Hội Đông y huyện Trạm Tấu: Góp phần xây dựng xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế
Kết hợp với y học hiện đại, thời gian qua, khám và điều trị bệnh bằng phương pháp y học cổ truyền trên địa bàn huyện Trạm Tấu đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Qua đó, Hội Đông y huyện Trạm Tấu ngày càng khẳng định rõ vai trò trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Không chỉ vậy, Hội đã làm tốt công tác phối hợp với ngành y tế huyện trong xây dựng trạm y tế đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã.
![Cán bộ Trung tâm Y tế huyện Trạm Tấu điều trị bằng phương pháp châm cứu cho người bệnh.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_12_608_51454290/5239241d1253fb0da242.jpg)
Cán bộ Trung tâm Y tế huyện Trạm Tấu điều trị bằng phương pháp châm cứu cho người bệnh.
Phát huy lợi thế khí hậu, thổ nhưỡng và diện tích đất rộng nhiều trạm y tế xã trên địa bàn như: Tà Xi Láng, Bản Mù, Bản Công, Xà Hồ, Trạm Tấu… đã quan tâm gây trồng vườn thuốc nam mẫu, đủ các vị thuốc theo quy định của Bộ Y tế.
Bà Đinh Thị Minh Luyện - Chủ tịch Hội Đông y huyện cho biết: "Hội có 73 hội viên sinh hoạt ở 4 chi hội. Thực hiện chỉ tiêu xây dựng xã đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế là khám, chữa bệnh (KCB), phục hồi chức năng y học cổ truyền, Hội đóng vai trò quan trọng trong củng cố hoạt động này, góp phần để các xã đạt tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới”.
Năm qua, trên địa bàn có 6.874 lượt người được khám và điều trị bằng kết hợp y học cổ truyền và y học hiện đại; trong đó, khám và điều trị bằng y học cổ truyền cho 42 lượt người; khám ông lang, bà mế 80 lượt. Các bệnh chữa trị gồm: gan thận, tiết liệu, gãy xương, huyết áp, hậu sản, thần kinh ngoại biên, giun sán…
Để đạt kết quả này, thực hiện Chỉ thị số 24 ngày 4/7/2008 của Ban Bí thư Trung ương về phát triển nền Đông y Việt Nam và Hội Đông y Việt Nam trong tình hình mới, Huyện ủy Trạm Tấu đã trực tiếp lãnh đạo, quán triệt nội dung Chỉ thị đến toàn thể cấp ủy để triển khai hội viên đông y từ huyện đến cơ sở. Thông qua đó, hội viên đã nhận thức được tầm quan trọng phát triển nền đông y; đặc biệt, trong công tác KCB bằng y học cổ truyền kết hợp với y học hiện đại, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao chất lượng và hiệu quả trong điều trị. Hội thường xuyên mở hội nghị lồng ghép tuyên truyền việc KCB bằng đông y ở các trạm y tế xã, thị trấn.
Ngoài ra, Hội còn phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan trong KCB bằng phương pháp đông y. Với nhân lực hiện có, Hội thường xuyên phối hợp với Trung tâm Y tế huyện chỉ đạo các xã, thị trấn thực hiện Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã. Hàng năm, tổ chức đào tạo bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn về công tác KCB bằng Đông y cho cán bộ Hội. Bên cạnh đó, tổ chức tập huấn, hướng dẫn các trạm y tế kết hợp giữa y học cổ truyền với y học hiện đại như: châm cứu, xoa bóp, bấm huyệt và sử dụng các bài thuốc địa phương.
Đồng thời, bảo tồn và phát triển nguồn dược liệu bằng xây dựng vườn thuốc nam mẫu tại các trạm y tế xã và quan tâm đến các hộ hội viên có diện tích đất trồng để phát triển vườn thuốc nam, bảo tồn những cây thuốc quý. Hàng năm, Hội tăng cường trao đổi kinh nghiệm chuyên môn, tổ chức hội thảo các bài thuốc và tập huấn cho hội viên, đặc biệt là những lương y đã có trên 20 năm kinh nghiệm chữa bệnh mang lại hiệu quả rất tốt. Nhờ đó, đến nay, tỷ lệ xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế trên địa bàn huyện Trạm Tấu đạt 91,6%.
Năm 2025, huyện phấn đấu tỷ lệ chữa bệnh bằng y học cổ truyền/tổng số chữa bệnh chung đạt trên 30%; trên 90% các trạm y tế có vườn thuốc nam mẫu từ 40 cây thuốc trở lên và thị trấn Trạm Tấu - địa phương cuối cùng của huyện phấn đấu đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế... Theo đó, Hội chủ động tham mưu, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn, đặc biệt thực hiện tốt Chỉ thị số 24 và Chương trình hành động của Tỉnh ủy Yên Bái về vấn đề này; đồng thời, tu bổ và phát triển vườn cây thuốc nam mẫu tại các trạm y tế. Hơn thế, quan tâm đào tạo, bồi dưỡng cho hội viên; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong triển khai thực hiện y học cổ truyền trên địa bàn.