Hội nghị An ninh Munich 2023: Bài toán khó cho hòa bình
Như chính Chủ tịch Hội nghị An ninh Munich (MSC) 2023 Christoph Heusgen đánh giá trong bài phát biểu bế mạc, MSC năm nay 'thể hiện sự đoàn kết xuyên Đại Tây Dương'. Những cam kết mạnh mẽ về việc duy trì các khoản viện trợ quân sự cho Chính phủ Ukraine trở thành tâm điểm đáng chú ý nhất trong 3 ngày MSC diễn ra (từ 17 đến 19/2), chứ không phải những gợi ý tìm kiếm các giải pháp hòa bình.
Và, với bối cảnh chung thiếu vắng sự tham dự cũng như tiếng nói của đại diện không ít các quốc gia đang đóng những vai trò quan trọng tại các điểm nóng toàn cầu, ở khá nhiều khía cạnh, MSC lần này thực chất có thể xem là một cuộc tập hợp lực lượng của riêng thế giới phương Tây. Qua đó, những lằn ranh địa chính trị vô hình dường như lại càng trở nên đậm nét hơn.
Con đường một chiều
Được tổ chức thường niên từ năm 1963 tới nay, Hội nghị An ninh Munich tuy không phải là nơi đề ra chính sách, chiến lược, không thể giải quyết tất cả vấn đề an ninh đang đặt ra, nhưng vẫn luôn được coi là diễn đàn quan trọng để các nhà lãnh đạo, các bên đối thoại cấp cao tăng cường sự hiểu biết, tin cậy, thảo luận các biện pháp giảm đối đầu, căng thẳng, đối phó với các thách thức, nguy cơ, nhằm bảo vệ môi trường an ninh quốc tế.
Vấn đề là, ở lần tổ chức năm nay, không có bất cứ đại diện nào của nước Nga được mời tham dự MSC, bất kể việc chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở miền Đông Ukraine đã được giới quan sát quốc tế dự báo sẽ là chủ đề chính trùm phủ lên mọi cuộc thảo luận của MSC 2023.
Không chỉ Nga, MSC 2023 còn thiếu vắng sự hiện diện của các đối thủ chính trị lớn khác, những “cái gai trong mắt” phương Tây, như CHDCND Triều Tiên hay Iran. Thành phần tham dự, ở đây, tự thân nó gián tiếp bộc lộ khá nhiều khía cạnh. Ở diễn đàn MSC lần này, sẽ chỉ có một “tone giọng” chủ đạo. Đó là điều bất cứ nhà phân tích quốc tế nào cũng có thể hình dung, ngay khi các cuộc thảo luận còn chưa bắt đầu.
Diễn ra từ ngày 17 đến 19/2 tại khách sạn hạng sang Bayerischer Hof, thành phố Munich, Đức, hội nghị năm nay quy tụ 850 đại biểu, trong đó có khoảng 40 nguyên thủ quốc gia, 50 bộ trưởng ngoại giao và 25 bộ trưởng quốc phòng đến từ khắp nơi trên thế giới, đại diện của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), các lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU), cùng các tổ chức quốc tế khác...
Nổi bật trong số đó, có thể kể tới Thủ tướng nước chủ nhà Đức Olaf Scholz và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron -những nhà lãnh đạo của hai quốc gia dẫn dắt Liên minh châu Âu (EU), Thủ tướng Italy Giorgia Meloni, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg... Về phía Mỹ, phái đoàn do Phó Tổng thống Kamala Harris dẫn đầu cũng đến Munich với số lượng thành viên lớn nhất trong lịch sử. Không tham dự MSC nhưng ngay sau hội nghị, Tổng thống Mỹ cũng có chuyến công du sang Kyiv và gặp gỡ Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.
Do đó, hiển nhiên, mặc dù nhiều nội dung của hội nghị được công bố không đề cập rõ ràng đến Ukraine, song phần lớn nội dung các cuộc thảo luận xoay quanh chiến sự ở Ukraine, cũng như hậu quả đi kèm. Một chủ đề bao trùm nữa là tái cấu trúc toàn cầu, trong đó đáng chú ý là trật tự an ninh ở châu Âu.
