Hội Khoa học và Công nghệ Hàng không Việt Nam 30 năm xây dựng và phát triển
Hội Khoa học và Công nghệ Hàng không Việt Nam (KH&CN HKVN) được thành lập từ năm 1990 với tên gọi ban đầu là Hội Khoa học Kỹ thuật xây dựng công trình HKVN, qua 30 năm xây dựng và phát triển đến nay đã trở thành một tổ chức hội vững mạnh, đóng góp to lớn vào sự phát triển của ngành Hàng không nói riêng và ngành GTVT nói chung.
Từ những bước đi ban đầu
Xuất phát từ tình yêu ngành nghề, mong được cống hiến cho sự nghiệp hàng không, cố Cục trưởng Cục Sân bay, Đại tá - Kỹ sư Nguyễn Đức Khuông đã thành lập tổ chức Hội với sự bảo trợ của Tổng cục Hàng không dân dụng (HKDD) Việt Nam, Bộ Tư lệnh Công binh, Bộ Tư lệnh Không quân. Ngày 14/3/1990, Hội Xây dựng Việt Nam (nay là Tổng hội Xây dựng Việt Nam) đã ra Quyết định số 46-BCH ngày 14/3/1990 chính thức thành lập Hội. Đến năm 2011, Bộ Nội vụ ban hành Quyết định số 1100-BNV ngày 24/5/2011 đổi tên là Hội KH&CN HKVN (VAAST).
Từ gần 20 thành viên ban đầu, qua 30 năm xây dựng và phát triển với bao thử thách, Hội từng bước trưởng thành, trở thành tổ chức vững mạnh như hôm nay. Ban Chấp hành gồm 60 ủy viên, Hội có cơ quan tư vấn là Hội đồng Khoa học công nghệ, Văn phòng Hội và 7 ban chuyên môn là các cơ quan tham mưu giúp việc, 3 đơn vị trực thuộc Hội và 47 hội viên tập thể, là những đơn vị chủ chốt của ngành HKVN và các ngành liên quan. Với gần 451 hội viên cá nhân gồm những giáo sư, phó giáo sư, tiến sỹ, thạc sỹ, kỹ sư, cử nhân công tác trên nhiều lĩnh vực của ngành HKVN và các ngành liên quan trong cả nước.
Sau nhiều trăn trở tìm đường đổi mới, Hội đã tham gia góp ý phản biện nhiều đề án có tính chiến lược như: Ngành HKDD Việt Nam tự đầu tư, tự cân đối và phát triển, đổi mới quản lý nhà nước ngành HKDD Việt Nam trong nền kinh tế thị trường... Những đóng góp của Hội đã được lãnh đạo Đảng, Nhà nước lắng nghe, thấu hiểu. Bên cạnh đó, Hội đã chủ trì đề xướng đề tài Nghiên cứu những cơ sở lý luận cơ bản cho việc xây dựng Luật HKDD Việt Nam. Kết quả của Đề án này là cơ sở cho Luật HKDD Việt Nam được Quốc Hội thông qua vào năm 1991. Tiếp đó là việc xây dựng các văn bản dưới luật: Hệ thống định mức kinh tế kỹ thuật, quy trình quy phạm của Ngành với 58 văn bản QPPL trong vòng 5 năm đầu tiên đi vào hoạt động, Tổng cục HKDD Việt Nam thực sự đã có công cụ cơ bản và đắc lực để thực hiện quản lý nhà nước ngành HKDD Việt Nam bằng pháp luật. Nhờ đó, vai trò, vị trí của Tổng cục HKDD Việt Nam đã được nâng lên một tầm cao mới ở trong nước cũng như trên trường quốc tế.
Phản biện, đóng góp hữu ích cho ngành Hàng không phát triển
Với thế mạnh của nghiên cứu, tham vấn cho các cơ quan hữu quan, Hội đã dùng các kết quả nghiên cứu để tư vấn, thuyết phục lãnh đạo Ngành đổi mới tổ chức, cơ chế quản lý nhà nước cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh. Quá trình đổi mới tổ chức, cơ sở quản lý ngành từ trước đến nay luôn gắn liền với sự tư vấn của Hội. Để có được kết quả đó, Hội đã kiên trì vận động, biết chờ đợi, luôn bình tĩnh kết nối, giữ vững quan điểm đoàn kết, thống nhất, đồng bộ trong toàn Ngành để đi đến mọi thắng lợi.
Trong quá trình hoạt động, Hội gặp không ít khó khăn, thiếu thốn về mọi mặt, tuy nhiên các thành viên của Hội đã gắn kết, tương trợ lẫn nhau, vượt lên giành nhiều thành quả đáng khích lệ. Mọi ý kiến của Hội đều thể hiện sự khách quan, đúng đắn, trung thực và kịp thời trong tư vấn đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật của Ngành, điển hình như tư vấn phản biện các dự án: Quy hoạch, thiết kế mạng cảng hàng không, sân bay Việt Nam; Quy hoạch, quản lý hiệu quả vùng trời hoạt động HKDD Việt Nam; Nghiên cứu ứng dụng công nghệ dẫn đường bằng vệ tinh GPS cho hoạt động quản lý điều hành bay; Nghiên cứu giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của Tổng công ty Hàng không Việt Nam... Thời gian gần đây, Hội đã tham gia công tác tư vấn để giải quyết các vấn đề “nóng” của Ngành như: Dự án đầu tư xây dựng Cảng Hàng không quốc tế Long Thành, mở rộng Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Xây dựng Cảng Hàng không quốc tế Vân Đồn... Qua đó, tiếng nói của Hội được lắng nghe, ghi nhận và được áp dụng theo từng mức độ khác nhau.
