Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Lương Năng: Điểm tựa giúp hội viên phát triển kinh tế

Những năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Lương Năng, huyện Văn Quan đã triển khai hiệu quả nhiều giải pháp hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế. Qua đó, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống hội viên phụ nữ trên địa bàn.

Gia đình chị Lương Thị Hằng, thôn Nà Thang, xã Lương Năng là hộ tiên phong phát triển mô hình trồng rừng trên địa bàn xã. Chị Hằng cho biết: Trước đây, gia đình tôi chủ yếu làm ruộng, thu nhập bấp bênh. Được sự hướng dẫn của cán bộ Hội LHPN xã, năm 2017, tôi đã mạnh dạn vay 30 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) để đầu tư trồng rừng. Sau thời gian chăm sóc, năm 2023, gia đình tôi tiến hành khai thác 3 ha rừng keo, bạch đàn, đem lại thu nhập gần 100 triệu đồng. Hiện gia đình đã trồng mới trên diện tích rừng vừa khai thác, đồng thời tích cực chăm sóc 5 ha rừng keo, bạch đàn dự kiến sẽ cho thu hoạch vào năm sau.

Chị Trần Thị Bông, thôn Bản Téng kiểm tra chất lượng hương thành phẩm trước khi xuất bán

Chị Trần Thị Bông, thôn Bản Téng kiểm tra chất lượng hương thành phẩm trước khi xuất bán

Còn gia đình chị Trần Thị Bông, thôn Bản Téng nhờ được tham gia các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật do Hội LHPN xã phối hợp tổ chức và được vay vốn ưu đãi, gia đình chị đã chủ động mở rộng quy mô phát triển sản xuất hương để phục vụ nhu cầu của khách hàng. Chị Bông cho biết: Năm 2003, qua học tập mô hình làm hương tại tỉnh Bắc Giang, gia đình tôi đã mở xưởng sản xuất. Tuy nhiên thời điểm đó, gia đình sản xuất hoàn toàn bằng phương pháp thủ công nên sản lượng đạt thấp, chất lượng chưa cao. Năm 2017, gia đình tôi vay 50 triệu đồng từ NHCSXH để xây dựng xưởng, lắp đặt hệ thống điện, đầu tư máy móc sản xuất. Năm 2023, gia đình tiếp tục vay 100 triệu đồng từ NHCSXH để đầu tư hệ thống máy móc như: máy nghiền, máy nén, máy trộn… Hiện trung bình mỗi ngày gia đình tôi sản xuất khoảng 2.000 bó hương (90 que/bó). Từ sản xuất hương, trung bình mỗi năm gia đình tôi có thu nhập từ 150 đến 180 triệu đồng. Ngoài ra, cơ sở sản xuất của gia đình còn tạo việc làm ổn định cho từ 8 đến 10 lao động địa phương với mức thu nhập 250.000 đồng/người/ngày.

Không chỉ chị Hằng, chị Bông, những năm qua, các chị em phụ nữ trên địa bàn xã đều được Hội LHPN xã quan tâm, hỗ trợ phát triển kinh tế gia đình. Bà Nông Thị Nhép, Chủ tịch Hội LHPN xã cho biết: Hội LHPN xã hiện có 280 hội viên, tham gia sinh hoạt tại 5 chi hội. Thời gian qua, để giúp đỡ hội viên phát triển kinh tế hiệu quả, hội tập trung hỗ trợ, hướng dẫn hội viên vay vốn ưu đãi; phối hợp tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, lớp đào tạo nghề ngắn hạn. Cùng với đó, hội thường xuyên rà soát các hộ hội viên nghèo và hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ để có các hình thức hỗ trợ phù hợp. Cụ thể như Hội LHPN xã đã thành lập tổ nhóm tiết kiệm hỗ trợ vốn phát triển sản xuất cho hội viên có hoàn cảnh khó khăn; vận động chị em giúp nhau về nguồn vốn đầu tư, ngày công, hỗ trợ cây, con giống; tổ chức các hoạt động để chị em chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt... Từ năm 2023 đến nay, Hội LHPN xã đã hỗ trợ trên 300 cây hồi giống cho hội viên phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn; hỗ trợ gần 40 ngày công lao động... Qua đó, không chỉ giúp đỡ, động viên chị em phụ nữ phát triển kinh tế mà còn gắn kết tình đoàn kết giữa các hội viên.

Bên cạnh đó, hằng năm, Hội LHPN xã phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hội viên phụ nữ. Từ năm 2023 đến nay, Hội LHPN xã đã phối hợp mở lớp dạy nghề cho gần 40 hội viên phụ nữ; tổ chức 4 lớp tập huấn, hướng dẫn về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho trên 160 hội viên…

Ngoài ra, hiện nay Hội LHPN xã đang quản lý 5 tổ tiết kiệm và vay vốn với tổng dư nợ trên 6,3 tỷ đồng cho 103 hộ vay từ nguồn vốn NHCSXH. Nguồn vốn vay được sử dụng đúng mục đích, tạo điều kiện cho hội viên vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng với các mô hình: trồng keo, bạch đàn; mô hình trồng và chăm sóc hồi; chăn nuôi trâu, bò vỗ béo; mô hình sản xuất hương…

Với những cách làm đó, trên địa bàn xã xuất hiện các mô hình phát triển kinh tế của hội viên phụ nữ đem lại hiệu quả cao. Hiện nay, toàn xã có 20 mô hình kinh tế của hội viên phụ nữ có thu nhập từ 100 triệu đồng/năm trở lên; tỷ lệ hội viên khá, giàu chiếm gần 50%.

Bà Hoàng Hương Liễu, Chủ tịch Hội LHPN huyện Văn Quan cho biết: Nhiều năm qua, xã Lương Năng thực hiện chỉ tiêu về công tác hội và phong trào phụ nữ đều đạt và vượt theo kế hoạch đề ra. Cùng với đó, Hội LHPN xã đã triển khai nhiều chương trình thiết thực hỗ trợ hội viên phụ nữ, từ đó tạo sự đoàn kết giữa các hội viên của hội. Từ đầu nhiệm kỳ (năm 2021) đến nay, Hội LHPN xã Lương Năng đã hỗ trợ, giúp đỡ được 22 hộ hội viên vươn lên thoát nghèo, 9 hộ thoát cận nghèo. Đây là tổ chức hội cơ sở có nhiều hoạt động quan tâm, hỗ trợ hội viên vượt khó, vươn lên phát triển kinh tế điển hình trên địa bàn huyện.

Với những hoạt động thiết thực đó, đầu năm 2024, Hội LHPN xã Lương Năng vinh dự được Hội LHPN Việt Nam tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong thực hiện phong trào thi đua và công tác hội năm 2023.

LIỄU CHANG

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/hoi-lien-hiep-phu-nu-xa-luong-nang-diem-tua-giup-hoi-vien-phat-trien-kinh-te-5014984.html