Hội kín Illuminati đã thâm nhập vào Hội Tam điểm

Giờ đây, áp dụng hiểu biết về lý thuyết mạng, tác giả viếng thăm lại lịch sử (chứ không phải thuyết âm mưu) về Hội kín Illuminati.

 Hình ảnh trong phim "Eyes wide shut" của Stanley Kubrick. Nguồn: anothermag.

Hình ảnh trong phim "Eyes wide shut" của Stanley Kubrick. Nguồn: anothermag.

Trên thực tế, người sáng lập Hội là một học giả ít danh tiếng ở phía nam nước Đức tên là Adam Weishaupt. Sinh năm 1748 - và chỉ mới 28 tuổi khi sáng lập Hội - Weishaupt là con trai của một giáo sư luật tại Đại học Ingolstadt ở trung tâm bang Bavaria nhưng sớm chịu cảnh mồ côi.

Nhờ sự bảo trợ của Nam tước Johann Adam Ickstatt, người được Tuyển hầu tước Maximilian Đệ 3 Joseph bổ nhiệm làm Hiệu trưởng với nhiệm vụ cải tổ trường đại học do Dòng Tên thống trị, Weishaupt đã có thể theo bước chân của cha mình. Năm 1773, ông được bổ nhiệm làm giáo sư luật của Giáo hội Kitô giáo và một năm sau đó làm trưởng khoa luật.

Điều gì khiến vị giáo sư trẻ này sáng lập một hội kín và mang tính cách mạng trên nhiều khía cạnh vào ba năm sau đó? Câu trả lời là: dưới ảnh hưởng của Ickstatt, Weishaupt trở thành một độc giả nồng nhiệt các tác phẩm của các triết gia cấp tiến hơn thuộc Phong trào Khai sáng Pháp, đặc biệt là Claude Adrien Helvetius, tác giả của cuốn sách nổi tiếng Tâm trí (De l’esprit, năm 1758) và Paul-Henri Thiry, nam tước d’Holbach, tác giả ẩn danh của Hệ thống tự nhiên (Le Systeme de la nature, năm 1770).

Khi còn nhỏ, Weishaupt được các giáo sĩ Dòng Tên dạy dỗ, ông không mấy thích thú chuyện này. Ông rất hứng thú với khuynh hướng vô thần của Helvetius và d’Holbach. Tuy nhiên, ở vùng Bavaria bảo thủ, nơi các giáo sĩ Công giáo La Mã đang kích động tinh thần “chống lại Phong trào Khai sáng”, những quan điểm như vậy rất nguy hiểm.

Là một thanh niên trẻ tuổi, được ngồi vào chiếc ghế trước đây chỉ thuộc về các giáo sĩ Dòng Tên, Weishaupt chịu nhiều áp lực. Ý tưởng về một hội kín mà ngay cả những người được chiêu mộ cũng không biết mục đích thực sự của nó nảy ra một cách hoàn toàn hợp lý.

Chính Weishaupt nói ông nảy sinh ý tưởng này từ một sinh viên Tin lành tên là Ernst Christoph Henninger, người đã nói với ông về các hội sinh viên tại Jena, Erfurt, Halle và Leipzig, nơi anh ta từng học trước đây. Vậy là, nghịch lý thay, Hội Illuminati được mô phỏng theo các giáo sĩ Dòng Tên - một mạng lưới uy quyền và ít minh bạch - bị Giáo hoàng Clement XIV giải tán vào năm 1773.

Bản phác thảo đầu tiên của Weishaupt về “Trường học của nhân loại” dự tính rằng các thành viên sẽ có nhật ký ghi lại những suy nghĩ và cảm xúc của mình và sẽ báo cáo tóm tắt cho cấp trên; đổi lại, sẽ có thư viện, chăm sóc sức khỏe, bảo hiểm và các lợi ích khác. Sẽ là nói giảm nói tránh nếu cho rằng tư tưởng của Weishaupt mang tính chiết trung: các phác thảo của ông về Hội cũng bao gồm các yếu tố từ các huyền tích Hy Lạp cổ đại cho tới Bái hỏa giáo (gồm cả việc dùng lịch Ba Tư cũ). Một nguồn cảm hứng khác là Alumbrados, một phong trào tâm linh thế kỷ 17 ở Tây Ban Nha.

Nếu Illuminati vẫn trung thành với kế hoạch ban đầu của Weishaupt thì dù có được biết đến, có lẽ họ cũng đã bị lãng quên từ lâu. Mấu chốt cho sự phát triển và tai tiếng sau này của Hội là sự thâm nhập của họ vào các hội quán Hội Tam điểm Đức.

Dù có nguồn gốc từ các hội ái hữu của người thợ xây đá thời trung cổ, nhưng vào thế kỷ XVIII, bản thân Hội Tam điểm, ban đầu xuất phát từ Scotland và Anh, đã trở thành một mạng lưới phát triển nhanh chóng, Hội đề xuất việc giao lưu giữa những người đàn ông - vốn được tôn vinh bởi thần thoại và nghi lễ, chứ không bị hạn chế bởi sự khác biệt về địa vị giữa quý tộc và tư sản. Hội này đã nhanh chóng lan rộng khắp nước Đức, bao gồm cả các bang miền Nam nước Đức, bất chấp những nỗ lực của Giáo hội Công giáo La Mã cấm người Công giáo trở thành hội viên Hội Tam điểm. Chính Franz Xaver Zwackh, một trong các học trò của Weishaupt, gợi ý chiêu mộ Illuminati từ các hội quán Hội Tam điểm Đức, khai thác sự bất mãn không ngừng gia tăng của nhiều hội viên Hội Tam điểm với chính phong trào của họ.

