Hối hả du lịch đêm

Đề án 'Phát triển kinh tế đêm ở Việt Nam' được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào năm 2020 là bước đi đầu tiên trên lộ trình phát triển kinh tế đêm ở Việt Nam. Tới nay, khái niệm 'kinh tế đêm' mà trọng tâm là 'du lịch đêm' đã được nhiều địa phương triển khai, nhất là tại Hà Nội và TPHCM. Cùng với thành công thì mô hình du lịch đêm cũng đặt ra nhiều vấn đề, nhất là việc phát triển tour đêm cần lựa chọn, tránh tình trạng bát nháo.

Du lịch đêm góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, đóng góp cho tăng trưởng, phát triển kinh tế địa phương. Ảnh: Quang Vinh.

Du lịch đêm góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, đóng góp cho tăng trưởng, phát triển kinh tế địa phương. Ảnh: Quang Vinh.

Đề án một số mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm nhằm khẳng định thương hiệu và nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng cường thu hút khách của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Hội An (Quảng Nam), Đà Lạt (Lâm Đồng), Cần Thơ, Phú Quốc (Kiên Giang), TPHCM, Bà Rịa - Vũng Tàu có tối thiểu một mô hình về phát triển sản phẩm du lịch đêm.

Cần quy hoạch rõ không gian và thời gian

Đề án nêu 5 mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm đi kèm các dịch vụ đặc trưng và dịch vụ bổ trợ. Đó là mô hình hoạt động biểu diễn văn hóa, nghệ thuật; hoạt động thể thao, chăm sóc sức khỏe, làm đẹp; mua sắm, giải trí đêm; tham quan du lịch đêm; giới thiệu văn hóa ẩm thực, dịch vụ ăn uống về đêm.

Đến năm 2030, các trung tâm du lịch lớn như Quảng Ninh, Hải Phòng, Thừa Thiên Huế, Hội An, Nha Trang, Đà Lạt, Cần Thơ, Phú Quốc, Bà Rịa-Vũng Tàu mở rộng hình thành tổ hợp giải trí đêm riêng biệt; phát triển đồng bộ sản phẩm du lịch đêm tại các trung tâm du lịch, nơi có lượng du khách tập trung đông; hình thành thương hiệu sản phẩm du lịch đêm của Việt Nam.

Tới nay, nhiều địa phương trên cả nước, nhất là ở những trọng điểm du lịch, đã tiến hành khai thác sản phẩm du lịch đêm. Mức độ thành công khác nhau nhưng đã trở thành xu hướng với tinh thần có thể nói là hối hả.

Với Hà Nội, tour đêm “Giải mã Hoàng thành Thăng Long” trình làng từ tháng 4/2022, dành cho khách nội địa dịp cuối tuần đã nhanh chóng được đón nhận. Đây cũng là sản phẩm du lịch về đêm thứ hai của Hà Nội, sau tour đêm tại di tích Nhà tù Hỏa Lò.

Theo Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội: Tour đêm “Giải mã Hoàng thành Thăng Long” là hướng đi có tính đột phá để xây dựng sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn dựa trên di tích, di vật tưởng chừng như đã rất quen thuộc với du khách. Hiện tour đêm Hoàng thành Thăng Long đã dành cho cả khách trong nước và ngoài nước, mang tên “Đêm Hoàng cung Thăng Long - Một cảm nhận độc đáo”, kể từ tháng 1/2023, đã thành thương hiệu du lịch đêm của Hà Nội.

Tuy nhiên, cái khó ở đây là các tour đêm Hoàng thành Thăng Long phải xây dựng được câu chuyện văn hóa để du khách tiếp nhận kiến thức lịch sử qua hiện vật cổ, nhưng cũng phải có yếu tố giải trí để tạo hứng thú cho du khách.

Không chỉ với Hà Nội, mà Hạ Long, Hội An, Đà Lạt, TPHCM... điều đáng lưu ý khiến du lịch đêm thiếu cuốn hút là do mới chỉ dừng lại ở hoạt động, dịch vụ văn hóa, vui chơi, chợ đêm (mua sắm, ẩm thực…)... Có nghĩa là sản phẩm du lịch, dịch vụ còn sơ sài, khách chỉ ghé qua mà ít lưu trú.

