Hội LHPN Ninh Bình đồng hành cùng phụ nữ khởi nghiệp chuyển đổi xanh, nâng cao quyền năng kinh tế
Trong xu hướng tăng trưởng xanh, nhiều chị em phụ nữ khởi nghiệp tại Ninh Bình đã không ngừng học hỏi, sáng tạo và ứng dụng chuyển đổi kinh doanh, hướng tới phát triển 'xanh' bền vững trong hoạt động kinh doanh của mình.
Chuyển đổi xanh cùng sản phẩm hữu cơ
Nổi bật trong số đó là chị Trịnh Thị Hòa với ý tưởng "Phát triển dược liệu xanh bền vững"của HTX Dược liệu Yên Sơn. Đây là ý tưởng duy nhất đại diện cho tỉnh Ninh Bình lọt vào vòng chung kết cấp vùng Cuộc thi "Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi xanh" năm 2024 do Hội LHPN Việt Nam tổ chức.
Xuất phát từ niềm đam mê với dược liệu, nhận thấy có nhiều mảnh đất để hoang cỏ mọc, cây trồng giá trị thấp, chị Hòa đã nghiên cứu, tìm hiểu ra các loại dược liệu dễ trồng, nhằm mong muốn nâng cao thu nhập, đời sống cho chị em địa phương.
Sự phát triển của chuyển đổi số, dược liệu giả trôi nổi trên thị trường, tiềm ẩn những nguy cơ gây bệnh cho cộng đồng. Điều này là động lực khiến chị phải làm ra một sản phẩm thật tốt, đạt hiệu quả bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe người dùng với giá thành không quá cao.
Bên cạnh việc đảm bảo chất lượng, bảo vệ môi trường cũng là một tiêu chí quan trọng luôn được chị ưu tiên hàng đầu với HTX Yên Sơn.
Bởi "Chuyển đổi sản xuất theo định hướng "xanh", hữu cơ cũng chính là bảo vệ sức khỏe của những người dân trực tiếp lao động tại đơn vị mình không phải tiếp xúc với hóa chất", chị Hòa cho biết.
Ngoài ra, phát triển dược liệu hữu cơ không những góp phần cải tạo đất trồng, tăng độ mùn xốp, bảo vệ môi trường sống mà còn giúp tăng nguồn thu nhập cho bà con địa phương, nâng cao chất lượng cuộc sống và tăng an sinh xã hội.
Theo đó, tại HTX Yên Sơn, chị đã sử dụng công nghệ cải tiến để xử lý chất thải sản xuất tránh ô nhiễm môi trường, cải tạo đất trồng và nâng cao chất lượng sản phẩm bằng máy sấy lạnh công nghệ Nhật Bản, không phác thải khí bụi… nhưng vẫn giữ nguyên màu sắc, hương vị và hiệu quả của sản phẩm.
Với những nỗ lực chuyển đổi xanh, sản phẩm Tinh bột nghệ vàng (loài cây chủ chốt tại HTX Yên Sơn - Nghệ vàng) đã được đánh giá OCOP 3 sao và đạt Cúp vàng cùng chứng nhận sản phẩm vàng vì nông nghiệp Việt Nam cấp trung ương. Bên cạnh đó, ý tưởng của chị đã nhận được phản hồi tích cực tại cuộc thi "Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi xanh" năm 2024 khi có sự kết hợp, tương tác giữa các bà con các hộ dân trong địa phương, chung tay phát triển kinh tế, đồng thời, góp phần phát triển và bảo vệ môi trường.
Tương tự, nhận thấy thế mạnh địa phương mình sinh sống (huyện Gia Viễn, Ninh Bình) bằng nghề trồng trọt, chăn nuôi, chị Trần Thị Cúc, Chủ hộ kinh doanh Cường Cúc, quyết định sử dụng chính những thực phẩm xanh - sạch của địa phương để khởi nghiệp với sản phẩm mọc nấm hương - xúc xích hữu cơ.
Như bao câu chuyện khác, con đường khởi nghiệp của chị Cúc cũng không trải hoa hồng. Đáng nhớ nhất là giai đoạn trong nửa năm trời, sản phẩm bị hỏng khi không tìm được phương pháp bảo quản phù hợp. Bởi, hộ kinh doanh Cường Cúc luôn nói "không" với chất bảo quản, hàn the và chất phụ gia để đảm bảo chất lượng sản phẩm xanh, sạch.
