Hội nghị Báo cáo viên Trung ương tháng 6

Sáng 16.6, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương đã tổ chức Hội nghị Báo cáo viên Trung ương tháng 6.2023 bằng hình thức trực tuyến, kết nối với 3.372 điểm cầu trên cả nước, với hơn 148.000 đại biểu tham dự.

Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu Nhà Quốc hội. Ảnh: Hồ Long

Tham dự tại điểm cầu Nhà Quốc hội có các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải; Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga; Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh; Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy; Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà; Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải dự Hội nghị tại điểm cầu Nhà Quốc hội. Ảnh: Hồ Long

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải dự Hội nghị tại điểm cầu Nhà Quốc hội. Ảnh: Hồ Long

Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe các chuyên đề: “Phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh”; “Xây dựng chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới”.

Thông tin về chuyên đề: “Phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh”, báo cáo viên Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, Việt Nam hiện đứng thứ 16 thế giới về GDP nông - lâm - thủy sản với 32,280 tỷ USD. Về xuất khẩu, năm 2020, Việt Nam đứng thứ 17 thế giới và thứ 3 khu vực Đông Nam Á với 41,36 tỷ USD (năm 2021 đạt 48,7 tỷ USD; năm 2022 đạt 53,53 tỷ USD). Tính đến nay, nông sản Việt Nam đã có mặt trên 196 quốc gia và vùng lãnh thổ. Khoa học công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn đã có đóng góp đáng kể trong sự phát triển, chuyển mình của lĩnh vực này.

Các đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu Nhà Quốc hội. Ảnh: Hồ Long

Các đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu Nhà Quốc hội. Ảnh: Hồ Long

Về xây dựng nông thôn mới, đến hết năm 2019, số xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt 52,4%, vượt mục tiêu đề ra trước 1,5 năm. Đến hết năm 2022, số xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt 73%. Đến tháng 5.2023, 73,24% xã nông thôn mới, 1.301 xã nông thôn mới nâng cao, 139 xã kiểu mới. Tổng nguồn lực huy động đạt 2.967.057 tỷ đồng; trong đó vốn ngân sách khoảng 319.289 tỷ đồng (13,2%).

Trong giai đoạn vừa qua, các kết quả trong phát triển nông nghiệp - nông thôn đã góp phần mang lại những thành tựu đáng kể trong việc cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân nông thôn. Thu nhập trung bình của người dân ở khu vực nông thôn đến năm 2020 là khoảng 42 triệu đồng/người/năm; hết năm 2022 là khoảng 47,2 triệu đồng/người/năm.

Tỷ lệ hộ nghèo ở khu vực nông thôn giảm khoảng 1 - 1,5%/năm; cùng với đó, các chính sách của Nhà nước đã chú trọng phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo sinh kế cho người dân ở nông thôn. Vai trò, năng lực làm chủ của nông dân được nâng cao; nông dân ngày càng năng động, linh hoạt hơn, thích ứng với sản xuất, kinh doanh hàng hóa.

Các đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu Nhà Quốc hội. Ảnh: Hồ Long

Các đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu Nhà Quốc hội. Ảnh: Hồ Long

Kinh tế trang trại ngày càng phát triển theo hướng quy mô, thực chất hơn. Hợp tác xã nông nghiệp hoạt động ngày càng hiệu quả hơn. Năm 2022, có trên 20.000 hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, trong đó, khoảng 65% hợp tác xã được xếp loại khá, tốt trở lên. Đặc biệt, mô hình hợp tác xã ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long phát triển rất mạnh; đóng vai trò tích cực kết nối khu vực sản xuất với doanh nghiệp, thị trường.

Thông tin về chuyên đề “Xây dựng chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới”, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Phạm Văn Linh nhấn mạnh, xây dựng Đảng về đạo đức và xây dựng đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên là vấn đề rất hệ trọng, một trong 10 nhiệm vụ của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và là một trong những nội dung căn cốt trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Trong 93 năm lãnh đạo sự nghiệp cách mạng Việt Nam, Đảng ta luôn quan tâm, chú trọng xây dựng Đảng về đạo đức, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục; là yêu cầu quan trọng, cấp thiết trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, để Đảng ta thật trong sạch, vững mạnh.

Thực tiễn đang đặt ra yêu cầu phải xây dựng chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên để thống nhất nhận thức trong toàn Đảng về chuẩn đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên; làm cơ sở cho cán bộ, đảng viên tự giác tu dưỡng, rèn luyện, tự điều chỉnh hành vi ứng xử; góp phần xây dựng Đảng về đạo đức, đúng như tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đó là: “Nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện các chuẩn mực đạo đức cách mạng phù hợp với điều kiện mới và truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc để làm cơ sở cho cán bộ, đảng viên tự giác tu dưỡng, rèn luyện, tự điều chỉnh hành vi ứng xử trong công việc hằng ngày”.

Trong điều kiện, bối cảnh mới đặt ra nhiều yêu cầu mới về xây dựng chuẩn đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương cũng cho biết, Ban Tuyên giáo Trung ương đang khẩn trương hoàn thiện, thống nhất các chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trên tinh thần ngắn gọn, rõ, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện, dễ kiểm tra, giám sát để trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư quyết định.

Hội nghị cũng đã nghe báo cáo viên Bộ Công an thông tin nhanh về vụ gây mất an ninh trật tự tại Đắk Lắk.

Thanh Chi

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chinh-tri/hoi-nghi-bao-cao-vien-trung-uong-thang-6-i332720/