Hồi kết
Dự án Suối Voi (Phú Lộc) vừa được nhiều tờ báo 'điểm danh' về sự chậm tiến độ, gây lãng phí và bức xúc, thất vọng cho người dân địa phương. Nhưng Suối Voi cũng chỉ là một trong không ít dự án chậm hoặc 'đóng băng' như vậy trên địa bàn Phú Lộc, chủ yếu tập trung ở KKT Chân Mây - Lăng Cô. Mặc dù đã được các cấp chính quyền quan tâm, tìm giải pháp tháo gỡ, song kết quả có thực sự sẽ chuyển động không thì vẫn là dấu hỏi với không ít người.

Dự án ở 2 khu đất vàng tại ngã sáu cửa hàng số I (cũ) "cù cưa" lâu kỷ lục.
Đó là ở “cự ly” xa, ngay tại trung tâm thành phố cũng không ít dự án cứ trùm chăn từ năm này qua năm khác, như 2 khu đất tại ngã sáu Cửa hàng Số 1 cũ (giao lộ Hà Nội - Lý Thường Kiệt - Nguyễn Tri Phương - Ngô Quyền); khu bến xe An Hòa… Rộn ràng một thoáng rồi cơ bản là yên ắng. Qua về, nhiều người vẫn hỏi nhau: Chỗ này làm gì? Ai đang là chủ? Bao giờ thì khai thác... Câu trả lời “nghe mênh mang mênh mang”, ngay như dân làm báo, tìm hiểu mãi cũng oải, nên thôi. Ấy là mới thoáng qua, còn như nếu thống kê, tin chắc đó không chỉ là những đơn cử. Còn nếu đi dọc chiều dài đất nước, thì những dự án đồng dạng như thế có thể nói là vô số kể.
Thông tin được nêu ra ở buổi gặp mặt của Tổng Bí thư Tô Lâm với hơn 300 cán bộ lão thành cách mạng, người có công, gia đình chính sách tiêu biểu miền Trung - Tây Nguyên tại TP. Đà Nẵng chiều 28/3 vừa rồi, cả nước đang tồn đọng khoảng 2.800 công trình, dự án chậm tiến độ hoặc không đưa được vào sử dụng. Thống kê sơ bộ ở các tỉnh, thành cũng cho thấy có 3.495 dự án chậm tiến độ, chiếm tổng diện tích gần 55.000ha! Thực trạng đó khiến cho đồng chí Tổng Bí thư cũng bức xúc và nóng ruột. Phát biểu tại cuộc gặp mặt, ông nói: “Có những dự án chậm hàng chục năm là điều không thể chấp nhận được, nhất là khi nguồn lực đất đai của chúng ta vốn đã khó khăn. Vừa qua, Hà Nội báo cáo mới rà soát, thu hồi 2 trong số hàng trăm dự án đã thu về trên 8.000 tỷ đồng. Nếu chúng ta xử lý tốt vấn đề này, nguồn lực để phát triển đất nước sẽ rất lớn!”.

Dự án tại bến xe An Hòa cũ "trùm chăn" không biết đã bao nhiêu năm rồi...
Nguồn lực rất lớn nhưng bị phí phạm, tạo sức ì cho nền kinh tế và gây bức xúc cho dư luận xã hội, đã đến lúc câu chuyện này cần phải được kết thúc và kết thúc triệt để, quyết tâm đó được cụ thể hóa bằng Công điện số 26/CĐ-TTg được Thủ tướng Chính phủ ký, ban hành ngày 31/3/2025 vừa rồi, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương khẩn trương rà soát, báo cáo các dự án đầu tư có khó khăn, vướng mắc, tồn đọng kéo dài trên Hệ thống đầu tư công quốc gia. Công điện nêu rõ thời hạn hoàn thành đến hết ngày 10/4/2025. Sau thời hạn trên, các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương không chỉ đạo cập nhật thông tin sẽ được coi là không còn dự án vướng mắc, khó khăn cần báo cáo cấp thẩm quyền giải quyết và phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trước pháp luật về việc không báo cáo, đề xuất đầy đủ theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.
Được biết, trước đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có nhiều văn bản chỉ đạo để đốc thúc, tháo gỡ; đồng thời, cũng đã cho thành lập Ban Chỉ đạo do Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình làm Trưởng ban để giúp Thủ tướng chỉ đạo các công việc cụ thể và thường xuyên nhằm giải quyết tình trạng dự án vướng mắc, tồn đọng. Với Công điện 26/CĐ-TTg, có thể thấy quyết tâm từ người đứng đầu Chính phủ đối với vấn đề đã quá bức bối này.
Với tinh thần như Thủ tướng vẫn thường phát biểu, “đã nói là làm, đã làm là phải có kết quả”, có thể tin “câu chuyện muộn phiền” từ các dự án sẽ sớm có một hồi kết có hậu.
Nguồn Thừa Thiên Huế: https://huengaynay.vn/chinh-tri-xa-hoi/hoi-ket-152230.html