Hội đồng thẩm định thông qua Quy hoạch hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão
Sáng 23/11, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chủ trì phiên họp của Hội đồng thẩm định Quy hoạch hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Đây là quy hoạch thứ 4 do Bộ NN&PTNT trình trong thời gian qua, sau Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia, Quy hoạch bảo vệ và khai thác thủy sản, Quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi.
Cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá là một bộ phận quan trọng của kết cấu hạ tầng thủy sản, kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, cần đầu tư để phục vụ khai thác thủy sản hiệu quả, bền vững.
Việc quy hoạch hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá nhằm hoàn thiện và hiện đại hóa cơ sở hạ tầng ngành thủy sản, đáp ứng nhu cầu dịch vụ hậu cần nghề cá, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, giảm tổn thất sau thu hoạch, bảo đảm an toàn cho tàu cá và ngư dân.
Quy hoạch cũng góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý nghề cá, tăng cường hội nhập quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, hệ sinh thái biển và góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Đặc biệt, các thị trường nhập khẩu hải sản đã và sẽ tiếp tục thắt chặt các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn ngốc sản phảm hải sản, đòi hỏi quốc gia xuất khẩu phải bảo đảm độ tin cậy trong toàn bộ chuỗi khai thác, nhập khẩu, chế biến, xuất khẩu thủy sản.
Dự thảo Quy hoạch đặt mục tiêu đến năm 2030, toàn quốc có 173 cảng cá, gồm 39 cảng cá loại I, 80 cảng cá loại II, và 54 cảng cá loại III.
Vùng biển miền Trung (từ Quảng Trị đến Bình Thuận) sẽ là nơi tập trung nhiều cảng cá nhất cả nước, với 82 cảng; vùng biển vịnh Bắc Bộ có 45 cảng cá, vùng biển Đông Nam Bộ có 33 cảng cá, và vùng biển Tây Nam Bộ có 13 cảng cá.
Cả nước cũng sẽ có 160 khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá, gồm 30 khu cấp vùng và 130 khu cấp tỉnh, đáp ứng nhu cầu neo đậu cho khoảng trên 90.000 tàu cá.
Vùng biển miền Trung cũng sẽ là nơi có nhiều khu neo đậu tránh trú bão, với 73 khu; các vùng biển vịnh Bắc Bộ, Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ có lần lượt 47, 24, và 16 khu neo đậu tránh trú bão.
Đến năm 2050, dự kiến nâng tổng số cảng cá trên toàn quốc lên 180, trong đó có 39 cảng cá loại I, 87 cảng cá loại II và 54 cảng cá loại III.
Tổng nhu cầu sử dụng đất và mặt nước theo quy hoạch đến năm 2030 là 6.124 ha, trong đó tổng nhu cầu sử dụng đất khoảng 1.050 ha.
Trong giai đoạn 2021-2025, sẽ tập trung ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và dịch vụ các cảng cá tại các trung tâm nghề cá lớn; các khu neo đậu tránh trú bão cấp vùng…
Bộ NN&PTNT dự kiến tổng nhu cầu vốn đầu tư cho hạ tầng thiết yếu của cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đến năm 2030 là gần 58.000 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 2021-2025 cần trên 18.000 tỷ đồng.
Thảo luận về dự thảo Quy hoạch, các ý kiến của ủy viên phản biện và thành viên Hội đồng thẩm định đều đánh giá dự thảo Quy hoạch được chuẩn bị công phu, nghiêm túc, bảo đảm tính kế thừa, có cập nhật, bổ sung một cách khoa học, bảo đảm phù hợp với Luật Thủy sản, Luật Quy hoạch và các quy định liên quan.
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng Quy hoạch cần bổ sung cơ chế, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đầu tư, quản lý cảng cá bởi khả năng đáp ứng nhu cầu vốn đầu tư giai đoạn trước mới chỉ đạt từ 33-38%.
Đồng thời, cần rà soát kỹ vị trí của các cảng cá trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn ra nhanh hơn dự báo; làm rõ hơn tính liên kết và sự đồng bộ của hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá cũng như tính liên kết giữa hệ thống cảng cá, khu neo đậu với hệ thống cơ sở hạ tầng về giao thông, điện lực, thông tin liên lạc…
Các thành viên của Hội đồng cũng đề nghị các địa phương phải có phương án bố trí quỹ đất phù hợp đối với các dự án đầu tư thực hiện Quy hoạch; có giải pháp bảo vệ các di sản khi triển khai Quy hoạch.
Sau khi thảo luận, Hội đồng thẩm định đã bỏ phiếu với kết quả 100% ý kiến nhất trí thông qua Quy hoạch.
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cho rằng, làm quy hoạch là việc rất khó vì phải tính cho tương lai trong khi còn có nhiều quy hoạch đan xen với nhau, thậm chí xung đột với nhau, và việc lập quy hoạch thực tế chưa phải là thế mạnh. Tuy nhiên, phải có quy hoạch mới có cơ sở để thực hiện các hoạt động đầu tư hệ thống cảng cá, khu tránh trú bão cho tàu cá.
Đánh giá cao các ý kiến phát biểu tâm huyết, xác đáng tại cuộc họp, góp phần làm sáng rõ những nội dung quan trọng của Quy hoạch, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ NN&PTNT tiếp thu đầy đủ các ý kiến, tiếp tục hoàn chỉnh dự thảo Quy hoạch, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh một số nguyên tắc cốt lõi trong xây dựng quy hoạch, trước hết là dự thảo Quy hoạch phải phù hợp với các quy hoạch đang có hiệu lực, những nội dung nào chưa phù hợp hoặc có xung đột thì phải đề xuất điều chỉnh.
Quy hoạch vừa phải giải quyết những vấn đề thuộc về hiện trạng, vừa phải tính đến những vấn đề thuộc về xu thế như chuyển đổi số, ứng phó với biến đổi khí hậu, hay góp phần tháo gỡ "thẻ vàng" về chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định… vì bản chất của quy hoạch là vạch ra định hướng cho tương lai, nên phải tính đến những yếu tố của tương lai.
Bên cạnh đó, Quy hoạch vừa phải bảo đảm tính định hướng, dẫn dắt nhưng phải có độ linh hoạt nhất định để các địa dễ thực hiện; phải có đánh giá về sự liên kết, sự đồng bộ của hệ thống cảng cá và giữa hệ thống cảng cá với các hệ thống hạ tầng khác như đất đai, thủy lợi, giao thông, điện…
Nội dung của Quy hoạch phải bảo đảm thống nhất về khái niệm, thống nhất về câu chữ, thống nhất giữa văn bản và hệ thống bản đồ; danh mục dự án phải bảo đảm tính khả thi về nguồn vốn, chú trọng huy động tối đa nguồn vốn ngoài ngân sách; khuyến khích các công trình đa chức năng để tránh lãng phí, tối ưu hiệu quả đầu tư.