Thủ tướng ban hành kế hoạch triển khai Luật Di sản văn hóa

Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Di sản văn hóa với mục đích xác định cụ thể các nội dung công việc, thời hạn, tiến độ hoàn thành và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị có liên quan trong việc tổ chức thi hành Luật Di sản văn hóa bảo đảm đồng bộ, thống nhất, hiệu lực, hiệu quả.

Quần thể di tích Cố đô Huế.

Quần thể di tích Cố đô Huế.

Luật Di sản văn hóa số 45/2024/QH15 đã được Quốc hội khóa XV thông qua và sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2025. Kế hoạch triển khai được ban hành với mục tiêu cụ thể hóa các nội dung công việc, xác định rõ thời hạn, tiến độ hoàn thành và trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương liên quan. Đồng thời, kế hoạch cũng thiết lập cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành để đảm bảo việc thực hiện Luật Di sản văn hóa đạt hiệu quả cao nhất.

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của kế hoạch là hoàn thiện thể chế, chính sách. Theo đó, các bộ, ngành sẽ tiến hành rà soát các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành liên quan đến Luật Di sản văn hóa. Trên cơ sở rà soát, các cơ quan có thẩm quyền sẽ thực hiện sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới các văn bản pháp luật để đảm bảo sự thống nhất và phù hợp với Luật Di sản văn hóa và các văn bản hướng dẫn chi tiết. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch được giao chủ trì công tác này, với thời gian thực hiện kéo dài trong năm 2025 và các năm tiếp theo.

Đáng chú ý, kế hoạch cũng đặt ra yêu cầu xây dựng và ban hành các nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Di sản văn hóa. Hai nghị định quan trọng sẽ được xây dựng, bao gồm nghị định về quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, di sản văn hóa dưới nước, di sản văn hóa phi vật thể trong danh sách của UNESCO và danh mục quốc gia, cũng như chính sách đối với nghệ nhân và chủ thể di sản văn hóa phi vật thể. Nghị định thứ hai sẽ quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục, hồ sơ lập, thẩm định, phê duyệt các quy hoạch khảo cổ, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh và các dự án xây dựng liên quan đến di tích. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng là cơ quan chủ trì xây dựng hai nghị định này, với thời hạn hoàn thành được ấn định trước ngày 15/4/2025.

Bên cạnh việc hoàn thiện hành lang pháp lý, kế hoạch cũng đặc biệt chú trọng đến công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về Luật Di sản văn hóa. Các cơ quan thông tin đại chúng, cổng thông tin điện tử và các hình thức truyền thông phù hợp sẽ được sử dụng để đảm bảo cán bộ, công chức, viên chức và người dân dễ dàng tiếp cận và nắm vững nội dung của luật. Các hoạt động tập huấn chuyên sâu, bồi dưỡng nghiệp vụ cho lực lượng quản lý di sản văn hóa cũng sẽ được triển khai.

Ngoài ra, kế hoạch cũng đề ra các nhiệm vụ cụ thể về thực hiện các hoạt động quản lý nhà nước theo quy định của Luật Di sản văn hóa. Kinh phí để thực hiện kế hoạch sẽ được cân đối từ nguồn ngân sách chi thường xuyên hàng năm của các bộ, ngành và địa phương liên quan.

Việc ban hành kế hoạch triển khai thi hành Luật Di sản văn hóa thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của đất nước một cách hiệu quả và bền vững, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân.

Khánh Diệp

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/thu-tuong-ban-hanh-ke-hoach-trien-khai-luat-di-san-van-hoa-397806.html