Hội đồng nhân dân tỉnh Hậu Giang thông qua nhiều nghị quyết quan trọng
Chiều 24/7, qua 2 ngày làm việc nghiêm túc, dân chủ, trách nhiệm, kỳ họp thứ 21 (kỳ họp giữa năm) Hội đồng nhân dân tỉnh Hậu Giang khóa 10, nhiệm kỳ 2021-2026 đã thông qua nhiều nghị quyết quan trọng về phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng an ninh.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, Hậu Giang đạt được những kết quả khả quan. Tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 8,04%, đứng thứ 2 khu vực đồng bằng sông Cửu Long và thứ 15 cả nước. Tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 9.751 tỷ đồng, trong đó, thu ngân sách trên địa bàn là 3.211 tỷ đồng (tăng 11,36% so với cùng kỳ).
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng định hướng với tỷ trọng khu vực 2 chiếm 39,48%; thu nhập bình quân đầu người đạt 87,44 triệu đồng; giải ngân vốn đầu tư công được đẩy nhanh đảm bảo trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải.
Hoạt động sản xuất, kinh doanh của hầu hết các lĩnh vực tiếp tục tăng trưởng khá, tổng vốn huy động trên địa bàn và tổng vốn đầu tư toàn xã hội, tăng so với cùng kỳ.
Cải cách hành chính được tập trung mạnh mẽ; công tác xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin ở các ngành, lĩnh vực được tăng cường. Chỉ số Hiệu quả quản trị, hành chính công (PAPI), hài lòng của người dân, doanh nghiệp (SIPAS) đều tăng. Các cấp ủy, chính quyền và địa phương đã có nhiều cố gắng cải thiện môi trường đầu tư, phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Mặc dù tăng trưởng kinh tế của tỉnh Hậu Giang khá ấn tượng nhưng vẫn còn nhiều yếu tố chưa bền vững. Đặc biệt, các dự án mới triển khai chậm; tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, số doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động, giải thể tăng cao.
Ngoài ra, công tác tạo quỹ đất sạch cho các dự án khu công nghiệp còn hạn chế; công tác xúc tiến, kêu gọi đầu tư hạ tầng kỹ thuật công nghiệp mặc dù được chỉ đạo, thực hiện quyết liệt nhưng vẫn chậm, chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư. Việc triển khai thực hiện một số nhiệm vụ còn chậm, chưa đạt yêu cầu, chưa được giải quyết dứt điểm hoặc còn khó khăn, vướng mắc, cần phải được khắc phục, tháo gỡ, giải quyết dứt điểm trong thời gian tới…
Kỳ họp đã dành một buổi để các đại biểu chất vấn, các cử tri trong tỉnh gửi câu hỏi qua đường dây nóng đến kỳ họp để các cơ quan chức năng có thẩm quyền trả lời, giải đáp.
Với tinh thần xây dựng, tâm huyết và trách nhiệm cao, đã có 17 lượt đại biểu tham gia chất vấn, nhất là vấn đề dân sinh liên quan đến lĩnh vực tài nguyên-môi trường, y tế, giáo dục, khoa học-công nghệ, tình trạng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật kém chất lượng… được nhiều đại biểu quan tâm chất vấn. Trong đó, có 4 đại biểu tranh luận, trao đổi lại đối với đồng chí Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh và 13 Thủ trưởng các sở, ngành.
Kỳ họp đã tập trung phân tích, đánh giá khách quan, toàn diện, bám sát các mục tiêu, giải pháp về phát triển kinh tế, xã hội năm 2024 để đánh giá sát, đúng những kết quả quan trọng đã đạt được trong 6 tháng đầu năm, những bất cập, hạn chế, yếu kém, chỉ rõ những khó khăn, đề xuất giải pháp thiết thực, hiệu quả để hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu kinh tế, xã hội năm 2024.
Trên cơ sở đó, Kỳ họp đã thông qua 20 nghị quyết, với 4 nhóm lĩnh vực chính: Lĩnh vực đầu tư công, tài chính, tài nguyên và môi trường, giáo dục và đào tạo và một số nội dung khác, để thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, chủ trương của tỉnh vào điều kiện thực tiễn của địa phương, tạo cơ chế, chính sách nhằm phát huy tiềm năng, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
Phát biểu bế mạc kỳ họp, đồng chí Trần Văn Huyến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Hậu Giang, đề nghị các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh quán triệt và tổ chức thực hiện có hiệu quả các nghị quyết vừa được Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua để những quyết sách sớm đi vào cuộc sống.