Theo hãng tin Đức DW, trong bài phát biểu được ghi hình gửi tới phiên khai mạc hội nghị năm nay, Tổng thống Ukraine Zelensky kêu gọi các đồng minh tăng tốc hỗ trợ quân sự cho Kyiv. Và, khi phát biểu tại phiên khai mạc MSC 2023 ngày 17/2, Thủ tướng Đức Olaf Scholz hối thúc các nước phương Tây hỗ trợ thêm xe tăng hiện đại cho Ukraine (dù trước đây chính Đức là quốc gia tỏ ra khá thận trọng về vấn đề này). Ông Scholz cho rằng cuộc chiến ở Ukraine có thể sẽ còn kéo dài, đồng thời cam kết tiếp tục hỗ trợ đào tạo, vật tư và hậu cần.
Cũng tại phiên khai mạc, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhấn mạnh: Hiện không phải là thời điểm để đối thoại. Mục tiêu của Pháp và châu Âu giờ đây là gia tăng các biện pháp trừng phạt Nga và tăng cường sự ủng hộ về chính trị, quân sự và nhân đạo dành cho Ukraine, giúp Ukraine giành ưu thế để buộc nước Nga quay trở lại bàn đàm phán.
Phát biểu trong ngày làm việc thứ hai của hội nghị, hôm 18/2, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đề nghị EU đặt mục tiêu tăng cường hợp tác trong ngành công nghiệp quốc phòng, nhằm đẩy nhanh và mở rộng quy mô sản xuất đạn dược để bổ sung kho dự trữ quân sự trong khối cũng như hỗ trợ cho Ukraine. Bà nhấn mạnh: “Chúng ta cần tăng tốc độ sản xuất và mở rộng quy mô sản xuất những loại vũ khí mà Ukraine đang rất thiếu, ví dụ như các loại đạn dược”.
Như vậy, có thể thấy, thực chất, chẳng có cuộc đối thoại thẳng thẳn nào giữa các quan điểm đối lập nhằm tháo gỡ những mâu thuẫn và bế tắc, để tìm kiếm hướng khả thi giải quyết xung đột địa chính trị ở Ukraine cũng như các vấn đề liên quan đến an ninh toàn cầu khác, trong chương trình nghị sự chính thức của MSC 2023.
Trật tự mới đang hình thành
Bên lề hội nghị cũng đã diễn ra nhiều cuộc thảo luận song phương và đa phương được dư luận quốc tế quan tâm, trong đó đáng chú ý là các cuộc gặp có sự tham dự của đại diện Mỹ, Trung Quốc, Đức, Pháp, Nhật hay Hàn Quốc.
Đơn cử, cuộc tiếp xúc không chính thức giữa Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Vương Nghị với Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken (ngày 18/2). Theo một số nguồn tin, tại cuộc gặp này, ông Vương Nghị đã khẳng định rõ lập trường chính thức của Trung Quốc về vụ việc Mỹ bắn hạ vật thể bay được cho là khinh khí cầu của Trung Quốc. Ông Vương Nghị cũng hối thúc phía Mỹ cần thay đổi phương hướng, thừa nhận và khắc phục thiệt hại do việc sử dụng vũ lực quá mức gây ra trong quan hệ Trung-Mỹ. Ngược lại, Ngoại trưởng Blinken đã "rất trực diện và thẳng thắn" tại cuộc gặp. Có thể hiểu, quan hệ Mỹ - Trung vẫn đang ở mức độ căng thẳng đáng kể.
Ở một diễn biến khác, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đề nghị các nước thành viên EU tiếp tục hợp tác để đảm bảo sản xuất vaccine COVID-19 với số lượng lớn. Không chỉ vậy, liên quan đến tình hình an ninh năng lượng, bà cho rằng việc chính quyền Tổng thống Nga Vladimir Putin cắt giảm nguồn cung khí đốt sang châu Âu là một quyết định sai lầm. Theo bà, EU đã nỗ lực đa dạng hóa nguồn cung nhằm đảm bảo an ninh năng lượng, trong bối cảnh Nga cắt giảm 80% nguồn cung sang lục địa này trong vòng 8 tháng qua.
