'Hội họa Truyện Kiều' của Nguyễn Tuấn Sơn
Triển lãm tranh 'Hội họa Truyện Kiều' của họa sĩ Nguyễn Tuấn Sơn sẽ diễn ra từ 18 đến 23-11 tại Bảo tàng Mỹ Thuật Việt Nam.
Khát vọng vẽ Kiều
Nguyễn Tuấn Sơn là một giáo viên dạy mỹ thuật. Anh chia sẻ, khát vọng vẽ Kiều trong anh đã có từ lâu. Từ nhỏ anh đã được ông nội đọc và giảng cho nghe rất nhiều về Truyện Kiều. Anh cũng rất thích những bức tranh vẽ Kiều từ trong các cuốn sách được biết từ bé.
"Khi còn đi học, tôi thường hay vẽ những cô gái mang tâm trạng buồn hoặc không vui hẳn, kể cả khi họ cười, họ múa cũng không vui. Nhà tôi ở quê, trong một lần về quê lục tủ sách, tôi tìm thấy một vài cuốn Truyện Kiều của ông nội, tôi rất thích và xem chúng như báu vật. Tôi ý thức được mình phải xây dựng một bố cục khác, tìm hình ảnh khác, xây dựng những gam màu riêng và phải khiến chúng trở nên khác biệt. Mọi người đều nói tranh của tôi buồn và chứa nhiều tâm trạng, có lẽ điều đó hợp với Truyện Kiều" – họa sĩ Nguyễn Tuấn Sơn chia sẻ.
Nguyễn Tuấn Sơn nhiều lần thử sức vẽ Kiều để tìm kiếm một hình ảnh cô Kiều của riêng mình. Đó là con đường gian khổ thật sự đối với anh. Đọc để hiểu được hết những giá trị nhân đạo sâu sắc của Truyện Kiều đã khó, vẽ được Kiều còn khó hơn nhiều, bởi mỗi người đọc lại có một cô Kiều của riêng mình.
PGS Vũ Thanh, Viện Văn học đã giúp Tuấn Sơn tìm kiếm các công trình nghiên cứu có giá trị về Nguyễn Du và Truyện Kiều, đàm đạo về các nhân vật, tìm hiểu những cách hiểu mới nhất, hiện đại nhất về tác phẩm từ nhiều góc độ khác nhau. Từ đó, Nguyễn Tuấn Sơn đã nhận ra rằng cần phải vẽ Kiều, tưởng tượng ra Kiều bằng xúc cảm, bằng biểu hiện của nội tâm, tâm lý và những năng lượng từ bên trong của người họa sĩ. Và hội họa của anh, sau bao trăn trở, đã tìm ra tiếng nói của riêng mình - đó là cách thể hiện Kiều theo lối trừu tượng - biểu hiện.
"Khi tôi đưa ra bộ minh họa Truyện Kiều đầu tiên, bên cạnh những người yêu thích, có rất nhiều người cảm thấy hoang mang vì nó quá trừu tượng. Tôi đến gần hơn với khán giả và giải thích rằng đây là lối vẽ biểu tượng, hình ảnh này biểu trưng cho điều gì, chi tiết kia có ý nghĩa như thế nào, họ đều bất ngờ và cảm nhận được. Tôi cho đó là một thành công. Chân dung Thúy Kiều nên giống như nàng Mona Lisa thời Phục hưng. Giống ở chỗ trong mỗi hoàn cảnh, điều kiện sẽ cảm nhận nàng Mona Lisa khác nhau. Truyện Kiều cũng vậy, một bức chân dung rất đời và giàu tính biểu tượng, nếu vẽ các nhân vật càng hiện thực sẽ càng trở nên trần trụi, áp đặt và mất đi tính biểu tượng của nó"- họa sĩ chia sẻ.
Nhận xét về tranh Kiều của Nguyễn Tuấn Sơn, PGS Vũ Thanh, Phó Viện trưởng Viện Văn học, cho rằng với tài năng của Nguyễn Du thì trong mỗi chúng ta lại có một Thúy Kiều rất đẹp của riêng mình. Bởi vậy mà chẳng bao giờ chúng ta thỏa mãn được với một diễn viên cụ thể đóng vai Kiều dù là trong điện ảnh hay chèo, kịch, cải lương… Ông nhận xét sự lựa chọn của Nguyễn Tuấn Sơn rõ ràng không phải là một sự ngẫu nhiên mà đó là một lựa chọn tối ưu.
Gia tài đồ sộ 5.000 bức tranh
Tính đến thời điểm hiện tại, anh đã có một "khối gia tài" đồ sộ với hơn 5.000 bức tranh minh họa Truyện Kiều (tính cả phác thảo). 30 bức trong số đó được tổ chức triển lãm và nhận được rất nhiều phản hồi tích cực từ khán giả.
Nét vẽ của Nguyễn Tuấn Sơn mang tính tượng trưng cao nhưng cũng rất gần gũi với đời thường như hình ảnh Thúy Kiều luôn gắn với mái tóc dài, vầng trăng buồn, bầu ngực căng tròn đầy sức sống, đi liền với cây đàn số phận (ở mỗi bức tranh lại là một cách biểu hiện cây đàn khác nhau, cũng như hình ảnh trắng trong các bức vẽ Kiều cũng rất sinh động và không hề trùng lặp.
