Hội nghị An ninh Munich: Vấn đề nào là tâm điểm?

Ngày 17/2, Hội nghị An ninh Munich lần thứ 59 sẽ chính thức khai mạc tại Munich, Đức, với sự tham gia của các nhà lãnh đạo thế giới, Bộ trưởng quốc phòng và nhiều quan chức an ninh, tình báo quốc tế. Hội nghị năm nay được tổ chức trong bối cảnh đầy thách thức, khi cuộc xung đột Nga - Ukraine vẫn đang diễn ra quyết liệt, cạnh tranh Mỹ - Trung ngày càng gay gắt.

Được tổ chức thường niên từ năm 1963 tới nay, Hội nghị An ninh Munich tuy không phải là nơi đề ra chính sách, chiến lược, không thể giải quyết tất cả vấn đề an ninh đang đặt ra, nhưng lại là diễn đàn vô cùng quan trọng để các nhà lãnh đạo, các bên đối thoại cấp cao, tăng cường sự hiểu biết, tin cậy, thảo luận các biện pháp giảm đối đầu, căng thẳng, đối phó với các thách thức, nguy cơ, nhằm bảo vệ môi trường an ninh quốc tế.
Dự kiến, nhiều vấn đề sẽ được đưa ra xem xét tại hội nghị kéo dài 3 ngày này, trong đó nổi lên các vấn đề nóng:

VẤN ĐỀ NÓNG TRÊN BÀN NGHỊ SỰ

Tình hình Ukraine

Quân đội Nga khởi đầu chiến dịch quân sự tại Ukraine chỉ vài ngày sau Hội nghị An ninh Munich 2022. Và sau gần 1 năm xảy ra chiến sự, câu hỏi về khả năng kết thúc xung đột vẫn là chủ đề còn nhiều tranh cãi. Chiến lược hiện tại của quân đội hai nước cho thấy, dường như họ có xu hướng chấp nhận một chiến tranh không hồi kết trong tương lai gần, bất chấp tổn thất và thiệt hại to lớn.

Trong bối cảnh này, các bên vẫn tồn tại nhiều quan điểm trái ngược đối với cuộc chiến. Hiện Chủ tịch của Hội đồng An ninh Munich Christoph Heusgen, ủng hộ việc chuyển giao máy bay chiến đấu cho Ukraine, trong khi phương Tây vẫn còn đang thảo luận.

Tương lai Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO)

Khả năng của NATO trong việc duy trì sự đoàn kết của liên minh trong dài hạn, cũng như vấn đề chia rẽ Đông - Tây ngày càng tăng, có thể sẽ bị xem xét kỹ lưỡng tại hội nghị.

Bên cạnh đó sẽ là các cuộc thảo luận tập trung vào vấn đề mở rộng liên minh NATO để bao gồm cả Thụy Điển và Phần Lan. Đơn xin gia nhập NATO của Ukraine có thể cũng sẽ được thảo luận nhưng dự kiến sẽ không dẫn đến bất kỳ quyết định nào trong thời gian ngắn.

Năng lượng và khí hậu

Năng lượng cũng là một chủ đề quan trọng, khi các quốc gia cam kết lựa chọn năng lượng xanh đang bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng an ninh năng lượng. Bên cạnh đó, các nước châu Âu sẽ tiếp tục thảo luận Đạo luật Giảm lạm phát của Mỹ. Hội nghị cũng có thể tập trung vào tính cấp bách trong việc tăng cường khả năng phục hồi trước các tác động của khí hậu, như di cư, đặc biệt là ở những khu vực trên toàn cầu đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu, chẳng hạn như châu Phi và Đông Nam Á.

Thực hiện : Hồng Nhung

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/hoi-nghi-an-ninh-munich-van-de-nao-la-tam-diem