Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy kỳ thứ 13
Ngày 9-9, đồng chí Chẩu Văn Lâm, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh chủ trì hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy kỳ thứ 13. Dự hội nghị có các đồng chí: Lê Thị Kim Dung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo HĐND, UBND tỉnh, các ngành chức năng của tỉnh.
Ba nội dung tổ chức trực tuyến với cấp huyện, cấp xã
Ba nội dung được Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức trực tuyến với cấp huyện, cấp xã là các dự thảo: Đề án đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số tỉnh Tuyên Quang, giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; quy định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách địa phương năm 2022 và áp dụng cho thời kỳ ổn định ngân sách địa phương giai đoạn 2022-2025; quy định phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi và tỷ lệ phần trăm chia các khoản thu giữa ngân sách tỉnh, ngân sách cấp huyện và cấp xã trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2025.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Chẩu Văn Lâm nhấn mạnh, đây là những nội dung quan trọng, cần được triển khai đến cấp huyện, cấp xã để tổ chức thực hiện hiệu quả, mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng xã hội và nhân dân.
Về công tác cải cách hành chính, các đồng chí lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các ngành chức năng nhấn mạnh, đây là nhiệm vụ cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút đầu tư, tạo nguồn lực cho phát triển. Các đề án, quy định này rất quan trọng, do đó mục tiêu tổ chức hội nghị trực tuyến đến cấp huyện, xã để điều hành công tác lãnh đạo, chỉ đạo là rất cần thiết và phù hợp với bối cảnh dịch bệnh, tăng hiệu quả và giảm chi phí. Tỉnh giao Viettel Tuyên Quang bảo đảm toàn bộ hệ thống kết nối đường truyền an toàn nhất.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Chẩu Văn Lâm nhấn mạnh, đây là đề án tác động đến xã hội rất lớn, thời gian qua tỉnh có nhiều nỗ lực cải cách hành chính nhưng chưa đáp ứng yêu cầu. Do đó, phải tiếp tục thực hiện để tạo sự hài lòng của người dân, tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi để thu hút đầu tư ngoài ngân sách.
Đồng chí yêu cầu Sở Nội vụ tiếp thu ý kiến góp ý của các đồng chí trong Ban Thường vụ, xác định mục tiêu phấn đấu phù hợp trong thời gian tới. Đồng thời, tiếp tục sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã phải bảo đảm phù hợp, hiệu quả. Các giải pháp tập trung đào tạo, tập huấn kỹ năng cho người sử dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội phải được chú trọng bảo đảm cải cách hành chính hiệu quả thiết thực.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo các ngành chức năng thảo luận, cho ý kiến quy định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách địa phương năm 2022 và áp dụng cho thời kỳ ổn định ngân sách địa phương giai đoạn 2022-2025; dự thảo quy định phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi và tỷ lệ phần trăm chia các khoản thu giửa ngân sách tỉnh, ngân sách cấp huyện và cấp xã trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2025 bảo đảm công bằng, phù hợp.
Đào tạo cán bộ phải đạt chuẩn năng lực
Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho ý kiến vào các dự thảo: Chính sách thu hút nguồn nhân lực có trình độ cao; chính sách hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức đi đào tạo, nâng cao trình độ sau đại học, giai đoạn 2022-2025; Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021-2025; nội dung, chương trình kỳ họp thứ 3, HĐND tỉnh khóa XIX; chương trình Đại hội và những nội dung chính của Văn kiện Đại hội đại biểu Phụ nữ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XVI; Kế hoạch của BCH Đảng bộ tỉnh thực hiện Kết luận số 01/KL/TW, ngày 18-5-2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và các nội dung quan trọng khác.
Về dự thảo chính sách thu hút nguồn nhân lực có trình độ cao; chính sách hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức đi đào tạo, nâng cao trình độ sau đại học, giai đoạn 2022-2025, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Chẩu Văn Lâm nhấn mạnh, việc thu hút, đào tạo cán bộ cần phải thực chất, phải có năng lực; bằng cấp cao nếu không có năng lực thì cũng coi như vô ích. Việc cử cán bộ đi đào tạo phải phù hợp với vị trí việc làm và chuẩn năng lực thực tiễn, đáp ứng yêu cầu thực thi nhiệm vụ được giao. Đối với cấp xã, lĩnh vực, ngành nghề đào tạo phải xác định rõ nhu cầu cần thu hút góp phần thúc đẩy quá trình phát triển của tỉnh.
Đối với công tác kiểm tra, giám sát, phòng, chống tham nhũng, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy và lãnh đạo tỉnh yêu cầu không được né tránh, bao biện, kiên quyết xử lý vi phạm trong các lĩnh vực, nhất là quản lý khoáng sản, đất đai, đầu tư. Đồng thời, phát huy vai trò của người đứng đầu trong phát hiện, xử lý các vụ việc có dấu hiệu vi phạm; bảo vệ những người dám đấu tranh chống tham nhũng. Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Thanh tra tỉnh phải có quy định cán bộ phụ trách địa bàn nếu để xảy ra vi phạm phải có trách nhiệm liên đới.
Việc học tập và làm theo Bác Hồ, các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo tỉnh, ngành chức năng cho rằng phải bắt đầu từ những việc nhỏ nhất, tôn trọng, lắng nghe ý kiến của nhân dân, nói cho dân hiểu, làm cho dân theo, không vi phạm các quy định về những điều đảng viên không được làm; nói phải đi đối với làm để noi gương cho nhân dân. Bên cạnh đó, phải chú trọng công tác học tập nghị quyết, nắm bắt chính trị tư tưởng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.