Nhà nghiên cứu Mỹ thuật Ngô Kim Khôi đánh giá những giá trị tinh thần như nhan sắc mang tính minh triết Việt trong tranh Kiều của Nguyễn Tuấn Sơn đem đến cho tâm hồn chúng ta những bình yên, vì giá trị cái đẹp và tình yêu luôn là vĩnh cửu. Trong khi đó, Nhà sưu tập Trần Anh Tú, đại diện của Don Thu Galerie, Đức, cho rằng tranh của họa sỹ Nguyễn Tuấn Sơn hấp dẫn về tạo hình trìu tượng biểu hiện. Nét đậm, phiêu cùng mầu phối rất "Sơn" có sức truyền cảm mạnh đưa người xem trở về với cội nguồn. "Tôi yêu tranh của Sơn như Sơn đã yêu cô Kiều"- nhà sưu tập cho hay.
Họa sĩ Lê Vân Hải, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Mỹ thuật và Nhiếp ảnh, Bộ VH-TT-DL cũng đánh giá nhiều tranh Kiều của Nguyễn Tuấn Sơn có hòa sắc và màu sắc rất đẹp bởi anh là một người tìm hiểu sâu sắc về Kiều. Nhà Kiều học Trần Đình Tuấn nhận định tranh trừu tượng biểu hiện vẽ Kiều của họa sĩ Nguyễn Tuấn Sơn là một đường đi riêng để truyền tải ý tưởng và tinh thần của Truyện Kiều. "Đây là trường phái của Sơn Kiều... Sơn có nghiền ngẫm, có giọng điệu riêng... Sơn vẽ môđec và đảm bảo được có truyền thống và hiện đại và nhất quán được luận điểm đó. Có hồn cốt của Nàng Kiều. Tranh Kiều của Sơn ra được với thế giới..." - đạo diễn Nguyễn Nghiêm Nhan, Trung tâm tư liệu Phim quốc gia đánh giá.
Trong khi đó, Nhà điêu khắc Kù Kao Khải nhìn thấy ở Nguyễn Tuấn Sơn một tố chất hội họa tài năng, với các tác phẩm minh họa Truyện Kiều. "Anh vẽ theo một hình thức không gian ước lệ, hình bóp rất đẹp, miêu tả có độ nhấm nháy, bóng, mọng và giàu chất mỹ thuật. Đặc biệt ở những tác phẩm của Nguyễn Tuấn Sơn, các nhân vật mang đậm hơi thở Việt Nam, văn hóa Việt Nam không hề tạp lẫn"- nhà điêu khắc nhận xét về đàn em. Nhà nghiên cứu văn hóa Lê Nghị cho rằng điều đáng trân trọng của Nguyễn Tuấn Sơn là với tấm lòng yêu truyện Kiều. Anh dám vượt qua lối mòn, minh họa kiệt tác văn học cổ của dân tộc từ cách nhìn đậm tâm hồn Việt và bằng những nét bút sáng tạo của hội họa hiện đại.
"Tôi vẽ Kiều để tri ân "cụ" đã để cho tôi hiểu về nét đẹp của ngôn ngữ tiếng Việt và tri ân nghề hội họa mà tôi được học và sáng tạo. Tôi đọc truyện Kiều để sống lạc quan, hướng thiện, tử tế hơn"- Nguyễn Tuấn Sơn tâm sự. Anh cũng cho hay luôn tự nhủ mình không được thỏa mãn với chính mình trong sáng tạo. Anh cũng không chấp nhận những gì đang có sẵn và luôn muốn thúc đẩy các hình thức tranh luận về truyện Kiều, mong truyện Kiều sống mãi cùng dân tộc Việt cũng như thế giới này.
Nguyễn Tuấn Sơn sinh năm 1978, đã học qua CĐ Sư phạm Nhạc, Họa Trung ương và tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Đến nay, Sơn đã có đến mấy trăm bức tranh Kiều, tranh anh không phải minh họa mà là vẽ theo xúc cảm, cảm hứng, những nét vẽ trừu tượng khiến người xem tranh phải soi kỹ nhiều lần, khám phá từng đường nét của bức họa và không ngừng tưởng tượng.
Cách hiểu của Nguyễn Tuấn Sơn về Truyện Kiều qua các bức tranh của anh là một nhận thức mới, hiện đại, tránh được những áp đặt trong quá khứ (như các thiên kiến về Thúy Kiều - một kỹ nữ, Hoạn Thư - người đàn bà độc ác, ghen tuông, Thúc Sinh - kẻ trác táng, hèn nhát, Kim Trọng - gã thư sinh vô dụng, Đạm Tiên - hồn ma đáng sợ…). Các bức tranh của anh đem lại cho người thưởng lãm những giá trị nhân văn mới từ góc nhìn hội họa, khiến họ thay đổi ít nhiều cách nghĩ quen thuộc về các nhân vật trong Truyện Kiều, nhìn ngắm họ từ nhiều khuôn mặt của cuộc đời, thêm những nỗi cảm thông với những thân phận bị cuộc đời hắt hủi, đày đọa.