Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 12, khóa XI (mở rộng): Vượt thách thức, phục hồi nhanh
Linh hoạt điều hành thu ngân sách
Báo cáo tình hình thu chi ngân sách Nhà nước 3 tháng đầu năm 2022 tại hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 12, khóa XI (mở rộng) vào sáng qua (31-3), đồng chí Hà Văn Út, Giám đốc Sở Tài chính, cho biết trong quý I, thu ngân sách ước thực hiện 16.826 tỷ đồng, đạt 28% dự toán HĐND, bằng 85% so với cùng kỳ năm 2021. So với quý I-2021, thu ngân sách quý I-2022 giảm cả về cơ cấu tương đối lẫn tuyệt đối, trong đó thu nội địa giảm sâu. Đối với tỉnh, mặc dù dịch bệnh Covid-19 cơ bản được kiểm soát từ tháng 10-2021 và các hoạt động sản xuất, kinh doanh từng bước thích ứng trở lại trạng thái “bình thường mới”, tuy nhiên do giai đoạn đầu các doanh nghiệp mới đi vào phục hồi, cùng với kết quả khó khăn của cả năm 2021 nên kết quả thu nội địa quý I-2022 giảm sâu.
Đồng chí Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: QUỐC CHIẾN
Phân tích một số nguyên nhân ảnh hưởng đến thu ngân sách trong quý I-2022 và nhìn nhận một số tác động tiêu cực đến công tác thu ngân sách trong thời gian tới như diễn biến dịch bệnh Covid-19 vẫn còn phức tạp, khó lường, tác động dịch bệnh làm tăng chi phí của các doanh nghiệp, Trung ương tiếp tục ban hành các chính sách tài khóa tiền tệ theo Nghị quyết 43 của Quốc hội, tình hình thế giới còn diễn biến phức tạp tác động đến hoạt động xuất nhập khẩu... chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến thu ngân sách trên địa bàn.
Mặc dù vậy, theo Giám đốc Sở Tài chính, tình hình thu ngân sách năm 2022 vẫn có những mặt sáng tích cực, đó là hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp cơ bản ổn định từ quý IV- 2021 và tin tưởng sẽ duy trì tăng trưởng tốt trong các quý của năm 2022. Đây sẽ là tiền đề quan trọng cho việc thu ngân sách. Yếu tố tiếp theo đó là hiệu quả của các chính sách tài khóa tiền tệ theo nghị quyết của Quốc hội. Theo đó, mặc dù chắc chắn trong trước mắt sẽ giảm thu nhưng về lâu dài những chính sách này sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển thì nguồn thu sẽ được bù đắp trở lại. Yếu tố tích cực nữa đó là việc tỉnh đưa vào hoạt động các khu công nghiệp (KCN) mới như Việt Nam - Singapore III, KCN Nam Tân Uyên, KCN Cây Trường sẽ thu hút các doanh nghiệp đầu tư. Tiếp đến là việc triển khai các công trình lớn mang tính chất tạo lực trên địa bàn sẽ kích thích các loại hình kinh tế phát triển. Bên cạnh đó, với sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND cùng các cấp, các ngành thì dự toán thu chắc chắn sẽ hoàn thành.
“Căn cứ vào tình hình, bằng mọi cách sẽ phấn đấu hoàn thành dự toán thu ngân sách được giao. Nếu thực hiện quyết liệt nhiệm vụ điều hành thu, chi ngân sách theo chỉ thị của Chủ tịch UBND tỉnh ngay từ đầu năm, thì chắc chắn sẽ điều hành thu chi ngân sách đạt hiệu quả tốt nhất...”, đồng chí Hà Văn Út cho biết.
Đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch
Theo UBND tỉnh, đến nay tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo lập quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 để lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, thống nhất. Ban Chỉ đạo đang cho ý kiến định hướng phương án phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2040 và quy hoạch phát triển chung đô thị, quy hoạch vùng cấp huyện để tích hợp vào quy hoạch chung của tỉnh.
Đồng chí Nguyễn Văn Lợi (bìa phải), Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh và đoàn công tác khảo sát dự án xây dựng tuyến đường Vành đai 4. Ảnh: QUỐC CHIẾN
Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT) Mai Bá Trước cho biết công tác lập quy hoạch tỉnh được xác định là nhiệm vụ chính trị hàng đầu của các cấp, các ngành và hệ thống chính trị trong năm 2022. Nhìn chung, công tác lập quy hoạch hiện còn khá chậm so với nhiều địa phương trong cả nước. “Sở KH-ĐT nhận thấy, đây là quy hoạch tích hợp có tầm nhìn chiến lược nên việc tìm kiếm, lựa chọn tư vấn cần thận trọng để thực hiện tốt nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh. Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh triển khai song song việc đánh giá hiện trạng phát triển cũng như xây dựng định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực, địa phương, giúp cho việc tổ chức lập quy hoạch tỉnh được thuận lợi và nhanh hơn sau khi chọn được đơn vị tư vấn”, đồng chí Mai Bá Trước cho biết.
Trong tháng 3-2022, Sở KH-ĐT đã phối hợp với Becamex IDC mời 6 nhóm liên doanh tư vấn (3 nhóm trong nước và 3 nhóm nước ngoài) tham gia trình bày phương án tổ chức lập quy hoạch tỉnh để tham mưu Ban Chỉ đạo lựa chọn đơn vị tư vấn có đủ năng lực, chất lượng và kinh nghiệm thực hiện.
Liên quan đến công tác lập quy hoạch tỉnh, trong phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, nhấn mạnh cần tập trung thực hiện có hiệu quả công tác quy hoạch giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong tháng 4-2022 phải thực hiện xong việc lựa chọn tư vấn và hoàn chỉnh đề cương quy hoạch cấp tỉnh, đồng thời cho ý kiến quy hoạch cấp huyện, thị, thành phố; khẩn trương hoàn thành công tác lập quy hoạch đúng tiến độ để trình HĐND tỉnh thông qua.
Liên quan đến công tác đầu tư hạ tầng giao thông trên địa bàn trong thời gian tới, đồng chí Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, nhấn mạnh Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các cấp ủy Đảng phải tập trung lãnh đạo quyết liệt công tác giải phóng mặt bằng, đầu tư hạ tầng và giải ngân vốn đầu tư công. Các tổ công tác thuộc các dự án trọng điểm phải thường xuyên chỉ đạo kiểm tra tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để các dự án đường Vành đai 3, Vành đai 4, dự án cải tạo mở rộng Quốc lộ 13, dự án tạo cảnh quan, chống ùn tắc giao thông đường Mỹ Phước - Tân Vạn, dự án đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Chơn Thành được triển khai đúng tiến độ đề ra.