Hội nghị Ban chấp hành Liên hiệp các Hội UNESCO Thế giới lần thứ 43

Ngày 5/8, tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh đã diễn ra Hội nghị Ban chấp hành Liên hiệp các Hội UNESCO Thế giới lần thứ 43 và Hội nghị quốc tế 'Vai trò và đóng góp của Phong trào UNESCO đối với Công nghiệp Văn hóa'. Đây là sự kiện quốc tế đặc biệt quan trọng do Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam đăng cai chủ trì.

Quang cảnh hội nghị.

Quang cảnh hội nghị.

Hội nghị quy tụ 40 đại diện đến từ các quốc gia thành viên Liên hiệp các hội UNESCO Thế giới (WFUCA) như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Italia, Hy Lạp, Kazakhstan, Romania... cùng hàng trăm đại biểu từ các cơ quan, ban, ngành, tổ chức văn hóa, giáo dục, khoa học uy tín tại Việt Nam.

Phát biểu khai mạc hội nghị, nhà ngoại giao, nhà báo Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam nhấn mạnh: Hội nghị này sẽ đánh dấu bước phát triển mới của phong trào UNESCO phi chính phủ trên toàn thế giới, tạo ra những điều kiện mới để tăng cường sự hợp tác giao lưu giữa các Hiệp hội và câu lạc bộ UNESCO các nước thành viên cùng nhau hướng đến những chương trình, hoạt động lớn hơn nữa, lan tỏa mạnh mẽ trên các lĩnh vực giáo dục, khoa học, văn hóa và thông tin truyền thông theo tư tưởng nhân văn trong sáng của UNESCO vì mục tiêu chung của nhân loại.

Nhà ngoại giao, nhà báo Nguyễn Xuân Thắng phát biểu khai mạc hội nghị.

Nhà ngoại giao, nhà báo Nguyễn Xuân Thắng phát biểu khai mạc hội nghị.

Năm 2024 cũng ghi dấu một thập kỷ kể từ khi Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết số 33- NQ/TW của Hội nghị Trung ương 9, khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Từ nghị quyết nói trên, công nghiệp văn hóa không chỉ là nguồn lực tạo ra giá trị kinh tế, góp phần truyền bá di sản văn hóa của một quốc gia mà còn đóng vai trò quan trọng trong chương trình nghị sự cũng như hoạt động của phong trào UNESCO trên toàn thế giới. Thông qua các chương trình, dự án, phong trào UNESCO tạo ra sự hiểu biết, tôn trọng giữa các quốc gia, bảo đảm sự phát triển bền vững và trao truyền các giá trị văn hóa tới tương lai.

Các đại biểu tham dự hội nghị.

Các đại biểu tham dự hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân Lê Quốc Minh khẳng định: Trong chiến lược phát triển của Chính phủ, văn hóa được xác định là mũi nhọn kinh tế. Đây là một thực tế mới, đòi hỏi mỗi người dân và nhà quản lý đều phải thay đổi tư duy.

Trong nhiều thập kỷ, những chủ trương “công nghiệp hóa” và “hiện đại hóa” thường được gắn với các ngành công nghiệp, xây dựng. Nhưng khi văn hóa là một mũi nhọn, chúng ta phải xem xét lại cả một quá trình, vì có những giá trị văn hóa khi đã đánh đổi, không thể lấy lại.

Thực tế đã chỉ ra, những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã không “ngủ quên” trên di sản, trên danh hiệu to lớn mà bè bạn thế giới trao tặng bởi Quảng Ninh đã nhận diện rất rõ giá trị vô giá mà tạo hóa đã ban tặng cho Việt Nam và tỉnh Quảng Ninh.

Tổng Biên tập Báo Nhân Dân Lê Quốc Minh phát biểu tại hội nghị.

Tổng Biên tập Báo Nhân Dân Lê Quốc Minh phát biểu tại hội nghị.

Trong khuôn khổ hội nghị ban chấp hành, các quốc gia thành viên của WFUCA báo cáo, tổng kết, đánh giá các hoạt động thực thi trong giai đoạn 2023-2024; thông qua, sửa đổi, bổ sung Điều lệ của Liên hiệp các hội UNESCO Thế giới; bầu các vị trí lãnh đạo của nhiệm kỳ mới và thảo luận một số nội dung liên quan đến công tác chuẩn bị tổ chức Hội nghị lần thứ 44.

Điểm nhấn đáng chú ý của hội nghị năm nay là việc các đại biểu chia sẻ kinh nghiệm và thảo luận về vai trò của công nghiệp văn hóa và nền kinh tế sáng tạo trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo sinh kế và bảo tồn di sản văn hóa.

Các đại biểu tham dự hội nghị.

Các đại biểu tham dự hội nghị.