Bên cạnh đó, nhiều chủ đề nóng khác và những thách thức mà thế giới đang phải đối mặt, từ chính trị, kinh tế tới an ninh, quốc phòng, biến đổi khí hậu, môi trường, an ninh lương thực toàn cầu... cũng được thảo luận tại hội nghị. Nhưng, tựu trung, điểm nổi bật vẫn là các diễn ngôn mang tính “cương lĩnh” của phương Tây, mà khuất lấp ở phía dưới là sự chia rẽ của thế giới, trên tiến trình tái hình thành một trật tự mới.
Ở đây, có lẽ không nên bỏ qua việc Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, song song với sự “thể hiện quyết tâm” hỗ trợ Chính phủ Ukraine, cũng nhắc đến nhu cầu về tự chủ quốc phòng của riêng EU. Ông khẳng định: “Châu Âu cần có hệ thống sản xuất trang thiết bị quân sự của riêng mình” và điều đó được hãng tin RFI cho rằng mang hàm ý “nhắn nhủ” đến Thủ tướng Đức Olaf Scholz, “vào lúc Berlin đang xúc tiến mua chiến đấu cơ F-35 và tên lửa Patriot của Mỹ”.
Có lẽ cũng cần nhấn mạnh nhận định của Báo cáo An ninh Munich 2023: Mỗi quốc gia đều đang theo đuổi những mô hình phát triển của riêng mình, gây ra những tổn hại cho trật tự thế giới, bởi các nước đang gia tăng cạnh tranh trên lĩnh vực cơ sở hạ tầng toàn cầu, từ hạ tầng kỹ thuật số, không gian mạng đến thương mại, làm đảo ngược logic cấu trúc thương mại quốc tế, gia tăng sự phân mảnh và xu hướng phi toàn cầu hóa. Hợp tác phát triển cũng không thoát khỏi cạnh tranh có hệ thống khi các vấn đề về y tế, lương thực hay tài chính, khí hậu trở thành các lĩnh vực mà các nước có những toan tính, cạnh tranh với nhau.
Bà Sophie Eisentraut - Trưởng bộ phận nghiên cứu và xuất bản MSC 2023 đánh giá: "Từ sau xung đột tại Ukraine nổ ra, nhiều nhà lãnh đạo nhận định trật tự quốc tế đang ở một thời điểm quan trọng, một ngã tư đường. Các khảo sát của chúng tôi cho thấy, mọi người đều cho rằng thế giới đang ở giai đoạn quan trọng của sự tranh giành trật tự quốc tế. Những điều này đòi hỏi phải xây dựng một tầm nhìn lớn hơn về một nền tự do toàn cầu dựa trên quy tắc, trật tự quốc tế".
Cuối cùng, một thách thức to lớn khác đối với an ninh toàn cầu là trật tự hạt nhân và sự ổn định chiến lược. Các mối đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân ngày càng gia tăng, nhiều nước tiếp tục bổ sung năng lực hạt nhân làm môi trường an ninh ngày càng xấu đi trong khi thiếu các cơ chế kiểm soát.
Theo Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres: "Các quốc gia đang tìm kiếm sự an toàn giả tạo trong việc dự trữ và chi hàng trăm tỷ USD cho vũ khí ngày tận thế. Gần 13.000 vũ khí hạt nhân hiện đang được cất giữ trong các kho vũ khí trên khắp thế giới. Tất cả điều này xảy ra vào thời điểm nguy cơ phổ biến vũ khí hạt nhân đang gia tăng và các biện pháp bảo vệ (để ngăn chặn sự leo thang) đang suy yếu".
Giải pháp cho tất cả các nan đề đó, dĩ nhiên, phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố (đặc biệt là lợi ích cốt lõi của các cường quốc), và chắc chắn là không thể được tìm thấy trong một hội nghị mang nhiều tính “diễn đàn” thể hiện quan điểm như MSC 2023.