Hồi hộp chờ đợi quyết định lãi suất của Fed
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có cuộc họp chính sách vào ngày 17 - 18.9. Các nhà phân tích và nhà đầu tư đang theo dõi từng diễn biến để xem Fed sẽ quyết định nới lỏng lãi suất đến mức nào, hứa hẹn sẽ tạo ra những chấn động lớn trên thị trường tài chính toàn cầu.
Mức cắt giảm nào là hợp lý?
Cuộc họp chính sách của Fed là một sự kiện được mong chờ từ lâu, vì đã hơn 14 tháng trôi qua kể từ lần tăng lãi suất gần nhất của Fed vào tháng 7.2023. Trước cuộc họp này, Fed đã tiến gần hơn bao giờ hết tới mục tiêu lạm phát. Tuy nhiên, việc Fed giảm lãi suất bao nhiêu trong lần hạ đầu tiên của chu kỳ nới lỏng này vẫn là một câu hỏi còn bỏ ngỏ. Đến nay, các nhà đầu tư và chuyên gia phân tích vẫn chưa thể đưa ra một câu trả lời nhất quán.
Trong tuần vừa rồi, thị trường lãi suất tương lai đặt cược chủ yếu vào khả năng Fed chọn mức giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm. Tuy nhiên, dữ liệu từ công cụ FedWatch Tool của sàn giao dịch CME vào hôm 16.9 cho thấy, đặt cược vào mức giảm 0,25 và 0,5 điểm phần trăm đã gần như ngang bằng nhau.
Bà Claudia Sahm - nhà kinh tế trưởng tại Công ty Tư vấn đầu tư New Century Advisors (Mỹ), người ủng hộ mức giảm 0,5 điểm phần trăm, cho rằng Fed nên chọn mức giảm lãi suất lớn hơn, vì chỉ riêng dữ liệu lạm phát “đã đủ để Fed giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm và tiếp tục có một loạt đợt cắt giảm sau đó. Lãi suất quỹ liên bang đã duy trì trên mức 5% trong hơn 1 năm để chống lạm phát. Cuộc chiến này có thể xem là thắng lợi và Fed cần rút khỏi lãi suất cao”. Theo bà, điều này có nghĩa rằng, việc Fed khởi động chu kỳ nới lỏng bằng mức giảm 0,5 điểm phần trăm là cách để ngăn rủi ro thị trường việc làm xấu đi nhanh chóng.
Mặc dù các báo cáo lạm phát cho thấy cuộc chiến đưa lạm phát về mức mục tiêu 2% của Fed chưa thực sự hoàn tất, nhưng ít nhất mọi thứ đang đi đúng hướng. Chỉ số tiêu dùng (CPI) tháng 8 tăng 0,2% so với tháng trước và tăng 2,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, CPI lõi tăng 3,2%, vẫn còn cao hơn nhiều so với mục tiêu. Dù vậy, phần lớn mức tăng của lạm phát lõi đến từ tình trạng tăng dai dẳng của chi phí ở nhóm nhà ở, bao gồm giá nhà và giá thuê nhà.
Khi tính đến nhiều động lực lạm phát khác nhau, hồi cuối tháng 8, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết, “niềm tin của ông đã tăng lên” rằng lạm phát đang có xu hướng quay trở lại mức 2%. Bà Sahm cho biết thêm, lạm phát giảm đồng nghĩa trọng tâm chính sách của Fed được dịch chuyển sang bảo vệ thị trường việc làm. Hơn 2 năm qua, Fed tập trung chống lạm phát, và đây là lúc nhiệm vụ chính của ngân hàng trung ương này có vẻ sắp thay đổi. Sứ mệnh của Fed giờ là ổn định giá cả và bảo đảm một thị trường việc làm lành mạnh.
Tuy nhiên, cũng có không ít ý kiến của các chuyên gia cho rằng, Fed chỉ nên giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm trong cuộc họp lần này, vì Fed vẫn còn nhiều việc phải làm trong cuộc chiến chống lạm phát và các nhà hoạch định chính sách tiền tệ không quá lo lắng về thị trường lao động hay rủi ro suy yếu rộng hơn của nền kinh tế.
Nhà kinh tế Tom Simons thuộc Ngân hàng Đầu tư Jefferies nhận định: “Có một điểm mấu chốt mà Fed cần chứng minh, đó là họ chỉ đang bình thường hóa chính sách tiền tệ chứ không cố gắng nới lỏng chính sách để ứng phó với một nền kinh tế đang thực sự có vấn đề”. Ông dự báo Fed giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm trong lần họp này và với mức giảm như vậy, Fed sẽ còn nhiều dư địa để hành động về sau. Ông Simons cho biết thêm: “Toàn bộ lý do khiến Fed đến nay còn thận trọng về giảm lãi suất là họ lo lắng về sự trở lại của lạm phát. Giờ đây, họ đã có được niềm tin lớn hơn dựa trên các số liệu kinh tế cho thấy lạm phát sẽ không ngay lập tức quay trở lại. Nhưng Fed thực sự phải rất cẩn trọng khi theo dõi những động lực có khả năng biến đổi”.
