Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy lần thứ 56

Sáng 13/9, Ban Thường vụ Tỉnh ủy khóa XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 tổ chức Hội nghị lần thứ 56, bàn thống nhất các biện pháp tiếp tục ứng phó, tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai do ảnh hưởng bão số 3 và mưa lũ sau bão.

Tham dự có đồng chí Hoàng Văn Hữu, Phó Tư lệnh Quân khu 1; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo một số sở, ngành; bí thư các huyện, Thành phố. Đồng chí Trần Hồng Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh chủ trì.

Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Xuân Ánh phát biểu tại hội nghị.

Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Xuân Ánh phát biểu tại hội nghị.

Do ảnh hưởng mưa lớn diện rộng, kéo dài từ ngày 7 - 8/9, đặc biệt mưa rất to trong ngày và đêm 8/9 đến sáng 10/9, xuất hiện lũ lớn trên các sông, suối trên địa bàn tỉnh gây ngập lụt khu vực ven sông vùng trũng thấp. Kèm theo mưa lớn, sạt lở đất xảy ra nghiêm trọng tại nhiều khu vực trên địa bàn tỉnh. Các sông, suối trên địa bàn tỉnh xuất hiện lũ vừa, lũ lớn gây ngập úng một số khu vực dân, cư của Thành phố và các huyện: Bảo Lâm, Bảo Lạc, Quảng Hòa, Trùng Khánh, Hà Quảng, Hòa An, Nguyên Bình. Sạt lở đất, đá xảy ra toàn bộ tại các khu vực huyện, Thành phố trên địa bàn tỉnh, gây thiệt hại về người, nhà ở, công trình cơ sở hạ tầng...

Đặc biệt, sạt lở đất lớn xảy ra tại xã Yên Lạc, xã Ca Thành (Nguyên Bình) đã vùi lấp và cuốn trôi nhiều người, phương tiện tham gia giao thông trên tuyến Quốc lộ 34; đến nay, 47 người chết (chết do đuối nước 2 người tại xã Vũ Minh (Nguyên Bình) và xóm Nà Bó, xã Thái Sơn (Bảo Lâm); 45 người chết do sạt lở đất, lũ quét tại các xã: Yên Lạc, Vũ Nông, Ca Thành (Nguyên Bình); 16 người bị thương; 11 người mất tích.

Về nhà ở, bị thiệt hại, ảnh hưởng 1.740 nhà, trong đó 57 nhà sập đổ, hư hỏng hoàn toàn; 89 nhà bị tốc mái; 1.162 nhà bị ngập nước; 433 nhà bị sạt lở đất. Nhà có nguy cơ sạt lở phải di dời là 314 nhà.

Tính sơ bộ đến nay mức tổn thất là rất lớn, trong đó, ngành giao thông nhiều tuyến đường bị chia cắt do sạt lở, ngập nước các tuyến quốc lộ, đường tỉnh và các tuyến giao thông nông thôn gây ách tắc; các tuyến đường tỉnh, đường giao thông nông thôn bị sạt lở taluy âm, taluy dương khối lượng lớn, mặt đường bị sụt lún; cầu dân sinh bị hư hỏng; 1.885,2 ha lúa và hoa màu bị ngập úng, gãy đổ, vùi lấp, trong đó diện tích lúa bị thiệt hại 748,43ha; diện tích hoa màu bị thiệt hại 967,62 ha... 4 lưới điện bị đứt; 2 tuyến cáp quang bị đứt; 2 cột phát sóng thông tin bị đổ, gẫy; 28 điểm trường bị hư hỏng do sạt lở đất, ngập nước, tốc mái... Tổng giá trị thiệt hại trên toàn tỉnh, ước tính khoảng 520 tỷ đồng.

Ngay sau khi xảy ra thiên tai, tỉnh đã chỉ đạo các biện pháp ứng cứu kịp thời, thành lập Sở Chỉ huy đặt tại huyện Nguyên Bình trực tiếp chỉ đạo, triển khai nhiệm vụ khắc phục hậu quả thiên tai. Các lực lượng quân sự, công an, biên phòng, y tế triển khai phương tiện, nhân lực phối hợp với chính quyền địa phương huy động các lực lượng xung kích, dân quân tại chỗ, tiếp cận hiện trường xảy ra sạt lở, thực hiện cứu hộ, tìm kiếm người mất tích, người bị thương kịp thời đưa đi chữa trị; đồng thời, các địa phương vận động nhân dân hỗ trợ giúp đỡ, chủ động khắc phục nhà ở bị thiệt hại; các nhà ở bị sạt lở đang có nguy cơ bị sạt tiếp được sơ tán, di dời đến nơi an toàn.

Phó Tư lệnh Quân khu 1 Hoàng Văn Hữu trao đổi các biện pháp cứu nạn, cứu hộ.

Phó Tư lệnh Quân khu 1 Hoàng Văn Hữu trao đổi các biện pháp cứu nạn, cứu hộ.

