Hội đồng thẩm định thông qua Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa

Tại phiên họp thẩm định Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045 diễn ra sáng 27.5, 100% thành viên Hội đồng thẩm định đã bỏ phiếu nhất trí thông qua với điều kiện phải chỉnh sửa, bổ sung.

Bám sát Luật Quy hoạch

Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng cho biết, sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch, tỉnh đã tổ chức lập Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa, trong đó đã tích hợp đầy đủ phương án phát triển của từng ngành, lĩnh vực vào quy hoạch; lấy ý kiến của 19 bộ, ngành và UBND các tỉnh trong khu vực, lân cận cũng như các tỉnh là cực tăng trưởng phía Bắc (Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh).

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Chủ tịch Hội đồng thẩm định, phát biểu tại cuộc họp.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Chủ tịch Hội đồng thẩm định, phát biểu tại cuộc họp.

Đến nay, Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa đã hoàn thành theo quy định tại Luật Quy hoạch, Nghị định số 37/2019/NĐ-CP và nhiệm vụ lập quy hoạch đã được phê duyệt.

Nội dung quy hoạch gồm 3 phần: Hiện trạng kinh tế xã hội tỉnh; quan điểm, mục tiêu, phương án phát triển; giải pháp thực hiện.

Theo bản Quy hoạch, tỉnh Thanh Hóa xác định mục tiêu phát triển nhanh và bền vững trên cơ sở phát triển công nghiệp nặng, nông nghiệp có quy mô lớn, giá trị gia tăng cao là nền tảng; các ngành công nghiệp năng lượng, chế biến, chế tạo và dịch vụ logistics là đột phá; du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, tập trung phát triển 4 trung tâm kinh tế động lực (phía Nam – Khu kinh tế Nghi Sơn, Thành phố Thanh Hóa – Sầm Sơn, phía Tây (Lam Sơn – Sao Vàng), phía Bắc (Bỉm Sơm – Thạch Thành); 6 trụ cột tăng trưởng (công nghiệp chế biến, chế tạo; nông nghiệp; du lịch; y tế, phát triển hạ tầng, nguồn nhân lực); 6 hành lang kinh tế (ven biển, Bắc Nam, đường Hồ Chí Minh, Đông Bắc, trung tâm và quốc tế) và 5 vùng liên huyện.

Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng phát biểu tại hội nghị.

Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng phát biểu tại hội nghị.

Mục tiêu giai đoạn 2021 – 2030, tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh đạt 10,1% trở lên, riêng giai đoạn 2021 – 2025 đạt 11% trở lên. Cơ cấu ngành kinh tế đến năm 2025, nông lâm thủy sản 8%, công nghiệp – xây dựng 53,3%, dịch vụ 33,3%, thuế sản phẩm 5,4%. Đến năm 2030, cơ cấu này lần lượt là 5,1%; 57%; 33,3% và 4,6%. GRDP bình quân đầu người đến năm 2025 là 4.300 USD và nâng lên 7.850 USD năm 2030…

Để đạt được các mục tiêu, tỉnh Thanh Hóa xác định 6 nhiệm vụ trọng tâm và 3 đột phá chiến lược (hoàn thiện đồng bộ thể chế; huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực; đẩy mạnh phát triển nhân lực) cùng 6 nhóm giải pháp cụ thể, gồm: huy động vốn đầu tư; cơ chế, chính sách liên kết phát triển; nguồn nhân lực, môi trường, khoa học công nghệ; quản lý, kiểm soát phát triển đô thị và nông thôn; tổ chức thực hiện và giám sát thực hiện quy hoạch.

Tại cuộc họp, các đại biểu đều đánh giá cao công tác lập quy hoạch của tỉnh Thanh Hóa. Đây là một trong những tỉnh sớm hoàn thành nhiệm vụ lập quy hoạch để trình Hội đồng thẩm định.

“Nội dung báo cáo quy hoạch cơ bản đã bám sát quy định của Luật Quy hoạch, Nghị định số 37/2019/NĐ-CP của Chính phủ. Các số liệu được sử dụng để phân tích, đánh giá trong báo cáo Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa tương đối đầy đủ, được trích dẫn từ các nguồn chính thống, đáng tin cậy, là cơ sở để đề xuất các phương án phát triển trong thời kỳ 2021 – 2030”, Vụ trưởng Vụ Quản lý quy hoạch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đinh Trọng Thắng, đại diện Cơ quan thường trực Hội đồng thẩm định, đánh giá.

