Hội đồng Tư vấn về Văn hóa - Xã hội Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2024
Chiều 13/5, tại tỉnh Phú Thọ, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ Hội đồng Tư vấn về Văn hóa - Xã hội năm 2024. Ông Nguyễn Túc, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn chủ trì Hội nghị. Cùng tham dự có các thành viên Hội đồng Tư vấn về Văn hóa - Xã hội và lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Phú Thọ.
Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024-2029 sẽ tổ chức trong tháng 10/2024
Tại Hội nghị, đại biểu đã lắng nghe những kết quả nổi bật của kết quả công tác Mặt trận trong 4 tháng đầu năm 2024 và nhiệm vụ trọng tâm triển khai từ nay đến cuối năm 2024.
Ông Cao Xuân Thạo, Trưởng Ban Phong trào Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho biết, trong 4 tháng đầu năm 2024, Mặt trận các cấp đã tổ chức quán triệt, triển khai các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, trong đó trọng tâm là 2 Nghị quyết: Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24/11/2023 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc, từ nội dung này, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam sẽ xây dựng Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết và xây dựng Chiến lược đại đoàn kết toàn dân tộc; Nghị quyết số 42-NQ/TW ngày 24/11/2023, Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam sẽ tiến hành xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết.
Đối với việc tổ chức Đại hội MTTQ Việt Nam các cấp theo Chỉ thị số 22-CT/TW ngày 25/5/2023 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, theo đó Đại hội cấp cơ sở hoàn thành trong tháng 4/2024, đại hội cấp huyện hoàn thành trong tháng 6/2024, Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024-2029 sẽ tổ chức trong tháng 10/2024.
Tính đến ngày 7/5/2024, có 10.564/10.597 đơn vị cấp xã thuộc 47/63 tỉnh, thành phố đã hoàn thành Đại hội (đạt tỷ lệ 99,68%); còn 33 đơn vị cấp xã của 16 tỉnh, thành phố chưa hoàn thành Đại hội trong tháng 4/2024 (tỷ lệ 0,32%). Đối với chức danh Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã, theo số liệu tổng hợp của 8.890 đơn vị cấp xã: có 3.725/8.890 Chủ tịch là Ủy viên Ban Thường vụ đảng ủy (41,90%); 3.953/8.890 Chủ tịch là Đảng ủy viên (44,46%); 1.212/8.890 Chủ tịch là trong diện quy hoạch Ban Chấp hành và Thường vụ Đảng ủy (13,63%).
Tính đến ngày 30/4/2024, có 100/705 đơn vị cấp huyện thuộc 45/63 tỉnh, thành phố đã tổ chức Đại hội (đạt tỷ lệ 14,18%). Đối với chức danh Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp huyện, có 83/100 Chủ tịch là Ủy viên Ban Thường vụ cấp ủy (tỷ lệ 83%); 17/100 Chủ tịch là Ủy viên Ban Chấp hành (tỷ lệ 17%), trong đó có 39/100 Chủ tịch là Trưởng ban Dân vận đồng thời là Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam (tỷ lệ 39%).
Đến nay đã có 2/63 tỉnh, thành phố tổ chức Đại hội (Thành phố Cần Thơ và tỉnh Bạc Liêu). Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam của hai địa phương trên đều là Ủy viên Ban Thường vụ cấp ủy. Điểm nổi bật, tại thành phố Cần Thơ, đồng chí Phó Bí thư Thường trực tham gia làm ủy viên Uy ban; tại tỉnh Bạc Liêu, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy tham gia làm ủy viên Ủy ban.
Cũng theo ông Cao Xuân Thạo, trong 4 tháng đầu năm 2024, thiết thực kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024), Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã tổ chức vận động và cùng với tỉnh Điện Biên triển khai hỗ trợ hoàn thành 5.000 căn nhà đại đoàn kết trước Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ trước ngày 07/5/2024. Đến nay, chương trình đã vận động ủng hộ được trên 278 tỷ đồng. Trên cơ sở hoàn thành chỉ tiêu 5.000 căn nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Điện Biên, Ban Thường trực đã phân bổ đợt tiếp theo cho 5 địa phương trên địa bàn vùng Tây Bắc (gồm tỉnh Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Lào Cai, Yên Bái) mỗi tỉnh 100 căn nhà với tổng trị giá 5 tỷ đồng.
