Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao hướng dẫn giải quyết vụ việc về hôn nhân và gia đình

Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao vừa ban hành Nghị quyết 01/2024/NQ-HĐTP ngày 16/5/2024 hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật trong giải quyết vụ việc về hôn nhân và gia đình.

Về ly hôn theo yêu cầu của một bên quy định tại khoản 1 Điều 56 của Luật Hôn nhân và gia đình, tại khoản 3 Điều 4 Nghị quyết nêu rõ: 3. “Hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được” là thuộc một trong các trường hợp sau đây:

Không có tình nghĩa vợ chồng, ví dụ: Vợ, chồng không thương yêu, quý trọng, chăm sóc, giúp đỡ nhau; vợ, chồng sống ly thân, bỏ mặc vợ hoặc chồng.

Vợ, chồng có quan hệ ngoại tình.

Vợ, chồng xúc phạm nhau, làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín, tổn thất về tinh thần hoặc gây thương tích, tổn hại đến sức khỏe của nhau.

Không bình đẳng về quyền, nghĩa vụ giữa vợ, chồng; không tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của vợ, chồng; không giúp đỡ, tạo điều kiện cho nhau phát triển.

 Quang cảnh phiên tòa xét xử vụ án hôn nhân và gia đình. (Ảnh minh họa)

Quang cảnh phiên tòa xét xử vụ án hôn nhân và gia đình. (Ảnh minh họa)

Về xác định thẩm quyền giải quyết vụ án về hôn nhân và gia đình trong một số trường hợp, Điều 9 Nghị quyết nêu rõ:

Vụ án về hôn nhân và gia đình có tranh chấp về bất động sản mà nơi cư trú, làm việc của bị đơn, nguyên đơn quy định tại điểm a, điểm b khoản 1 Điều 39 của Bộ luật Tố tụng dân sự và nơi có bất động sản đang tranh chấp khác nhau thì thẩm quyền của Tòa án được xác định theo quy định tại điểm a, điểm b khoản 1 Điều 39 của Bộ luật Tố tụng dân sự.

Trường hợp cha và mẹ là người Việt Nam định cư ở nước ngoài có đơn khởi kiện về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn, con chung đang sinh sống tại Việt Nam thì thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án Việt Nam theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 469 của Bộ luật Tố tụng dân sự.

Bên cạnh đó, Điều 10 Nghị quyết cũng hướng dẫn về “Giải quyết vụ án ly hôn có bị đơn là người Việt Nam ở nước ngoài nhưng không rõ địa chỉ”. Cụ thể, trong vụ án ly hôn, người Việt Nam ở trong nước xin ly hôn với người Việt Nam ở nước ngoài và nguyên đơn chỉ cung cấp được địa chỉ nơi cư trú cuối cùng ở Việt Nam của bị đơn mà không cung cấp được địa chỉ của bị đơn ở nước ngoài thì Tòa án giải quyết như sau:

1. Trường hợp qua người thân thích của bị đơn có căn cứ xác định họ có liên hệ với người thân thích ở trong nước nhưng người thân thích của họ không cung cấp địa chỉ của bị đơn cho Tòa án, không thực hiện yêu cầu của Tòa án thông báo cho bị đơn biết thì được coi là cố tình giấu địa chỉ.

Trường hợp Tòa án đã yêu cầu đến lần thứ hai mà người thân thích của họ không cung cấp địa chỉ của bị đơn cho Tòa án, không thực hiện yêu cầu của Tòa án thông báo cho bị đơn biết thì Tòa án tiếp tục giải quyết, xét xử vắng mặt bị đơn theo thủ tục chung.

2. Sau khi xét xử, Tòa án gửi cho người thân thích của bị đơn bản sao bản án, quyết định để họ chuyển cho bị đơn, đồng thời tiến hành niêm yết công khai bản sao bản án, quyết định tại trụ sở UBND cấp xã nơi cư trú cuối cùng của bị đơn và nơi người thân thích của bị đơn cư trú để đương sự có thể thực hiện quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật tố tụng.

Nghị quyết gồm 12 điều, được Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao thông qua ngày 24/4/2024 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2024.

P.V

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/cai-cach-tu-phap/dien-dan/hoi-dong-tham-phan-tand-toi-cao-huong-dan-giai-quyet-vu-viec-ve-hon-nhan-va-gia-dinh-158811.html