Hội Nghề cá phản đối Trung Quốc xâm phạm chủ quyền biển đảo Việt Nam
Ngày 5.11, Hội Nghề cá Việt Nam đã gửi công văn đến Văn phòng Chính phủ, Bộ Ngoại giao... bày tỏ sự phản đối việc Trung Quốc đưa tàu cá xâm phạm chủ quyền biển đảo Việt Nam.
Công văn cho biết, theo phản ánh của hội viên, ngư dân hội nghề cá một số tỉnh miền Trung, Hội Nghề cá tỉnh Khánh Hòa, thời gian gần đây phía Trung Quốc đưa tàu vào xâm phạm lãnh hải cụm đảo Sinh Tồn Đông, quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Theo Hội Nghề cá Việt Nam, việc Trung Quốc đưa tàu vào đảo Trường Sa còn vi phạm các quyền và lợi ích hợp pháp, gây cản trở sản xuất và gây hoang mang về tâm lý cho ngư dân Việt Nam khi đi sản xuất trên biển.
Theo đó, Hội Nghề cá Việt Nam kịch liệt phản đối hành động phi lý của phía Trung Quốc. Hành vi này đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền và quyền tài phán đối với quần đảo Trường Sa và các vùng biển của Việt Nam; vi phạm các quyền và lợi ích hợp pháp, gây cản trở sản xuất trên biển của ngư dân Việt Nam; vi phạm luật pháp quốc tế, trong có có Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 và các văn bản pháp lý quốc tế liên quan và đi ngược lại tinh thần, nội dung Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông.
Hội Nghề cá yêu cầu Trung Quốc rút tàu khỏi các vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Hội Nghề cá Việt Nam đề nghị các cơ quan chức năng cũng như các tổ chức liên quan có biện pháp phản đối mạnh mẽ, yêu cầu phía Trung Quốc chấm dứt hành động ngang ngược vi phạm chủ quyền biển Việt Nam; đồng thời đề nghị cơ quan chức năng thường xuyên tăng cường các lực lượng chấp pháp trên biển để hỗ trợ và bảo vệ ngư dân khi hoạt động trên vùng biển.
Về thông tin ảnh vệ tinh cho thấy đội tàu của Trung Quốc đang hiện diện trở lại trong cụm Sinh Tồn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Tại họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Việt Nam ngày 4.11, Phó phát ngôn của Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng cho biết: “Như đã nhiều lần khẳng định, Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và chứng cứ lịch sử để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế, được hưởng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển của mình được xác lập phù hợp với Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982)”.
Theo bà Phạm Thu Hằng, Việt Nam kiên quyết, kiên trì thực hiện các biện pháp phù hợp với luật pháp quốc tế để bảo vệ các quyền hợp pháp và chính đáng đó.
“Việc các tàu Trung Quốc hoạt động trong phạm vi lãnh hải Sinh Tồn Đông thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, vi phạm các quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 UNCLOS 1982 và đi ngược lại tinh thần của Tuyên bố của các bên ở biển Đông (DOC). Việt Nam yêu cầu Trung Quốc rút tàu cá khỏi khu vực nói trên và tôn trọng chủ quyền của Việt Nam”, bà Phạm Thu Hằng nhấn mạnh.