Tại hội nghị, đại biểu trao đổi, thảo luận, đưa ra các giải pháp khắc phục hậu quả thiệt hại do bão lũ gây ra, cần nhanh chóng khôi phục các công trình cơ sở hạ tầng bị thiệt hại và tái thiết sản xuất nông nghiệp, ổn định đời sống, sinh hoạt của nhân dân. Xem xét mức hỗ trợ thiệt hại về người chết, người bị thương; nhà ở, nhà bị sập đổ từ trên 70% trở lên, nhà bị hư hỏng hỗ trợ di dời khẩn cấp; hỗ trợ thiệt hại về cây trồng, vật nuôi, thủy sản…

Bí thư Tỉnh ủy Trần Hồng Minh kết luận hội nghị.

Bí thư Tỉnh ủy Trần Hồng Minh kết luận hội nghị.

Kết luận hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Trần Hồng Minh cơ bản nhất trí với nội dung các báo cáo tại hội nghị. Tiếp tục huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, các sở, ngành, cơ quan, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, đồng bộ chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Thường trực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, triển khai mọi biện pháp ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ, sạt lở do hoàn lưu bão, với tinh thần cao nhất.

Với tinh thần huy động các lực lượng tại chỗ, các ngành, địa phương, lực lượng tiếp tục tập trung tìm kiếm người mất tích; cứu chữa những người bị thương; tổ chức động viên kịp thời thân nhân và hỗ trợ lo hậu sự chu đáo cho người bị thiệt mạng; nhanh chóng ổn định tình hình trong thời gian sớm nhất. Tiếp nhận và phân bổ cứu trợ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho các hộ dân có nguy cơ thiếu đói, nhất là các hộ tại các khu vực còn bị cô lập; bố trí chỗ ở tạm cho các hộ bị mất nhà ở. Cùng với đó chuẩn bị sinh phẩm, thuốc men, xử lý ô nhiễm môi trường, phòng, chống dịch bệnh sau thiên tai, nhất là tại các địa phương bị ngập lụt, chia cắt; có chính sách khoanh nợ, giãn nợ, cho vay, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp dân doanh khôi phục sản xuất, kinh doanh, ổn định sản xuất, sinh kế, đời sống.

Thống nhất hỗ trợ các huyện bị ảnh hưởng; mức hỗ trợ dân đối với nhà hỏng hoàn toàn, nhà bị hư hỏng một phần, nhà có nguy cơ phải di dời; lúa, hoa màu, vật nuôi... Các ngành khẩn trương phối hợp các đơn vị liên quan khắc phục kịp thời, đặc biệt, ngành Giáo dục khẩn trương hỗ trợ các nhà trường để học sinh sớm trở lại trường; ngành Giao thông vận tải phối hợp các đơn vị quản lý đường đường bộ khắc phục thông tuyến kịp thời cho các hoạt động khác.

Các cơ quan, đơn vị, địa phương rà soát, tổng hợp thiệt hại; giảm thủ tục hành chính, khẩn trương hỗ trợ người dân, cơ quan, địa phương ứng phó, khắc phục hậu quả bão lũ; hướng dẫn thủ tục mua sắm trong điều kiện khẩn cấp để các cơ quan, địa phương có trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật, vật tư, hàng hóa phục vụ khắc phục hậu quả thiên tai; kiểm soát chặt chẽ, tránh tiêu cực. Đẩy mạnh cung ứng trang thiết bị, vật tư, nguyên liệu phục vụ sản xuất, kinh doanh, khôi phục các hoạt động nông nghiệp, công nghiệp; kiểm soát thị trường, giá cả, bảo đảm cung ứng đủ hàng hóa phục vụ dân sinh, không để thiếu hàng, tránh tình trạng găm hàng, đội giá; chuẩn bị giống và có chính sách hỗ trợ khôi phục sản xuất nông nghiệp.

Tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ đảm bảo an toàn hồ đập; đánh giá, dự báo tình hình để có phương án xử lý phù hợp; kiểm tra, rà soát các điểm có nguy cơ bị sạt lở, lũ ống, lũ quét khẩn trương di dời người dân ra khỏi vùng nguy hiểm; chủ động, linh hoạt xây dựng kịch bản phương án ứng phó trong tình huống xảy ra thiên tai, tuyệt đối bảo đảm an toàn tính mạng con người.

Tăng cường đảm bảo an ninh trật tự, các cơ quan Thường trực Ban Chỉ huy tỉnh (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) và địa phương tiếp tục tổ chức ứng trực 24/24 giờ để ứng phó, giải quyết các vấn đề khẩn cấp; các cơ quan, đơn vị, địa phương ít bị ảnh hưởng bởi bão số 3 và mưa lũ sau bão tập trung lực lượng, hỗ trợ địa phương, người dân bị thiệt hại; hưởng ứng lời kêu gọi của UBND tỉnh và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh cả cộng đồng chung tay khắc phục hậu quả do cơn bão số 3 và lũ lụt, sạt lở do hoàn lưu bão gây ra.

Đề nghị Quân khu 1 tiếp tục hỗ trợ nhân lực tìm kiếm cứu nạn, hỗ trợ xây dựng nhà ở cho người dân bị thiệt hại và phương tiện chuyên dụng để vận chuyển hàng cứu trợ cho nhân dân vùng bị ảnh hưởng.

Hồng Chuyên - Thế Hiển

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/hoi-nghi-ban-thuong-vu-tinh-uy-lan-thu-56-3172056.html