Hồi hương cổ vật
Sau nhiều năm lưu lạc, mũ quan triều Nguyễn và cổ phục Nhật Bình - hai cổ vật nổi tiếng được đấu với mức giá kỷ lục tại Tây Ban Nha đang trên đường về Việt Nam.
Trước đó, vào tháng 10/2021, những nhà nghiên cứu lịch sử cũng như sưu tập cổ vật ở Việt Nam đã hết sức bất ngờ trước thông tin chiếc mũ quan triều Nguyễn đã được một người Việt Nam trả giá cao gấp 1.000 lần mức giá khởi điểm, tại phiên đấu giá chính thức của Balclis - nhà đấu giá hàng đầu Tây Ban Nha.
Ngoài mũ quan triều Nguyễn giá trị lên đến trên 20 tỷ đồng, người mua này cũng nhanh tay sở hữu được áo dài Nhật Bình, một cổ phục của cung đình Huế, với một mức giá “khủng”.
Theo ước tính của giới sưu tầm, nếu tính cả thuế, phí thì giá trị của 2 món cổ phục này có thể lên tới 35 tỷ đồng.
Được biết, danh tính của chủ sở hữu mới của 2 cổ vật trên là chủ của một tập đoàn kinh tế. Và cả hai món cổ vật này đều được người này hiến tặng lại cho tỉnh Thừa Thiên - Huế. Theo kế hoạch 2 món cổ vật này đang trên đường về Việt Nam, dự kiến sẽ hồi hương vào cuối tháng 3, đầu tháng 4/2022.
Cũng theo thông tin từ nhà đấu giá Balclis cho biết, mũ quan Việt Nam thời Nguyễn có niên đại cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Qua các hình ảnh cho thấy chiếc mũ quan gần như còn nguyên vẹn, kèm với hộp đựng tinh xảo bằng gỗ, được sơn son thếp vàng có hoa văn tứ linh.
Còn theo nhà nghiên cứu cổ vật Vũ Kim Lộc, chiếc mũ này khá đặc biệt khi chủ nhân của nó có thể có vị thế rất quan trọng, được hưởng đặc ân trong triều đình. Mũ quan triều Nguyễn này là loại phốc tròn thuộc về Văn ban (mũ của quan Văn) với thân mũ được kết bằng lông đuôi ngựa theo kiểu kết kép.
Đối chiếu các hình ảnh đang lưu giữ tại Việt Nam về các mũ của quan lại triều Nguyễn như Đô Thống chế Lê Văn Phong, Thống chế Thoại Ngọc Hầu, Thiên Vương Thống chế… chiếc mũ được đấu giá tại Tây Ban Nha này có nhiều điểm khác lạ trong hoa văn và họa tiết, trang sức gắn trên mũ.
Đặc biệt, nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra điểm khác biệt lớn là chiếc mũ “dư hai giao long, cho thấy chủ nhân của chiếc mũ này được đặc ân không hề có từ trước đến nay”. Có lẽ, sự độc đáo quý hiếm này là một trong những nguyên nhân khiến cho chiếc mũ được đấu với mức “kỷ lục”, mang lại sự tự hào lớn cho chủ nhân sở hữu.
Còn bộ cổ phục thuộc dạng áo thêu họa tiết bằng chỉ ngũ sắc, đề tài tứ thời “song loan hồi thọ” (hai con chim loan quay về chữ thọ). Phần chân áo có thủy ba tam sơn và cá chép. Cổ áo thêu khá tinh xảo, gồm 5 con phụng cho thấy cấp bậc của chủ nhân chiếc áo ở tầm ngũ phẩm.
Phần đặc biệt để nhận định áo này là hiện vật gốc được thể hiện ở phần dây kim tuyến chạy quanh cổ áo, mà kỹ nghệ chế tác này cho đến nay chưa có nghệ nhân phục chế nào làm lại được.
Trong những năm qua, việc đưa cổ vật Việt Nam về nước ghi nhận nỗ lực rất lớn của giới sưu tầm, đòi hỏi sự am tường về giá trị cũng như bản lĩnh khi đấu giá. Trước đó, năm 2014, chiếc xe tay của vua Thành Thái tặng mẹ đã trở về hoàng cung Huế.
Với sự hỗ trợ của Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp, Bộ Ngoại giao và Bộ VHTTDL, và sự đóng góp hỗ trợ của cộng đồng người Việt Nam ở Pháp, Cộng hòa Séc và nhiều gia đình trong nước, chiếc xe đã được đấu giá thành công.
Sau đó, năm 2015, chiếc xe kéo tay này đã được đưa về trưng bày tại cung Diên Thọ, Đại nội Huế.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/hoi-huong-co-vat-5682999.html