Hội LHPN tỉnh nâng cao hiệu quả công tác giám sát, góp phần xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh

Xác định giám sát, phản biện xã hội (GS, PBXH) là nhiệm vụ quan trọng giúp tổ chức hội phụ nữ thực hiện tốt hơn chức năng đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho các tầng lớp phụ nữ, những năm qua, Hội LHPN tỉnh đã tập trung chỉ đạo các cấp hội tổ chức thực hiện bước đầu đạt được kết quả đáng ghi nhận.

Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Hà Thị Phương phát biểu kết luận buổi giám sát việc thực hiện Luật Phòng, chống mua bán người tại huyện Vĩnh Lộc.

Thực hiện Quyết định 217 về “Quy chế GS, PBXH của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội” và Quyết định 218 quy định về việc “MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và Nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền”, hằng năm, các cấp hội chủ động xây dựng kế hoạch, lựa chọn nội dung giám sát, tập trung các vấn đề phụ nữ quan tâm, việc thực hiện chủ trương, chính sách liên quan đến tổ chức hội, hội viên phụ nữ và bình đẳng giới, hiệp thương với Ủy ban MTTQ cùng cấp và xin ý kiến cấp ủy về nội dung giám sát và sau khi có văn bản thống nhất của cấp ủy hội LHPN các cấp tổ chức các cuộc giám sát theo kế hoạch.

Với những quy trình trên, năm 2023 Hội LHPN tỉnh đã chủ trì, thành lập đoàn giám sát để giám sát việc thực hiện Chỉ thị 21-CT/TW về tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới tại 3 đơn vị, gồm: Thành ủy TP Thanh Hóa, Huyện ủy Quảng Xương và Huyện ủy Như Thanh. Tổ chức đoàn giám sát việc triển khai, thực hiện Luật Phòng, chống mua bán người tại UBND các huyện: Vĩnh Lộc, Bá Thước và 4 xã, thị trấn do huyện lựa chọn. Trên cơ sở kết quả báo cáo và nắm bắt thông tin tại các địa phương, đơn vị, Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh báo cáo kết quả giám sát.

Hội LHPN tỉnh cũng thành lập đoàn, tổ chức giám sát việc thực hiện Quyết định 622/QĐ-TTg, ngày 10/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự năm 2030 vì sự phát triển bền vững tại Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, UBND huyện Hà Trung và 2 xã (Yên Dương, Hà Đông). Tổ chức 8 hội nghị giám sát tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại 4 huyện: Quan Hóa, Lang Chánh, Ngọc Lặc, Thường Xuân và 4 xã tại 4 huyện trên; tổ chức Hội nghị giám sát, đánh giá về thực hiện bình đẳng giới trong chương trình mục tiêu quốc gia dân tộc thiểu số và miền núi tại huyện Ngọc Lặc. Trong năm, các cấp hội phụ nữ trong tỉnh cũng đã tổ chức 573 cuộc giám sát, qua đó, đã phát hiện những vướng mắc, bất cập trong quá trình thực thi chính sách, những hạn chế và khó khăn của việc triển khai thực hiện, từ đó có kiến nghị, đề xuất đối với các cơ quan liên quan trong việc triển khai chính sách tại địa phương.

Thực tế cho thấy, hoạt động giám sát đã giúp hội viên phụ nữ theo dõi, phát hiện sai sót trong thực thi chính sách, giúp cấp ủy, chính quyền các cấp kịp thời điều chỉnh, sửa đổi bổ sung những vấn đề thực tiễn đặt ra đối với phụ nữ, trẻ em và bình đẳng giới. Qua đó, góp phần thắt chặt mối quan hệ của tổ chức hội phụ nữ với các cấp, ngành và các đoàn thể xã hội; đồng thời, kịp thời tháo gỡ nhiều khó khăn, bất cập để phụ nữ được thụ hưởng chính sách của Đảng và Nhà nước đảm bảo công bằng, bình đẳng. Với những kết quả đã đạt được qua giám sát đã tiếp tục khẳng định vai trò, vị thế của tổ chức hội LHPN các cấp, góp phần tích cực trong xây dựng Đảng, chính quyền địa phương trong sạch, vững mạnh.

Trong hoạt động PBXH, Hội LHPN tỉnh chỉ đạo các cấp hội tổ chức cho phụ nữ thực hiện quyền dân chủ đại diện, dân chủ trực tiếp ở cơ sở thông qua tham gia góp ý, xây dựng các chính sách, chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, các văn bản có nội dung liên quan trực tiếp tới phụ nữ và trẻ em. Các cấp hội tham gia đóng góp ý kiến vào 772 văn bản dự thảo Luật, dự thảo chương trình, nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương; trong đó tổ chức 589 cuộc hội nghị, hội thảo và nhận được 2.356 lượt ý kiến góp ý tham gia xây dựng Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi); tổ chức 587 hội nghị và nhận được 1.761 lượt ý kiến góp ý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)...

Theo Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Hà Thị Phương, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động GS, PBXH của một số hội LHPN cơ sở còn chưa hiệu quả; việc lựa chọn nội dung và cách thức tổ chức thực hiện còn lúng túng; năng lực giám sát của cán bộ ở cơ sở còn hạn chế; việc theo dõi, đôn đốc giải quyết kiến nghị sau giám sát ở một số nơi chưa được chú trọng, dẫn đến việc kiến nghị một chiều, hiệu quả chưa cao... Từ thực tiễn đó đòi hỏi hội LHPN các cấp tiếp tục phát huy vai trò chủ thể, chủ động, tích cực làm tốt việc xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch GS, PBXH hằng năm; chú trọng lựa chọn nội dung GS, PBXH, trong đó, tập trung vào các lĩnh vực liên quan trực tiếp đến phụ nữ và trẻ em. Chú trọng hơn nữa công tác giám sát đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên. Cùng với đó cần sự quan tâm của cấp ủy đảng, chính quyền bố trí cán bộ có năng lực, trình độ, phẩm chất đạo đức, bản lĩnh chính trị cho các cấp hội phụ nữ để có đủ khả năng thực hiện công tác GS, PBXH; sự phối hợp, tạo điều kiện của MTTQ để các cấp hội LHPN tham gia có hiệu quả công tác GS, PBXH.

Bài và ảnh: Hoài Linh

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/xay-dung-dang/hoi-lhpn-tinh-nang-cao-hieu-qua-cong-tac-giam-sat-gop-phan-xay-dung-he-thong-chinh-tri-vung-manh/204813.htm