Hội LHPN Việt Nam bàn giải pháp thực hiện hiệu quả mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới

Sáng 6/5, tại Hà Nội, Hội LHPN Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học 'Mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2025: Thực trạng và hàm ý chính sách'.

 Bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng khoa học Cơ quan TƯ Hội, phát biểu tại Hội thảo

Bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng khoa học Cơ quan TƯ Hội, phát biểu tại Hội thảo

Bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng khoa học Cơ quan TƯ Hội; bà Đàm Thị Vân Thoa, Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng Ban Chính sách - Luật pháp, Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học Qơ quan TƯ Hội, chủ trì Hội thảo.

Đông đảo đại biểu đại diện các Bộ, Ban, ngành, đoàn thể, cơ quan Ttrung ương; các học giả, nhà khoa học; các ban, đơn vị thuộc TƯ Hội LHPN Việt Nam tham dự Hội thảo.

Ngày 3/3/2021, Chính phủ đã ban hành Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2030. Đây là Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới lần thứ hai (sau Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020) thể hiện rõ những nỗ lực của Việt Nam trong việc thực hiện cam kết của quốc gia thành viên đối với các công ước và luật pháp quốc tế về bình đẳng giới, đồng thời là một công cụ quan trọng để Việt Nam thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hiệp quốc đến năm 2030, đảm bảo sự tiến bộ, công bằng, văn minh, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Chiến lược gồm 20 chỉ tiêu thuộc 6 lĩnh vực, trong đó các chỉ tiêu đều được xác định theo 2 mốc thời gian cụ thể là năm 2025 và 2030, thể hiện rõ tính định hướng trong tổ chức thực hiện. Năm 2025 là năm quan trọng để nhìn nhận việc đạt được các mục tiêu của giai đoạn 5 năm đầu triển khai, đánh giá việc tổ chức thực hiện, cũng như có những giải pháp hiệu quả để đạt được các mục tiêu đặt ra cho giai đoạn 2026-2030.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hòa, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, phát biểu tại Hội thảo

Bà Nguyễn Thị Thanh Hòa, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, phát biểu tại Hội thảo

Sau 5 năm triển khai Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới Giai đoạn 2021 - 2030, Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả ấn tượng: 13/20 chỉ tiêu đạt và vượt so với mục tiêu đề ra đến năm 2025. Thành tựu đáng kể này đã góp phần thu hẹp khoảng cách giới trong nhiều lĩnh vực, như: trao quyền cho phụ nữ trong lĩnh vực chính trị, giảm khoảng cách giới trong lĩnh vực kinh tế, lao động, việc làm; nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ, tăng cường sự tiếp cận của phụ nữ nghèo ở nông thôn, phụ nữ người dân tộc thiểu số đối với các nguồn lực kinh tế, thị trường lao động; chú trọng phát triển nguồn nhân lực nữ chất lượng cao; sức khỏe của phụ nữ ngày càng cải thiện và trình độ học vấn ngày càng cao hơn…, đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hiền cho biết, Hội LHPN Việt Nam đã có nhiều nỗ lực, sáng kiến trong tham gia triển khai Chiến lược, đóng góp quan trọng vào việc thực hiện mục tiêu bình đẳng giới của Việt Nam như: Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy của xã hội về bình đẳng giới, xóa bỏ định kiến giới; tích cực tham mưu đề xuất và tham gia xây dựng chính sách, pháp luật về bình đẳng giới; tham gia giám sát việc thực thi pháp luật và thực hiện phản biện xã hội đối với chính sách, pháp luật về bình đẳng giới; thúc đẩy lồng ghép giới trong văn bản quy pháp pháp luật, góp phần hoàn thiện chính sách pháp luật về bình đẳng giới; Tổ chức các hoạt động hỗ trợ phụ nữ góp phần thực hiện mục tiêu bình đẳng giới trong các lĩnh vực…

"Hội thảo khoa học "Mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2025: Thực trạng và hàm ý chính sách" là dịp để nhìn nhận, đánh giá tổng quát kết quả 5 năm thực hiện Chiến lược lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2030; xem xét vai trò, trách nhiệm của tổ chức Hội LHPN Việt Nam đối với các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới làm cơ sở kiến nghị, đề xuất giải pháp và điều chỉnh phù hợp nhằm thực hiện tốt trách nhiệm của Hội tại Chiến lược, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu, mục tiêu của Chiến lược nói riêng, tích cực thúc đẩy bình đẳng giới nói chung", Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hiền nhấn mạnh.

