Hội đồng Y khoa Quốc gia là tiến bộ lớn của Dự thảo Luật Khám, chữa bệnh (sửa đổi)

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 4, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội thảo luận tại hội trường dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Nhiều đại biểu đã nêu ý kiến về chức năng, nhiệm vụ, cũng như việc Hội đồng y khoa Quốc gia cấp giấy phép hành nghề…

Một số đại biểu đề nghị quy định rõ hơn địa vị pháp lý, thành phần, cơ cấu, nhiệm vụ chức năng của Hội đồng Y khoa quốc gia; quy định lộ trình thực hiện việc kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề để có tính khả thi.

Ông TẠ VĂN HẠ, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu:“Mô hình của Hội đồng Y khoa này là mô hình tổ chức như thế nào cũng không rõ. Đọc phần nhiệm vụ, chức năng tôi thấy lúc có thể trực thuộc Bộ Y tế, nhưng sau lại trực thuộc Chính phủ, do Thủ tướng Chính phủ quyết định chức năng, nhiệm vụ, thậm chí cả tổ chức bộ máy. Như vậy, đó là mô hình gì, hay đó là một đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc do Thủ tướng quyết định, thậm chí chức năng, nhiệm vụ có phát sinh bộ máy không? Bây giờ như vậy sẽ dễ phát sinh tiếp bộ máy nữa. Chưa kể Hội đồng Y khoa này có đủ năng lực, đủ điều kiện cả về con người lẫn cơ sở vật chất để đánh giá đầy đủ chuyên môn đối với các đối tượng cũng như các cơ sở, các tổ chức khám, chữa bệnh hay không?"

Tranh luận vấn đề này, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu cho rằng việc thành lập Hội đồng y khoa và tổ chức sát hạch 5 năm 1 lần là phù hợp với thông lệ quốc tế. Vấn đề là thực hiện như nào cho đúng.

Ông NGUYỄN LÂN HIẾU, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định: “Trong giai đoạn đầu tiên nên quy định Chính phủ bổ nhiệm người đứng đầu Hội đồng Y khoa, Bộ Y tế cung cấp hệ thống vận hành, Hội đồng Y khoa hoạt động độc lập nhưng cần bổ sung chức năng tổ chức giám sát, đào tạo liên tục và đặc biệt là chức năng phân xử đúng sai trong các tai biến y khoa.”

Đối với quy định Hội đồng Y khoa quốc gia có nhiệm vụ tổ chức kiểm tra, đánh giá năng lực hành nghề, một số đại biểu lo ngại tình trạng quá tải, ùn ứ, chậm có kết quả kiểm tra, đánh giá nếu như chỉ giao cho Hội đồng Y khoa quốc gia tổ chức kiểm tra, đánh giá năng lực khám bệnh, chữa bệnh.

Bà VƯƠNG THỊ HƯƠNG, Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang: “Hội đồng Y khoa quốc gia không phải là cơ quan hành chính mà đây là một tập thể các nhà chuyên môn có trình độ, có kinh nghiệm về lĩnh vực y khoa, tham mưu cho cơ quan quản lý về y tế ban hành các quy định liên quan đến hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, đặc biệt là quy trình kỹ thuật, phương pháp điều trị, cập nhật kiến thức kỹ thuật y khoa của thế giới để áp dụng vào thực tiễn của Việt Nam.”

Trao đổi với các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, tại nhiều nước trên thế giới, trước khi cấp giấy phép hành nghề, người muốn được hành nghề phải trải qua kỳ kiểm gia đánh giá năng lực hành nghề do tổ chức độc lập thực hiện.Vì vậy, việc tổ chức mô hình Hội đồng Y khoa quốc gia để tổ chức thi đánh giá năng lực hành nghề sẽ bảo đảm phù hợp với xu hướng hội nhập quốc tế trong khu vực và trên thế giới.

Bà ĐÀO HỒNG LAN, Bộ trưởng Bộ y tế: “tham khảo kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn tổ chức, Dự Luật lần này quy định Hội đồng Y khoa quốc gia thực hiện việc tổ chức kỳ kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề và cơ quan quản lý nhà nước sẽ căn cứ kết quả này để cấp giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh để bảo đảm tính khách quan trong đánh giá năng lực chuyên môn của người hành nghề khám, chữa bệnh.”

Tuy nhiên, cũng theo Bộ trưởng, do đây là lần đầu tiên Việt Nam áp dụng mô hình hội đồng y khoa nên Dự thảo Luật chỉ quy định nguyên tắc về vị trí pháp lý, nhiệm vụ và giao Chính phủ quy định cụ thể là phù hợp.

Thực hiện : Phóng viên Truyền hình Quốc hội Việt Nam

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/hoi-dong-y-khoa-quoc-gia-la-tien-bo-lon-cua-du-thao-luat-kham-chua-benh-sua-doi