Hội LHPN đồng hành cùng chị em khởi nghiệp
Nhìn lại quá trình khởi nghiệp, chị Hòa cho biết, khởi nghiệp chưa bao giờ là dễ dàng, đặc biệt trong bối cảnh chuyển đổi xanh.
"Đạt được những thành quả như hiện nay, bên cạnh những nỗ lực tìm giải pháp sản xuất hữu cơ, sự chung tay của chị em địa phương sản xuất dược liệu, bảo vệ môi trường thì sự đồng hành của Hội LHPN địa phương đóng vai trò quan trọng trên chặng đường khởi nghiệp của tôi", chị Hòa chia sẻ.
Chị cho biết, Hội LHPN địa phương đã luôn hỗ trợ, tập huấn, chuyển giao công nghệ, tạo điều kiện tham quan những mô hình tiên tiến. Từ đó giúp các chị em có kiến thức cơ bản về ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số, hỗ trợ nguồn vốn mua sắm thiết bị máy móc công nghệ cho sản xuất; có những chỉ đạo sát sao và hướng dẫn cụ thể với những đề án phát triển kinh tế, cách thực hiện chúng nhanh nhất và hiệu quả nhất như: tư vấn kỹ thuật cây trồng, chăm sóc, tư vấn về chuyển giao công nghệ…
Với chị Cúc, Hội không chỉ hỗ trợ trong định hướng kinh doanh mà còn giúp các sản phẩm của chị có cơ hội lan tỏa rộng rãi hơn.
"Các chị dùng thử rồi thấy ngon, "tiếp thị", lan tỏa sản phẩm giúp mình, thường xuyên hỏi han khó khăn và động viên mình rất nhiều trên con đường khởi nghiệp", chị Cúc chia sẻ.
Đến nay, sau hơn 10 năm, sản phẩm mọc nấm hương - xúc xích đã đi được những thành công nhất định: đạt chứng nhận OCOP 3 sao, Cúp vàng và chứng nhận sản phẩm vàng vì nền nông nghiệp Việt Nam.
Chị Cúc cho biết, đạt được những thành tựu đó, không thể thiếu sự hỗ trợ của chị em từ các cấp Hội LHPN, tạo tiền đề cho hộ kinh doanh được phát triển như: hỗ trợ đăng ký thành công tem truy xuất nguồn gốc, định hướng phát triển kinh doanh, đồng thời là nguồn động viên rất lớn giúp chị vượt ra vùng an toàn để khởi nghiệp thành công.
Ngoài ra, Hội LHPN luôn tạo điều kiện học hỏi, hỗ trợ chị Cúc cùng các chị em phụ nữ khác tham gia hội chợ, hội thảo, sự kiện về sản phẩm nông sản, nông nghiệp để tạo cơ hội chị em khởi nghiệp được tiếp cận với thị trường lớn hơn, lan tỏa sản phẩm.
Chị Trịnh Thị Hòa và Trần Thị Cúc là 2 trong số những phụ nữ trên địa bàn tỉnh đã luôn nỗ lực vượt qua khó khăn, rào cản, kiên định với mục tiêu và hành trình khởi nghiệp của mình để nghiên cứu ra các sản phẩm hữu cơ tốt cho sức khỏe và môi trường, phù hợp với định hướng chuyển đổi xanh.
Trong những câu chuyện khởi nghiệp đó không thể thiếu được sự đồng hành của Hội LHPN các cấp tại tỉnh Ninh Bình, luôn sát sao tới đời sống của chị em địa phương thông qua các lớp tập huấn và tuyên truyền.
Đặc biệt, để hỗ trợ chị em nâng cao quyền năng kinh tế, Hội đã tổ chức các cuộc thi ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động Hội, tập huấn kỹ năng viết sáng kiến, đề tài, ý tưởng khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh cho 100 người là doanh nghiệp/Hợp tác xã/ Tổ hợp tác/Hộ kinh doanh do phụ nữ làm chủ, hoặc tham gia quản lý, phụ nữ có nhu cầu khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh…
Những hoạt động này nhằm giúp chị em có kiến thức cũng như kỹ năng trong hoạt động kinh doanh của mình. Ngoài ra, Hội còn tổ chức tập huấn khóa học "Phụ nữ Việt tự tin làm kinh tế" trực tuyến cho hơn 300 hội viên phụ nữ. Tất cả đều góp phần tạo dựng nền tảng, thúc đẩy tinh thần tự tin cho chị em tham gia dự thi Cuộc thi phụ nữ khởi nghiệp năm 2024 do Trung ương Hội tổ chức.