Hội Luật gia Việt Nam - 68 năm xây dựng và phát triển
Hội Luật gia Việt Nam đã vinh dự được Đảng và Nhà nước trao tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất vào dịp kỷ niệm 40 năm Ngày thành lập, Huân chương Hồ Chí Minh nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập...
Hội Luật gia Việt Nam được thành lập ngày 4.4.1955, theo Nghị định số 130/NV/DC/NĐ của Bộ Nội vụ. Từ chỗ chỉ có 40 hội viên, đến nay, Hội đã có hơn 67.500 hội viên. Trong các giai đoạn phát triển, các cấp Hội và hội viên Hội Luật gia Việt Nam luôn nỗ lực phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ được giao, nhiều hội viên của Hội được giao những cương vị trọng yếu trong các cơ quan cấp cao của Đảng và Nhà nước; hoạt động của Hội ngày càng phong phú, đa dạng, chất lượng, hiệu quả ngày càng cao, được lãnh đạo Đảng và Nhà nước ghi nhận, bạn bè quốc tế trân trọng.
Với những đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng của đất nước, Hội Luật gia Việt Nam đã vinh dự được Đảng và Nhà nước trao tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất vào dịp kỷ niệm 40 năm Ngày thành lập, Huân chương Hồ Chí Minh nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập và nhiều phần thưởng cao quý khác.
Ngày đầu mới thành lập
Sau thắng lợi của Cách mạng tháng Tám, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được ra đời, mở đầu một thời đại lịch sử mới của dân tộc Việt Nam, thời đại Hồ Chí Minh. Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bên cạnh các nhà hoạt động chính trị được phân công nhiệm vụ xây dựng chính quyền mới, một số luật gia, sinh viên Trường đại học Luật Đông Dương và một số luật gia được đào tạo tại các trường đại học Pháp cũng tích cực tham gia vào sự nghiệp xây dựng chính quyền mới. Ngay trong những năm đầu dựng nước (1945 - 1946), đội ngũ luật gia Việt Nam yêu nước đã hình thành trong bộ máy chính quyền mới từ Trung ương đến cơ sở.
Tháng 12.1946, hưởng ứng lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhiều luật gia Việt Nam không quản ngại hy sinh, gian khổ đã hăng hái dấn thân vào cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp để giành độc lập. Một số luật gia tiêu biểu có vinh dự được Hồ Chủ tịch giao những trọng trách trong Chính phủ như các luật sư Phan Anh, Vũ Trọng Khánh, Nguyễn Văn Hưởng, Trần Công Tường, các luật gia Dương Đức Hiền, Vũ Đình Hòe. Được tôi luyện trong cuộc kháng chiến, đội ngũ luật gia cách mạng từng bước trưởng thành.
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ (7.5.1954), thực dân Pháp đã phải ký Hiệp định Geneve công nhận nền độc lập và thống nhất của Việt Nam. Tuy nhiên hai miền Bắc, Nam của Tổ quốc vẫn tạm thời bị chia cắt. Với âm mưu biến miền Nam thành một thuộc địa kiểu mới, đế quốc Mỹ đã không ngừng tiếp tay cho ngụy quyền miền Nam phá hoại Hiệp định. Nhiệm vụ tham gia cùng nhân dân cả nước đấu tranh để thực hiện Hiệp định Geneve đã có sức lôi cuốn mạnh mẽ các luật gia yêu nước.
Được sự động viên, khuyến khích của Đảng và Nhà nước, ngày 29.3.1955, khoảng 40 luật gia ở các ngành khác nhau tham gia hội nghị thành lập Hội Luật gia Việt Nam. Hội nghị đã thông qua Điều lệ Hội và bầu luật sư Phan Anh làm Chủ tịch Hội. Ngay sau đó, ngày 4.4.1955, Chính phủ đã công nhận việc thành lập Hội và Điều lệ của Hội bằng Nghị định số 130/NĐ-NV. Ngày 4.4.1955 đã đi vào lịch sử vẻ vang của Hội, là ngày thành lập và ngày truyền thống của Hội Luật gia Việt Nam.
Xây dựng tổ chức Hội vững mạnh toàn diện
Từ ngày thành lập đến nay, Hội Luật gia Việt Nam đã trải qua 13 kỳ đại hội đại biểu toàn quốc và không ngừng phát triển, trưởng thành về mọi mặt. Tại một số kỳ đại hội, điều lệ Hội được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với điều kiện chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước và tính chất, đặc điểm của Hội. Trong mỗi giai đoạn, tuy phương thức tổ chức và hoạt động Hội có những điểm khác nhau nhưng vẫn bảo đảm mục tiêu, tôn chỉ của Hội. Quá trình 68 năm xây dựng, phát triển và trưởng thành, Hội đã trải qua 4 giai đoạn lớn:
Giai đoạn từ năm 1955 đến năm 1980: Giai đoạn hình thành tổ chức, xây dựng điều lệ hội, khẳng định tính chất, vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Hội, từng bước xây dựng tổ chức, phát triển hội viên, mở rộng các hoạt động của Hội, tham gia tích cực vào cuộc đấu tranh pháp lý bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.
