề nghị Chính phủ tăng cường các biện pháp bảo vệ phụ nữ và trẻ em và tiến hành điều tra, đưa các thủ phạm ra trước pháp luật.
Các nước thành viên HĐBA ghi nhận những nỗ lực và ủng hộ các biện pháp ngăn chặn đại dịch Covid-19 cũng như thực hiện thỏa thuận hòa bình tại Colombia; quan ngại về các vụ bạo lực, tấn công và giết hại các nhà lãnh đạo xã hội, các cựu binh; đề nghị Chính phủ và các bên liên quan tăng cường các biện pháp ngăn chặn hoạt động của các nhóm vũ trang bất hợp pháp và bảo đảm an toàn cho các cộng đồng dễ bị tổn thương trong quá trình tái hòa nhập; ghi nhận bước tiến trong triển khai các dự án phát triển kinh tế, xã hội và sản xuất đối với người dân.
Tại cuộc họp, Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn đại diện Việt Nam tại LHQ chia sẻ những khó khăn trong thực hiện Thỏa thuận Hòa bình, đặc biệt là những tác động tiêu cực của Covid-19; ủng hộ nỗ lực của Chính phủ và Quốc hội Colombia trong thảo luận các dự luật và cải cách hiến pháp.
Đại sứ quan ngại về tình trạng bạo lực và giết hại các cựu binh, các nhà lãnh đạo xã hội; kêu gọi các bên liên quan tiếp tục thực hiện lời kêu gọi của Tổng Thư ký về ngừng bắn toàn cầu và triển khai các biện pháp cần thiết bảo vệ thường dân tại các khu vực bị ảnh hưởng bởi xung đột, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em.
Đại sứ Đặng Đình Quý ghi nhận những bước tiến trong tái hội nhập của các cựu binh thông qua các chương trình, dự án phát triển kinh tế và xã hội cá nhân và tập thể; đề nghị Hội đồng Tái hòa nhập Quốc gia cùng LHQ và các tổ chức khu vực, quốc tế tích cực hỗ trợ cơ chế tài chính và đề xuất các sáng kiến phù hợp giúp các cựu binh nhanh chóng ổn định cuộc sống; tái khẳng định sự ủng hộ của Việt Nam đối với người dân Colombia vì hòa bình và ổn định.
Phái bộ của LHQ giám sát thực hiện thỏa thuận hòa bình tại Colombia được thành lập theo Nghị quyết 2366 (2017) ngày 10/7/2017 của HĐBA, thời hạn 3 năm và được gia hạn nếu cần thiết. Nghị quyết xác định Phái bộ có nhiệm vụ giám sát thực hiện phần 3.2 và 3.4 của Thỏa thuận hòa bình cuối cùng giữa Chính phủ Colombia và FARC năm 2016 về tái hòa nhập của FARC và thực hiện các biện pháp bảo đảm an ninh cho cá nhân và tập thể ở các khu vực dành cho việc đào tạo và tái hòa nhập của các cựu binh FARC. Từ 2017 đến nay, HĐBA LHQ duy trì họp định kỳ 3 tháng/lần để nghe báo cáo về hoạt động của Phái bộ.