Hội đồng chấp thuận kết quả nghiệm thu hoàn thành dự án Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1
Vừa qua, tại Hà Nội, Hội đồng kiểm tra Nhà nước về công tác nghiệm thu (Hội đồng) đã tiến hành họp trực tuyến và trực tiếp về kết quả kiểm tra công tác nghiệm thu hoàn thành đưa nhà máy vào khai thác, sử dụng Tổ máy số 1, Tổ máy số 2 và toàn bộ Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1 (tỉnh Hậu Giang).
Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Bùi Xuân Dũng chủ trì cuộc họp. Cùng tham dự có các thành viên Hội đồng, Cơ quan Thường trực Hội đồng, đại diện Bộ Công Thương, Sở Xây dựng và Sở Công Thương Hậu Giang, chủ đầu tư, nhà thầu, đơn vị tư vấn, chuyên gia Hội đồng…
Theo báo cáo của đại diện chủ đầu tư, dự án Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1 được đầu tư xây dựng tại ấp Phú Xuân, thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang. Đây là dự án trọng điểm do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam làm chủ đầu tư và Ban Quản lý dự án điện lực dầu khí Sông Hậu 1 (Ban QLDA) là đại diện chủ đầu tư.
Dự án khởi công ngày 16/05/2015 có công suất 1.200MW gồm 2 Tổ máy 1 và 2 (số giờ vận hành cực đại – Tmax là 6.500 giờ/năm, điện năng sản xuất 7.800 GWh/năm; điện năng thương phẩm 7.301 GWh/năm), tổng mức đầu tư hơn 43.000 tỷ đồng, tương đương 2 tỷ USD.
Dự án nằm trong hệ thống truyền tải điện lưới Sông Hậu, là công trình cấp 1, được lắp đặt theo công nghệ lò hơi kiểu lò than phun thông số siêu tới hạn, trực lưu, đốt trực tiếp, quá nhiệt trung gian 1 lần. Đây là nhà máy đầu tiên ở Việt Nam sử dụng công nghệ vòi đốt giảm phát thải khí NOx, tua bin kiểu tua bin ngưng hơi truyền thống, quá nhiệt trung gian 1 cấp, trích hơi gia nhiệt nước cấp, thông số hơi đầu vào siêu tới hạn.
Cho đến thời điểm hiện tại, Tổ máy số 1, Tổ máy số 2 và hệ thống thiết bị phụ trợ sử dụng chung của Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1 đã được thiết kế, thi công xây lắp tuân thủ theo tiêu chuẩn được phê duyệt và Hợp đồng EPC đã ký. Tổ máy số 1, Tổ máy số 2 đã được đưa vào vận hành thương mại từ ngày 6/5/2022.
Công tác nghiệm thu chạy thử đã hoàn thành. Các chỉ tiêu thông số kỹ thuật đảm bảo yêu cầu theo thiết kế được duyệt. Chất lượng công trình được đánh giá đáp ứng yêu cầu theo thiết kế, đủ điều kiện đưa vào khai thác, sử dụng. Đã thực hiện công tác nghiệm thu hoàn thành của chủ đầu tư. Các hạng mục công trình và nhà máy đang khai thác vận hành ổn định.
Theo nhận định của Tổ chuyên gia Hội đồng và cơ quan Thường trực Hội đồng, các lưu ý kỹ thuật của Cơ quan thường trực và của Hội đồng trong các đợt kiểm tra, cơ bản đã được xử lý, hoàn thành đáp ứng các quy định kỹ thuật và đảm bảo độ ổn định cũng như an toàn trong vận hành. Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1 đã được cấp đầy đủ các giấy phép theo quy định. Tổ máy số 1, Tổ máy số 2 và toàn bộ Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1 được thiết kế, thi công xây lắp và thử nghiệm đáp ứng đầy đủ các yêu cầu kỹ thuật để đưa vào vận hành. Do đó, dự án được kiến nghị Hội đồng xem xét chấp thuận nghiệm thu hoàn thành đưa nhà máy vào khai thác, sử dụng.
Các ý kiến của đại diện thành viên Hội đồng, đại diện Bộ Công Thương, UBND tỉnh Hậu Giang, Sở Công Thương Hậu Giang, Sở Xây dựng Hậu Giang… đều đồng ý với báo cáo của chủ đầu tư, chấp thuận công trình đủ điều kiện nghiệm thu hoàn thành và đưa vào khai thác sử dụng.
Cơ quan Thường trực Hội đồng đã kiểm tra công trình nhiều lần, cho thấy kết quả quan trắc sau khi công trình đã hoàn thành và đưa vào sử dụng không gặp vấn đề gì bất thường. Những tồn tại liên quan đến pháp lý, kỹ thuật lưu ý chủ đầu tư khắc phục.
Kết luận tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Xuân Dũng chúc mừng chủ đầu tư, tổng thầu đã nỗ lực thi công vượt khó hoàn thành công trình theo tiến độ và vận hành phát điện thương mại hiệu quả, đóng góp cho ngân sách và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Đồng ý với các ý kiến của Hội đồng, Thứ trưởng thống nhất kết quả kiểm tra nghiệm thu hoàn thành Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1. Tuy nhiên, Thứ trưởng lưu ý, nhà máy đã chạy thử nghiệm hơn một năm, do đó, những tồn tại được Hội đồng và Tổ chuyên gia Hội đồng lưu ý thì yêu cầu chủ đầu tư sớm hoàn thành.
Các nhà thầu tham gia xây dựng công trình: Tổng thầu EPC là Tổng Công ty lắp máy Việt Nam - CTCP (Lilama). Tư vấn quản lý dự án PMC: Liên danh nhà thầu Fichtner và Tổng Công ty Cổ phần Thiết kế Dầu khí (PVE). Nhà thầu cung cấp thiết bị chính: Công ty Doosan (Hàn Quốc); Công ty Hamon (Bỉ&Đức); Công ty FAM (Đức). Nhà thầu thi công xây dựng: Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ kỹ thuật Dầu khí PTSC; Tổng Công ty xây lắp Dầu khí PVC; Tổng Công ty xây dựng Hà Nội, Tổng Công ty xây dựng số 1 - CTCP.