Giai đoạn từ năm 1980 đến năm 2004: Giai đoạn củng cố và phát triển tổ chức, xây dựng Hội Luật gia Việt Nam thực sự là một tổ chức nghề nghiệp mang tính chính trị, xã hội sâu sắc của những người hoạt động trong lĩnh vực pháp luật; mở rộng và nâng cao chất lượng hoạt động của Hội, tham gia tích cực vào quá trình đổi mới tư duy pháp lý, xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế.
Giai đoạn từ năm 2004 đến năm 2014: Giai đoạn đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động, xây dựng Hội Luật gia Việt Nam trở thành tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp, tham gia tích cực vào các quá trình thực hiện chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, xây dựng kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế.
Giai đoạn từ 2014 đến nay: hệ thống tổ chức Hội gồm có: 63 Hội Luật gia các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và 52 Chi hội Luật gia trực thuộc Trung ương Hội; 483 Hội Luật gia các huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, trong đó có 22 Hội được thành lập mới trong nhiệm kỳ; 671 Chi hội Luật gia trực thuộc Hội Luật gia các tỉnh, thành phố, trong đó có 91 Chi hội Luật gia được thành lập mới trong nhiệm kỳ; hơn 2.500 Chi hội Luật gia xã, phường, thị trấn, trong đó có 561 Chi hội Luật gia thành lập mới trong nhiệm kỳ. Tổng số hội viên Hội Luật gia Việt Nam hiện nay là hơn 67.500 người, trong đó số hội viên được kết nạp mới trong giai đoạn này là hơn 19.000 người. Cùng với việc tăng cường về số lượng, các cấp Hội cũng quan tâm đến bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp để nâng cao chất lượng hội viên nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của Hội.
Trên cơ sở bám sát các quan điểm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Chính phủ, Hội Luật gia Việt Nam đổi mới toàn diện, phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, hướng về cơ sở, xây dựng và phát triển tổ chức Hội Luật gia Việt Nam ngày càng vững mạnh, xây dựng đội ngũ luật gia giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, vững vàng về chính trị tư tưởng, tận tụy với nghề, vì dân, vì công lý. Nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của Hội Luật gia Việt Nam trong giai đoạn mới, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp phát huy dân chủ, xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa, bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế theo đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Chỉ thị số 14-CT/TW, ngày 1.7.2022 về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Hội Luật gia Việt Nam trong tình hình mới quy định: “Tổ chức Hội Luật gia là tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, hoạt động dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ cho Hội Luật gia Việt Nam nhằm phát huy tích cực vai trò các cấp Hội, hội viên Hội Luật gia tham gia xây dựng phát triển đất nước, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc”.
Phát huy vai trò của tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Phát huy dân chủ, xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa, bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Hướng tới thực hiện tốt mục tiêu trên, trong thời gian tới, Hội Luật gia Việt Nam tiếp tục phấn đấu thực hiện tốt những công tác chủ yếu sau:
Nâng cao nhận thức của các cấp Hội và hội viên về tính chất, vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Hội Luật gia Việt Nam. Tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện tốt các quan điểm, định hướng, nội dung của Chỉ thị số 14-CT/TW, ngày 1.7.2022 của Bộ Chính trị về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Hội Luật gia Việt Nam trong tình hình mới; Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 30.8.2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường thực hiện các giải pháp nhằm hỗ trợ, phát huy tốt vai trò của Hội Luật gia Việt Nam trong giai đoạn mới; đồng thời tổ chức học tập, quán triệt đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước để vận dụng, xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch hoạt động cụ thể của mỗi cấp Hội phù hợp với tính chất, chức năng, nhiệm vụ của Hội.
Đẩy mạnh công tác tổ chức, cán bộ và hội viên. Tiếp tục củng cố, phát triển hệ thống Hội Luật gia Việt Nam là một tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp vững mạnh, thống nhất; tăng cường công tác bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ và kỹ năng công tác Hội, nâng cao trình độ, trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp của cán bộ Hội và hội viên.
Chủ động triển khai toàn diện các mặt hoạt động, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao theo chức năng, nhiệm vụ của Hội, đồng thời tổ chức thực hiện tốt những nhiệm vụ đột xuất được Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền địa phương giao; chú trọng mở rộng và thực hiện tốt hơn nữa các nhiệm vụ trọng tâm và Hội có thế mạnh như: tham gia xây dựng chính sách, pháp luật; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý, tư vấn giải quyết khiếu nại; tham gia giám sát việc thi hành pháp luật, đấu tranh phòng chống vi phạm pháp luật; tham gia cải cách tư pháp, cải cách hành chính; đấu tranh bảo vệ chủ quyền đất nước, bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.
Đổi mới nội dung, phương thức tổ chức và hoạt động, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cấp Hội. Tiếp tục thực hiện tốt chủ trương hướng về cơ sở, phối hợp tổ chức các hoạt động chung để thu hút và tập trung được trí tuệ của đội ngũ luật gia cả nước về những vấn đề quan trọng. Thực hiện tốt chế độ thông tin, báo cáo, kịp thời báo cáo với cấp ủy, chính quyền về tình hình công tác của Hội.