ThS. Lê Khánh Lương, Vụ trưởng Vụ công tác thanh niên và Bình đẳng giới, Bộ Nội vụ, phát biểu tại Hội thảo

ThS. Lê Khánh Lương, Vụ trưởng Vụ công tác thanh niên và Bình đẳng giới, Bộ Nội vụ, phát biểu tại Hội thảo

Hội thảo đã thu hút nhiều ý tham luận, báo cáo nghiên cứu của các chuyên gia, học giả, nhà quản lý, nhà nghiên cứu về công tác bình đẳng giới. Nhiều vấn đề quan trọng được đề cập tại hội thảo như: Mục tiêu, kết quả thực hiện Mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2025, phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, các vấn đề giới cần quan tâm; công tác cán bộ nữ và thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị trong bối cảnh thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, sáp nhập đơn vị hành chính; các yếu tố tác động của bối cảnh hiện nay đến việc thực hiện mục tiêu bình đẳng giới và những vấn đề đặt ra đến năm 2030; nâng cao chất lượng công tác thống kê, thông tin, báo cáo về bình đẳng giới…

Trong phần thảo luận, các đại biểu tham dự hội thảo đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm hay trong thực hiện các mục tiêu về bình đẳng giới tại đơn vị; phân tích thực trạng, nguyên nhân, hạn chế trong công tác bình đẳng giới hiện nay…

Nhiều vấn đề nóng trong đời sống xã hội được các đại biểu đề cập để cùng bàn thảo, tìm giải pháp tháo gỡ, góp phần thực hiện thành công Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2030 như: các hình thái bạo lực đối với người cao tuổi; thực trạng bạo lực và xâm hại trẻ em; bất bình đẳng giới trong gia đình; sự cần thiết lồng ghép giới trong quá trình xây dựng chính sách, kế hoạch; thách thức trong công tác cán bộ nữ hiện nay…

Đặc biệt, các đại biểu đã đưa ra dự báo và nhiều đề xuất giải pháp phù hợp, giúp Hội LHPN Việt Nam có thể đóng góp tích cực, hiệu quả hơn nữa đối với việc thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới đến năm 2030 trong bối cảnh mới, thiết thực góp phần thúc đẩy bình đẳng giới ở Việt Nam.

Các đại biểu phát biểu, thảo luận tại Hội thảo

Chỉ số xếp hạng về bình đẳng giới của Việt Nam năm 2024 đạt vị trí thứ 72 trong số 146 quốc gia tham gia xếp hạng (Diễn đàn kinh tế thế giới/WEF, 2024), tăng 15 bậc so với năm đầu triển khai Chiến lược (năm 2021 Việt Nam xếp thứ 87/144 quốc gia). Với những thành tựu này, Việt Nam được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá là 1 trong số 10 quốc gia thực hiện tốt nhất mục tiêu số 5 về thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái trong các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc.

Việt Nam đã được tất cả thành viên Hội đồng Kinh tế-Xã hội Liên Hợp Quốc (ECOSOC) nhất trí đồng thuận bầu vào Hội đồng Chấp hành Cơ quan Liên Hợp Quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women- ngày 9/4/2024) nhiệm kỳ 2025-2027.

HKD

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/hoi-lhpn-viet-nam-ban-giai-phap-thuc-hien-hieu-qua-muc-tieu-quoc-gia-ve-binh-dang-gioi-20250506114920473.htm