Thành phố Thanh Hóa. Ảnh: Vietnamnet

Thành phố Thanh Hóa. Ảnh: Vietnamnet

Xác định rõ động lực phát triển

Dù vậy, theo các đại biểu, chuyên gia phản biện, vẫn còn nhiều vấn đề cần bổ sung trong Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Cao Viết Sinh cho rằng, trong 10 năm qua, Thanh Hóa đã tăng gần 20 bậc, từ vị trí 61 lên 44 trong cả nước mà “hiếm tỉnh nào có sự tăng trưởng vượt mức như vậy”. Để đạt được mức tăng 10 bậc trong 10 năm tới, tỉnh cần làm rõ động lực tăng trưởng của giai đoạn trước, trên cơ sở đó xác định rõ động lực cho giai đoạn tới. Bên cạnh đó, tỉnh cần phân tích sâu về chuyển dịch cơ cấu kinh tế và lao động; vai trò của nhà máy lọc dầu đối với cơ cấu kinh tế; vai trò của kinh tế biển.

Đặc biệt, theo ông Cao Viết Sinh, bối cảnh thế giới đang có những diễn biến mới phức tạp, đặc biệt là cuộc xung đột Nga – Ukraine. Tỉnh Thanh Hóa cần làm sâu thêm tác động từ bối cảnh thế giới, bởi còn liên quan Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn.

Vụ trưởng Vụ Kết cấu hạ tầng và đô thị, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đăng Trương đề nghị, tỉnh Thanh Hóa xác định đến năm 2030, tỷ lệ đô thị đạt trên 50%. Tỉnh cần bám sát Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24.1.2022 của Bộ Chính trị về "Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045". Đồng thời, tỉnh cần tính toán xem khu kinh tế đô thị sẽ đóng góp thế nào vào tăng trưởng; đặc biệt cần quan tâm tới đô thị xanh, đô thị thông minh. Bên cạnh đó, tỉnh cần làm rõ hơn việc kết nối giữa các không gian kinh tế, phát huy được lợi thế đất rộng, trải dài với nhiều phương thức vận tải đa dạng.

Phát biểu tổng kết cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Chủ tịch Hội đồng thẩm định, đánh giá: Với tinh thần trách nhiệm cao, cuộc họp đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra. Tinh thần của Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa đã bám sát vào các định hướng lớn của Trung ương cũng như định hướng quy hoạch tổng thể quốc gia và quy hoạch vùng theo khung định hướng mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã công bố. Kết quả bỏ phiếu cho thấy, 26/26 thành viên Hội đồng thẩm định đều nhất trí thông qua với điều kiện phải chỉnh sửa, bổ sung.

Đồng tình với việc Thanh Hóa cần xác định rõ động lực phát triển, Chủ tịch Hội đồng thẩm định đề nghị, Thanh Hóa cần tập trung cho phía Đông thay vì tản mát với nhiều trụ cột, không gian, hành lang phát triển. Tỉnh nên lấy 3 trụ cột phát triển gồm công nghiệp chế biến chế tạo, nông nghiệp và du lịch. Y tế và bất động sản là nền tảng, động lực cho sự bứt phá. Tỉnh cần ưu tiên tập trung cho 3 hành lang kinh tế quan trọng nhất là hành lang ven biển, Bắc – Nam và hành lang trung tâm (từ Thọ Xuân qua Thành phố Thanh Hóa xuống Sầm Sơn).

Chủ tịch Hội đồng thẩm định đề nghị tỉnh Thanh Hóa tiếp thu đầy đủ các ý kiến phản biện, góp ý để hoàn thiện lại hồ sơ, trước khi trình Chính phủ.

2 cách tiếp cận trong quy hoạch phát triển địa phương

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Luật Quy hoạch với tinh thần hướng tới đổi mới về tư duy, phương pháp và nội dung quy hoạch, mà cốt lõi là sự sắp xếp, phân bố không gian, tạo ra động lực phát triển mới, không gian phát triển mới, giá trị mới và dự án đầu tư mới cho đất nước, từng ngành, địa phương.

Trong quy hoạch phát triển địa phương, cần phát huy hai cách tiếp cận. Một mặt, phải tiếp cận từ tiềm năng của địa phương để phát huy mạnh mẽ tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh nhằm khai thác tốt hơn các cơ hội hiện có, hoặc tận dụng các cơ hội mới xuất hiện. Mặt khác, phải tiếp cận từ khát vọng phát triển, từ các xu hướng mới, tiềm năng mới đang liên tục xuất hiện trên toàn cầu, để chủ động tạo cơ hội mới nhằm thu hút nguồn lực bên ngoài.

Vũ Thủy

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/dia-phuong/hoi-dong-tham-dinh-thong-qua-quy-hoach-tinh-thanh-hoa-i290587/