Đáng chú ý, tại một số điểm du lịch đêm do tổ chức yếu kém đã “làm phiền” người dân sống trong khu vực. Quá ồn ào, xả rác bừa bãi đã gây ra mâu thuẫn giữa các nhóm khách du lịch với người dân. Chính quyền địa phương lại chưa tạo được cơ chế khuyến khích các hộ dân mở rộng hoạt động kinh doanh; thiếu quy hoạch rõ ràng về không gian và thời gian của các dịch vụ đêm. Cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của dịch vụ đêm...

Một nghiên cứu của Viện Nghiên cứu phát triển du lịch còn cho rằng vẫn thiếu chính sách khuyến khích thu hút đầu tư, hỗ trợ cơ sở kinh doanh phát triển các dịch vụ đêm phục vụ khách du lịch, đặc biệt là các dịch vụ như bar, pub, club, karaoke, vũ trường, vui chơi có thưởng, giải trí, biểu diễn nghệ thuật đường phố… Vì thế du lịch đêm được coi là là sản phẩm chủ đạo để phát triển kinh tế ban đêm vẫn hạn chế.

Du lịch đêm sẽ mang lại cảm giác trải nghiệm mới lạ. Nhưng để có được điều đó thì rất cần sự phong phú cuốn hút của điểm đến, cùng đó là phải tạo được nét đặc sắc riêng. Thực tế cho thấy, việc phát triển tour đêm cần lựa chọn với đơn vị thực hiện, không thể để quá nhiều đơn vị cùng làm, gây nên tình trạng bát nháo.

Trải nghiệm đêm Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ảnh: Thanh Sơn.

Trải nghiệm đêm Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ảnh: Thanh Sơn.

Tư duy quản lý và sản phẩm du lịch

Hà Nội có nhiều lợi thế phát triển du lịch đêm, thành phố đặt mục tiêu năm 2024 thu hút khoảng 25,5 triệu lượt khách; tăng 13,3% so với năm 2023, trong đó gồm: 4,5 triệu lượt khách quốc tế và 21 triệu lượt khách nội địa. Tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 94,41 nghìn tỷ đồng. Như vậy, các không gian đi bộ khu phố cổ, khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, phố đi bộ Trịnh Công Sơn, Thành cổ Sơn Tây, Đảo Ngọc - Ngũ Xã, phố Trần Nhân Tông và khu vực phụ cận... sẽ phát huy hết công suất.

Nhiều ý kiến cho rằng, dù Hà Nội có rất nhiều lợi thế để phát triển kinh tế đêm nhưng lại chưa biết cách tận dụng tốt, có các sản phẩm để du khách chi tiêu nhiều hơn, ở lại lâu hơn. Nói như bà Vũ Quỳnh Anh (Câu lạc bộ du lịch MICE Việt Nam), Hà Nội muốn phát triển mạnh kinh tế đêm thì cần phải thay đổi tư duy quản lý cũng như các sản phẩm phục vụ du khách. Bà Quỳnh Anh cho rằng, dù đã có khởi sắc nhưng kinh tế du lịch đêm của Hà Nội vẫn phát triển chưa xứng tiềm năng; do sản phẩm du lịch đêm tương đối đơn điệu, các sản phẩm thiếu tính đặc sắc, thiếu quy hoạch không gian riêng, thiếu sự quản lý bài bản và thiếu cơ chế chính sách khuyến khích ưu đãi đầu tư sản phẩm du lịch đêm. Doanh thu du lịch và mức chi tiêu của du khách tại Hà Nội còn thấp, do thiếu các dịch vụ hấp dẫn du khách về đêm. Nhu cầu của du khách sử dụng dịch vụ, vui chơi giải trí, thưởng thức nghệ thuật về đêm rất lớn, không chỉ dừng lại ở phố đi bộ, chợ đêm, quán karaoke, vũ trường, xem biểu diễn hay ăn quà vặt… Bà Quỳnh Anh cho rằng cần xây dựng những khu tổ hợp vui chơi, giải trí về đêm mới tăng sự hấp dẫn, kéo dài thời gian lưu trú của du khách.