Cuối những năm 1770 là thời điểm xáo trộn bên trong Hội Tam điểm Đức, khi một số người theo chủ nghĩa thuần túy phản đối sự thiếu bí mật và tôn trọng vì câu chuyện hoang đường rằng Hội là sự kế thừa của Hiệp sĩ Dòng Đền, được khẳng định trong “Nghi thức Tuân thủ Nghiêm ngặt”.

Một trong những người không hài lòng với việc các Hội Tam điểm dường như đang thoái trào thành các câu lạc bộ ăn uống trống rỗng là Adolph Franz Friedrich Ludwig, Nam tước von Knigge, người con trai theo học tại Gottingen của một giới chức Hanover, người đã là hội viên Hội Tam điểm từ năm 1772.

Knigge khao khát một thứ gì đó riêng biệt và cao cấp hơn so với những thứ có sẵn ở các hội quán Hội Tam điểm mà ông thường lui tới tại Cassel và Frankfurt, ông thổ lộ mong muốn này với một hội viên Tam điểm quý tộc khác, Hầu tước Costanzo di Costanzo, vào năm 1780.

Trước sự kinh ngạc của Knigge, viên hầu tước tiết lộ rằng một tổ chức ưu tú như vậy đã tồn tại, và rằng - dưới cái tên Diomedes - ông ta là thành viên của tổ chức này. Một đặc điểm chính xác của Illuminati sau năm 1777, khi chính Weishaupt được kết nạp vào hội quán “Zur Behutsamkeit” ở Munich là đây là “một mạng lưới bí mật nằm trong lòng Hội Tam điểm… như một cây ký sinh”.

Một loại ký sinh trùng tương tự là Thập tự Hoa Hồng (Rosicrucianism), một phong trào bí mật hơn cả Illuminiti, tốn nhiều giấy mực vào đầu thế kỷ 17 nhưng có hình thái cụ thể là “Thập tự vàng và hoa hồng” nằm trong lòng một số hội quán Hội Tam điểm ở Đức vào cùng khoảng thời gian này.

Việc chiêu mộ Knigge là một bước ngoặt vì hai lý do. Đầu tiên, ông là một cá nhân có nhiều kết nối hơn Weishaupt. Thứ hai, ông hiểu các hội viên Tam điểm quý tộc có cùng chí hướng khao khát điều gì. Knigge - người lấy biệt danh Philo sau khi gia nhập Illuminati - đã giật mình khi nhận thấy tổ chức này hãy còn ở tình trạng phôi thai như thế nào (cũng như ngày ấy Bavaria lạc hậu ra sao khi ông ghé qua).

“Hội chưa tồn tại”, Weishaupt thú nhận thật lòng, “đây mới chỉ là ý tưởng của tôi… Anh bỏ qua cho sự gian dối tầm thường này của tôi chứ?”.

Không những tha thứ cho Weishaupt, Knigge còn hào hứng chộp lấy sáng kiến này, hình dung Illuminati như một công cụ để cải cách triệt để chính Hội Tam điểm. Ông sửa đổi hoàn toàn và mở rộng cấu trúc mà Weishaupt đã dự tính bằng cách chia thành ba cấp bậc của Illuminati và thêm vào đó rất nhiều nghi thức của Hội Tam điểm.

Cấp bậc Minerval sơ khởi được chia làm hai loại: Minerval và Illuminati thứ. Cấp bậc Tam điểm thứ hai cũng được chia làm hai: Illuminati chính hay “Người Scotland tập sự”, và Illuminati cao cấp hay “Hiệp sĩ Scotland”. Cấp bậc Mystery thứ ba được chia nhỏ hơn nữa thành “Lesser Mysteries” (“Bí ẩn nhỏ hơn”, với cấp bậc mục sư hoặc quân vương) và “Greater Mysteries” (“Bí ẩn lớn hơn”, với cấp bậc pháp sư hoặc “kẻ dị giáo” và hoàng đế hoặc “triết gia”).

Theo Illuminati, nắm giữ vị trí cuối cùng này là những người giữ các chức cao nhất của Hội: tổng thanh tra, tỉnh trưởng, quận trưởng và trưởng tu viện. Những cấp bậc cao hơn này sẽ thay thế đỉnh ban đầu của hệ thống Weishaupt, “các thành viên của Tòa án Areopagos”. Đồng thời, khi những “cấp bậc” tinh vi này được đặt ra, cấu trúc tổ chức của Hội vốn đang không ngừng lớn mạnh bấy giờ trở nên phức tạp hơn, với nhiều “nhà thờ” Minerval địa phương báo cáo cho “Quận”, “Tỉnh” và “Thanh tra”.

Niall Ferguson/NXB Thế Giới

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/hoi-kin-illuminati-da-tham-nhap-vao-hoi-tam-diem-post1377414.html