Hội đồng Dân tộc tham vấn chính sách phát triển kinh tế tập thể
Nhiều đại biểu cho rằng việc góp vốn bình đẳng giúp các thành viên hợp tác xã tự tin, có trách nhiệm với sự phát triển của hợp tác xã.
Chiều 3-4, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội tổ chức hội thảo tham vấn chính sách phát triển kinh tế tập thể đối với đồng bào dân tộc thiểu số trong dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi).
Góp ý về quy định đại hội thành viên HTX, ông Nguyễn Trung Vẹn - Phó Chủ tịch Liên Minh HTX tỉnh Trà Vinh, cho rằng liệu quy định tỉ lệ thành viên có đảm bảo tính đại diện của tập thể thành viên HTX hay không, bởi vì ngay từ định nghĩa HTX xác định HTX là đối nhân chứ không phải đối vốn, quyền của thành viên là được quyền tham gia đại hội.
Theo ông Vẹn, giới hạn tỉ lệ làm mất đi quyền của thành viên. Cạnh đó, quy định tỉ lệ lại không quy định điều kiện, tiêu chuẩn để thành viên này làm đại diện cái gì tại đại hội đại biểu mà khoán cho HTX tự xây dựng là càng khó thực hiện.
Vị này đề nghị tài sản chung không chia là 20% như luật cũ, vì tích lũy nhiều mới tăng cơ hội đầu tư tái phục vụ sản xuất, nếu để tỉ lệ này thấp quá mà nâng tỉ lệ góp vốn của một thành viên lên thì lại là bất hợp lý.
“Anh góp nhiều vốn nhưng để lại tích lũy ít thì anh hưởng nhiều chứ không phải đại đa số thành viên hưởng nhiều” – ông Vẹn phân tích và đề nghị tỉ lệ góp vốn của thành viên như trong dự thảo là 30%, không nên tăng cao hơn.
“Chúng tôi thấy rất đau lòng. HTX toàn bà con nông dân nghèo không có tiền, chính quyền vận động cho cho mỗi hộ vay 10 triệu từ ngân hàng chính sách xã hội để góp vốn vào HTX mua nghêu giống về thả. Thả xong, cuối năm chia lãi thuế nhảy vô rút 5% thuế đầu tư tài chính, thu năm nay nữa là 3 năm. Không chỉ nuôi nghêu mà một số lĩnh vực khác cũng vậy. Liên minh HTX kiến nghị không thu nhưng ngành thuế nói thu theo nghị định của Chính phủ” – ông Vẹn dẫn thực tế và kiến nghị miễn thuế đầu tư tài chính HTX.
Về tỉ lệ góp vốn của thành viên HTX, bà Trương Thị Ngọc Ánh – Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cũng thống nhất với ý kiến của ông Vẹn “vì bản chất HTX là đối nhân chứ không phải đối vốn”.
“Cho nên để làm sao mỗi thành viên HTX khi tham gia vào người ta phải thấy được bình quyền, bình đẳng, người ta có đầy đủ tự tin khi tham gia vào HTX và người ta có trách nhiệm với HTX, không thấy thua thiệt với người góp vốn nhiều hơn thì lúc đó người ta mới có trách nhiệm, toàn tâm toàn ý đóng góp cho HTX, vì sự phát triển của HTX” – bà Ánh góp ý.
Cũng theo bà Ánh, nếu cho phép góp vốn lớn hơn mức quy định chung thì đến một lúc nào đó sẽ sinh ra suy nghĩ tôi góp vốn nhiều hơn tôi có quyền quyết định vấn đề này, tôi lấy tỉ lệ góp vốn ra quyết định việc có hay không hoạt động này hoạt động kia của HTX. Vấn này không đúng với bản chất của HTX.
Kinh tế tập thể trong vùng dân tộc thiểu số chưa phát triển
Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm cho biết, mặc dù Luật Hợp tác xã (HTX) năm 2012 đã được sửa đổi để nhằm thúc đẩy thành phần kinh tế này phát triển.
Tuy nhiên, kinh tế tập thể trong vùng dân tộc thiểu số và miền núi, nhất là vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn còn chưa phát triển mạnh.
Quy mô HTX chủ yếu là nhỏ và siêu nhỏ, phương thức sản xuất, vận hành, quản trị HTX còn lạc hậu, chưa có nhiều ứng dụng công nghệ, kiến thức mới vào sản xuất. Số lượng các HTX được thành lập mới, số các HTX hoạt động có hiệu quả, phát triển mạnh về quy mô còn chưa nhiều…
Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là chưa có cơ chế đặc thù để hỗ trợ phù hợp, giải quyết đất đai, vốn và công nghệ cho các HTX.
Một số cơ chế được quy định trong luật nhưng chậm, chưa cụ thể hóa, hoặc việc cụ thể hóa nhưng khó thực hiện trong thực tiễn do yếu tố nguồn lực, điều kiện đảm bảo và chưa khả thi.
Hội thảo này nhằm để tham vấn, xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội, đại biểu các bộ, ngành và địa phương, để trên cơ sở đó chắt lọc lại nội dung góp phần hoàn thiện dự thảo Luật HTX (sửa đổi).