Để phát triển kinh tế đêm mà nòng cốt là du lịch đêm, các chuyên gia kinh tế - du lịch còn cho rằng cần sớm hoàn thiện cơ chế, chính sách, hệ thống pháp luật theo hướng tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế ban đêm và dịch vụ đêm phục vụ khách du lịch. Trong đó phải quy định cụ thể các loại hình dịch vụ du lịch được phép kinh doanh về đêm; quy định rõ khung giờ hoạt động của từng loại hình dịch vụ; quy định điều kiện các cơ sở được phép kinh doanh về đêm; quy định tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm và dịch vụ du lịch được phép cung cấp…

Hoạt động du lịch trong kinh tế đêm cần phải được xem là một mô hình kinh tế mới vì thế nó rất cần có sự bài bản chứ không phải là chạy theo phong trào. Ở đó, vai trò của doanh nghiệp tham gia và chính quyền địa phương là rất quan trọng. Cũng cần bảo đảm không gây ra xung đột lợi ích giữa doanh nghiệp với người dân sống trong khu vực.

Năm 2024, du lịch hy vọng sẽ có bước phát triển mang tính đột phá. Vì thế, mô hình kinh tế đêm - du lịch đêm cần được sớm tổng kết rút kinh nghiệm để khắc phục tồn tại, phát triển nhanh và bền vững. Nếu coi Đề án phát triển một số mô hình sản phẩm du lịch đêm tại 12 điểm đến nổi tiếng của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch là một bước đột phá quan trọng, thì trong đó đề xuất tăng thời gian mở cửa các hoạt động dịch vụ đêm, xem xét điều chỉnh, cho phép tổ chức các hoạt động dịch vụ ban đêm đến 6 giờ sáng, thay vì 2 giờ sáng như hiện nay chính là “đột phá của đột phá”, đáp ứng yêu cầu kéo dài thời gian phục vụ khách vào ban đêm.

Nhân đây, cũng nhắc lại một khảo sát từ Cục Du lịch cho thấy, chi tiêu của khách quốc tế đến Việt Nam chủ yếu là dành cho thuê phòng, ăn uống (chiếm 56-60%). Mua hàng hóa, đồ lưu niệm, tham quan, vui chơi, giải trí chiếm 20%, còn lại là chi phí khác. Nếu chỉ tính tham quan kèm vui chơi, chi phí bỏ ra chỉ bằng 7-10% tổng chuyến đi. Trong khi đó tại Malaysia, Thái Lan, con số này là 40-50%, thậm chí 70%.

Theo TS Lê Đăng Doanh, để du lịch đêm mở rộng và đa dạng hơn cần có tư duy mở dưới một khung pháp lý và quy hoạch rõ ràng. Với du lịch đêm, phần lớn du khách không chỉ tìm kiếm một chuyến đi mà là một trải nghiệm. Trải nghiệm phong phú, chất lượng sẽ khiến du khách thích thú, muốn trở lại khám phá và không ngần ngại mở hầu bao. Các giá trị văn hóa, ẩm thực địa phương có sẵn là lợi thế để người dân tham gia nền kinh tế mở. Trước đây Nhật Bản chỉ đón khoảng 7 triệu lượt khách du lịch quốc tế mỗi năm, do dù có rất nhiều hoạt động vui chơi, giải trí nhưng tất cả đều đóng cửa sớm. Các bảo tàng và đền thờ thường đóng cửa lúc 17 giờ, còn các buổi hòa nhạc và show diễn thì kết thúc lúc 20 giờ 30 phút. Từ năm 2017, Nhật Bản sửa đổi Luật Giải trí dành cho người lớn, giúp các doanh nghiệp dễ dàng gia nhập thị trường hoạt động đêm. Một năm sau, số khách quốc tế đến nước này tăng lên 32 triệu, lên 40 triệu vào năm 2020 và dự kiến 60 triệu vào năm 2030.
“Nhiều nước khác trên thế giới cũng đã khai thác được “mỏ vàng” kinh tế đêm. Chúng ta cũng có thể làm được. Làm như thế nào phụ thuộc vào tư duy mở, đủ để xây dựng một mô hình mở, cho phép hoạt động một số dịch vụ trước đây chúng ta vẫn đóng kín cánh cửa cơ hội” - ông Doanh nói.

Nhóm phóng viên

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/hoi-ha-du-lich-dem-10270495.html