Ông Bolat Akchulakov, Chủ tịch Liên hiệp các hội UNESCO Thế giới cho rằng: Hội nghị là cơ hội để chúng ta cùng tìm kiếm những ý tưởng mới và tăng cường những nỗ lực tập thể để thúc đẩy ngành công nghiệp văn hóa.

Hội nghị đóng vai trò là diễn đàn hiệu quả để thu thập thêm nhiều giải pháp cho đổi mới cũng như đạt được các mục tiêu chung đề ra.

Phong trào UNESCO đã ra đời từ 1947 với mục tiêu nhằm thúc đẩy những lĩnh vực ưu tiên của UNESCO tới các tầng lớp thấp nhất. Đến thời điểm này thì đây thực sự là quyền năng, quyền lực lớn của các nhà hoạt động UNESCO mà chúng ta đã đoàn kết, kết nối với hơn 5.000 các tổ chức khác nhau hiện diện hơn 90 quốc gia.

Hôm nay, chúng ta sẽ tập trung phong trào của mình vào cấp độ liên vùng, liên lãnh thổ, tăng cường đẩy mạnh hơn nữa chương trình hoạt động đối tác với UNESCO; đồng thời kích hoạt hoặc đẩy mạnh hơn nữa tiềm năng của thanh niên, nâng cao và đào tạo 1 thế hệ mới.

Ông Bolat Akchulakov, Chủ tịch Liên hiệp các hội UNESCO Thế giới phát biểu tại hội nghị.

Ông Bolat Akchulakov, Chủ tịch Liên hiệp các hội UNESCO Thế giới phát biểu tại hội nghị.

Tại hội nghị, các quốc gia thành viên đã đưa ra Tuyên ngôn Hạ Long về "Kinh tế sáng tạo - Kết nối Văn hóa vì Hòa bình và Phát triển bền vững".

Bản tuyên ngôn cam kết thúc đẩy các mô hình kinh tế trên cơ sở công bằng và bền vững, nâng cao chất lượng sống của mọi thành viên cộng đồng; ủng hộ các chính sách kinh tế thân thiện với môi trường và xã hội, bảo đảm rằng sự phát triển không gây hại đến các thế hệ tương lai: bảo vệ và bảo tồn các di sản văn hóa, thúc đẩy những sáng kiến biến các di sản này thành tài sản phục vụ cho sự phát triển và gia tăng hạnh phúc của nhân loại; tôn trọng và khuyến khích sự đa dạng văn hóa, coi việc thấu hiểu và tôn trọng giữa các nền văn hóa là tiền đề của hòa bình và thịnh vượng.

Các đại biểu tham dự hội nghị.

Các đại biểu tham dự hội nghị.

Hội nghị được tổ chức trong bối cảnh ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đang trải qua giai đoạn phát triển mạnh mẽ; với sự đa dạng về sản phẩm và dịch vụ, sự phát triển của nhân sự, sự hỗ trợ từ chính phủ và các tổ chức, sự phát triển của công nghệ, truyền thông, cũng như sự tăng cường hợp tác và kết nối trong các lĩnh vực liên quan.

Bằng cách hợp tác và kết nối với nhau, các cá nhân, doanh nghiệp có thể tăng cường sức mạnh và tiềm năng trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa, chia sẻ nguồn lực, kinh nghiệm và kiến thức để kiến tạo vận hội cũng như đối mặt với các thách thức hiệu quả hơn.

Và đây cũng là sự kiện quan trọng trong lĩnh vực kinh tế và văn hóa nói chung, tạo cơ hội cho các nhà lãnh đạo, chuyên gia, doanh nghiệp và cá nhân trong nước cũng như trên thế giới kết nối, gặp gỡ, trao đổi ý kiến, chia sẻ kinh nghiệm, đề xuất các giải pháp nhằm xây dựng văn hóa doanh nghiệp và phát triển ngành công nghiệp văn hóa tại Việt Nam.

Hội nghị kỳ vọng đóng góp hành động tích cực và ý nghĩa trong việc xây dựng tương lai của ngành công nghiệp văn hóa tại Việt Nam, tái khẳng định vai trò và nỗ lực bền bỉ của Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam sau hàng thập kỷ miệt mài đóng góp, thúc đẩy sự phát triển của công nghiệp văn hóa, tạo ra môi trường thuận lợi cho hợp tác quốc tế, đặc biệt, khẳng định vai trò của quốc gia trong việc bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa nhân loại.

Cũng tại sự kiện, Hội đồng các giá trị văn hóa của Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam đã tặng bằng khen, chứng nhận cho các cá nhân, tổ chức có nhiều đóng góp cho các phong trào UNESCO, phát huy các giá trị di sản văn hóa trong lĩnh vực mình hoạt động.

QUANG THỌ

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/hoi-nghi-ban-chap-hanh-lien-hiep-cac-hoi-unesco-the-gioi-lan-thu-43-post822709.html