Hội đã trực tiếp, gián tiếp tham gia thực hiện các đề tài, dự án, chương trình KHCN các cấp, hình ảnh Hội luôn gắn với tư duy đổi mới trên tất cả các lĩnh vực từ luật pháp, KHCN, khoa học quản lý, cải tiến kỹ thuật đến lĩnh vực tổ chức, cơ chế, xây dựng chính sách đào tạo nguồn nhân lực... Các kết quả nghiên cứu đã đưa ra được lời cảnh báo cho hiện tại và dự đoán cho tương lai, đã kiến nghị các giải pháp hữu hiệu để khắc phục, từ đó vạch ra chiến lược và khát vọng cho việc hoàn thiện mọi mặt về kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, hiện đại theo chuẩn mực quốc tế của ngành HKVN. Đồng thời, các giải pháp hữu hiệu của Hội đã trở thành những ý kiến tham mưu kịp thời, sâu sát cho lãnh đạo các cấp của ngành Hàng không trong quản lý, điều hành, trong đầu tư phát triển và nhiều lĩnh vực liên quan... Có thể nói, Hội là “nhà khoa học” tiên phong đi trước, đón đầu trong nghiên cứu triển khai và là trợ lý tham mưu đắc lực, thạo việc cho lãnh đạo các cấp của Ngành suốt thời gian qua.
Bên cạnh đó, Hội là thành viên chính thức của Hiệp hội Sân bay quốc tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương từ năm 1996. Trong suốt 30 năm xây dựng và phát triển, Hội đã hợp tác với nhiều tổ chức, cá nhân quốc tế bằng sự chân thành, thân thiết và là người bạn đáng tin cậy. Hội đã có quan hệ với các tổ chức, cá nhân của các nước như: Nga, Mỹ, Pháp, Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Đức, Ấn Độ, Úc, Tây Ban Nha, Ucraina... và luôn giữ được mối quan hệ gắn kết. Các hoạt động hợp tác giữa Hội và đối tác đều được tiến hành nghiêm túc trên tinh thần hợp tác, mở ra những triển vọng kết nối lâu dài của các bên.
Sự trưởng thành của ngành Hàng không Việt Nam trong công cuộc đổi mới có sự đóng góp thầm lặng từ công sức và trí tuệ của Hội. Dưới nhiều hình thức, đội ngũ trí thức hàng không của Hội đã đóng góp tích cực cho sự đổi mới đi lên của Ngành. Từ mô hình quân đội vận hành, quản lý khai thác chuyển sang dân dụng quản lý, điều hành khai thác, ngành Hàng không đã lột xác trở thành một ngành kinh tế - kỹ thuật - đối ngoại quan trọng của đất nước, hội nhập thành công và trở thành một địa chỉ quan trọng, đáng tin cậy của hàng không khu vực và thế giới, đảm bảo an toàn bay tuyệt đối trong hơn 22 năm, uy tín và năng lực ngày càng nâng cao trên trường quốc tế.
Trong tiến trình phát triển đó, Hội đã chủ động tham gia tư vấn - phản biện và đã trực tiếp hoặc gián tiếp xây dựng Luật và hệ thống văn bản QPPL để giúp Ngành có công cụ quản lý từ vi mô đến vĩ mô; nghiên cứu triển khai nhiều đề tài dự án, chương trình từ kỹ thuật, quản lý đến dịch vụ hàng không; tổ chức nhiều hội nghị hội thảo khoa học trong nước và quốc tế; đào tạo nguồn nhân lực hàng không từ sơ cấp đến sau đại học; phổ biến kiến thức cơ bản về hàng không cho cộng đồng; thực hiện các dịch vụ khoa học và công nghệ hàng không trên tất cả các lĩnh vực hoạt động từ quản lý nhà nước đến hệ thống cảng hàng không, sân bay, quản lý bay, kỹ thuật máy bay, các dịch vụ hàng không đồng bộ cũng như các dịch vụ phi hàng không… Mọi hoạt động của Hội đều gắn bó mật thiết với sự phát triển của Ngành qua từng thời kỳ phát triển. Bên cạnh đó, Hội là thành viên tích cực trong hoạt động của Tổng hội Xây dựng Việt Nam, Liên hiệp Các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Hiệp hội Sân bay Quốc tế... Thông qua mọi hoạt động, Hội đã xây dựng cho mình một nền văn hóa khoa học hàng không đặc trưng mang tính kế thừa các truyền thống tốt đẹp của Việt Nam và phát triển theo hướng hiện đại, hội nhập quốc tế.
Những thành quả của ngành HKVN có sự đóng góp của Hội Khoa học và Công nghệ Hàng không Việt Nam với bề dày 30 năm xây dựng và phát triển. Sự lớn mạnh của ngành HKVN mở ra chân trời khoa học công nghệ, góp phần không nhỏ vào thành công chung của ngành GTVT trong tiến trình hội nhập và phát triển.