Hơn nữa, các thành viên trong Hội đồng Chính sách tiền tệ (FOMC) vốn luôn giữ quan điểm thận trọng, thay vì chủ động đưa ra định hướng cho thị trường một cách rõ ràng. Ngay cả những cựu quan chức Fed cũng tin rằng, sự thận trọng với mức giảm lãi suất 0,25% là hợp lý. Richard Clarida, cựu Phó chủ tịch Fed nhận định, việc cắt giảm 0,5% có thể sẽ không được đón nhận nồng nhiệt, mà trái lại, nó có thể khiến công chúng lo lắng về rủi ro suy thoái. Vì vậy, khả năng cắt giảm 0,25% vẫn là cao, dù có thể khiến hy vọng đạt được “hạ cánh mềm” của Fed gặp rủi ro.
Tác động như thế nào đến kinh tế toàn cầu?
Chứng khoán châu Âu tăng và giá vàng tăng mạnh, có lúc lên đến 2.550 USD/ounce ngay sau tin Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cắt giảm lãi suất là một cuộc “diễn tập trước” cho việc Fed cắt giảm lãi suất. Các chuyên gia kinh tế nhận định rằng, khi Fed bắt đầu hành động sẽ giúp ngân hàng trung ương các nước phát triển khác dễ cân nhắc chính sách tiền tệ hơn.
Lãi suất của Mỹ giảm cũng cho phép các ngân hàng trung ương ở các thị trường mới nổi “dễ thở” hơn, có thể nới lỏng chính sách tiền tệ và hỗ trợ nền kinh tế mà không sợ mất kiểm soát về tỷ giá. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh kinh tế châu Âu và Trung Quốc đều đang tăng trưởng chậm hơn so với dự kiến. Các nền kinh tế xuất khẩu sẽ chật vật nếu hai nền kinh tế lớn này tiếp tục gặp khó khăn, trong khi Mỹ cũng xuất hiện dấu hiệu suy yếu về thị trường lao động. Các nền kinh tế châu Á cần lãi suất Mỹ đi xuống để họ cũng có thể nới lỏng tiền tệ, hạ lãi suất, tăng tín dụng để kéo nền kinh tế đi lên.
Thêm vào đó, cũng có quan điểm cho rằng, sau khi Mỹ cắt giảm lãi suất, dòng tiền đầu tư ở Mỹ sẽ chuyển hướng trở lại khu vực các nền kinh tế mới nổi. Tuy nhiên, điều này là không chắc chắn, bởi việc ai sẽ là Tổng thống Mỹ, chính sách đối với nền kinh tế Trung Quốc, áp lực buộc các doanh nghiệp Mỹ phải đưa sản xuất về nước, cũng như chính sách đối với những nước có thặng dư thương mại lớn với Mỹ sẽ là những yếu tố quyết định dòng tiền đầu tư.
Hơn nữa, một cuộc đua cạnh tranh thu hút đầu tư nước ngoài giữa các nước trong khu vực ASEAN và sự trỗi dậy của Ấn Độ cũng làm cuộc đua thu hút đầu tư nước ngoài thêm phức tạp. Vì vậy, dòng vốn nước ngoài sẽ không chỉ nhìn vào lãi suất của Fed. Một số phân tích cho thấy, lãi suất đồng USD chỉ đóng vai trò thứ yếu trong định hình dòng vốn thời gian tới, vì căn bản, nhiều nước cũng muốn cắt lãi suất. Chính sách công nghiệp của các quốc gia, rủi ro thương chiến và những áp lực địa chính trị mới là vấn đề cốt lõi. Xu thế đa dạng hóa kinh doanh ra nước ngoài của một số doanh nghiệp Trung Quốc cũng đóng một vai trò trong đó.
Nhìn chung, việc cắt giảm lãi suất giảm ở Mỹ sẽ giúp các nền kinh tế mới nổi “dễ thở” hơn, song cũng nên quá kỳ vọng vào tác động của nó đến dòng vốn đầu tư. Quyết định chính thức của Fed sẽ được công bố vào lúc chiều tối ngày 18.9 (theo giờ địa phương) và có thể gây ra những biến động mạnh mẽ trên thị trường chứng khoán. Quyết định lãi suất của Fed được cho là không chỉ ảnh hưởng đến thị trường tài chính mà còn đến các yếu tố kinh tế cơ bản khác. Sự thay đổi trong chính sách tiền tệ có thể định hình lại dự đoán của các nhà đầu tư về tăng trưởng kinh tế, lạm phát và triển vọng tài chính trong tương lai.