Từ thành công của chương trình, ngày 13/4, tại huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phối hợp với Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương tổ chức Lễ phát động Phong trào thi đua cả nước chung tay “Xóa nhà tạm, nhà dột nát” trong năm 2025. Chương trình diễn bằng hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã phát động phong trào thi đua, đồng chí Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đọc Lời kêu gọi của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam. Tại lễ phát động đã tiếp nhận ủng hộ được 337 tỷ đồng, đồng thời phân bổ ngay đợt một cho 40 địa phương là 320 tỷ đồng.
Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cũng đã tổ chức các hoạt động gặp mặt, tri ân chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ tại tỉnh Thanh Hóa và tỉnh Điện Biên. Đồng thời, Ban Thường trực đã hướng dẫn triển khai gặp mặt, tri ân ở các địa phương trong cả nước; Phối hợp với Ngân hàng Nhà nước kêu gọi, vận động số tiền 22 tỷ đồng phục vụ các hoạt động thăm, tặng quà cho các đại biểu (mỗi đại biểu nhận quà 1.000.000đ).
Xây dựng đề án và tổ chức Cuộc vận động Cả nước chung tay “Xóa nhà tạm, nhà dột nát” trong năm 2025
Về những nội dung trọng tâm mà UBTƯ MTTQ Việt Nam sẽ triển khai từ nay đến cuối năm 2024, ông Cao Xuân Thạo cho biết, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tiếp tục tập trung triển khai các công việc chuẩn bị và tổ chức Đại hội MTTQ Việt Nam các cấp và tổ chức thành công Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024 - 2029 vào tháng 10/2024; Tiếp tục triển khai cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, phong trào thi đua “Đoàn kết, sáng tạo”; xây dựng đề án và tổ chức Cuộc vận động Cả nước chung tay “Xóa nhà tạm, nhà dột nát” trong năm 2025.
Cùng với đó triển khai giám sát, phản biện xã hội với nhiệm vụ trọng tâm là giám sát việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; Giám sát việc thực hiện thi các chủ trương, chính sách về công tác dân tộc; Giám sát một số vụ việc khiếu nại, tố cáo cụ thể... Phản biện một số dự án luật: Dự thảo Luật quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn, Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) …
Triển khai các hoạt động đối ngoại nhân dân thông qua công tác tuyên truyền, tổ chức các hoạt động, đón tiếp đoàn vào, tổ chức đoàn ra. Kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ; phát huy vai trò các Ủy viên Ủy ban, Hội đồng tư vấn, chuyên gia phục vụ công tác Mặt trận.
Xây dựng và thực hiện các Đề án, gồm: Đề án xây dựng Chiến lược đại đoàn kết toàn dân tộc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Đề án bồi dưỡng cán bộ Mặt trận các cấp giai đoạn 2024 - 2029; Đề án chuyển đổi số của MTTQ Việt Nam giai đoạn 2024 - 2029; Đề án nâng cao chất lượng hoạt động giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam giai đoạn 2024 - 2029; Đề án xây dựng cơ chế để nhân dân trực tiếp tham gia góp ý, phản ánh với Đảng về những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của cán bộ, đảng viên…
Từ những kết quả của công tác Mặt trận trong 4 tháng đầu năm 2024 và nhiệm vụ trọng tâm trong công tác Mặt trận từ nay đến hết năm 2024, ông Nguyễn Túc, chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Văn hóa - Xã hội cho rằng, để góp phần thiết thực vào thành công của hoạt động Mặt trận, Hội đồng cần tập trung vào việc tham gia tư vấn theo một số nội dung của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đề nghị; Góp ý vào nội dung dự thảo Báo cáo của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khóa IX tại Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024-2029; tham gia xây dựng, góp ý và phản biện xã hội đối với các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực văn hóa - xã hội; đồng thời nghiên cứu, khảo sát, giám sát và đề xuất một số vấn đề liên quan đến lĩnh vực văn hóa - xã hội.
Ông Nguyễn Túc đề nghị, Ban Chủ nhiệm và thành viên Hội đồng tiếp tục nỗ lực hơn nữa để góp phần vào thành công trong công tác Mặt trận năm 2024 và những năm tiếp theo.