Hội nghị báo cáo viên Trung ương tháng 8

Sáng 15/8, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy chủ trì hội nghị báo cáo viên Trung ương tháng 8/2024. Hội nghị được tổ chức trực tuyến tới hơn 2.000 điểm cầu trên cả nước với 75.000 đại biểu, trong đó Cao Bằng có 212 điểm cầu với 5.228 đại biểu.

Dự tại điểm cầu tỉnh có lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; các đồng chí báo cáo viên Trung ương đơn vị tỉnh, báo cáo viên cấp tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh; thường trực cấp ủy và phụ trách tuyên huấn các đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy.

Các đại biểu dự tại điểm cầu tỉnh.

Các đại biểu dự tại điểm cầu tỉnh.

Hội nghịthông tin các chuyên đề: “Tình hình kinh tế - xã hội 7 tháng năm 2024; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội những tháng cuối năm 2024”; “Tình hình tôn giáo, tín ngưỡng và công tác quản lý nhà nước về tôn giáo ở nước ta hiện nay; phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp trong thời gian tới”.

Theo đó, tình hình kinh tế - xã hội 7 tháng đã khẳng định sự phục hồi rõ nét, tháng sau tích cực hơn tháng trước, quý sau tích cực hơn quý trước, đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện. Tăng trưởng kinh tế quý II đạt 6,93% so với cùng kỳ năm trước, tính chung 6 tháng đạt 6,42%. Đây là mức tăng trưởng tích cực, cao hơn kịch bản cao nhất của Chính phủ tại Nghị quyết số 01 (6%) và dự báo của các tổ chức quốc tế. Đặc biệt, nền kinh tế đã lấy lại được xu hướng tăng trưởng như các năm trước dịch Covid-19. Khu vực công nghiệp - xây dựng trở lại là động lực tăng trưởng của nền kinh tế. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Chỉ số CPI tăng 4,12% so với cùng kỳ, trong mức kiểm soát theo mục tiêu của Quốc hội (4 - 4,5%); tăng lương cơ sở nhưng lạm phát tăng không đáng kể.

Điểm cầu trực tuyến tại Báo Cao Bằng.

Điểm cầu trực tuyến tại Báo Cao Bằng.

Công tác hoàn thiện thể chế, pháp luật được tập trung triển khai quyết liệt với tinh thần cải cách, phát triển trong từng bộ, ngành, địa phương, tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp để giải quyết khó khăn, vướng mắc, chủ động kiến tạo, hình thành nền tảng quan trọng cho phát triển đất nước trong trung và dài hạn. Hầu hết các lĩnh vực đều được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm, chỉ đạo, chủ yếu là tháo gỡ vướng mắc về thể chế, khơi thông điểm nghẽn, giải phóng các nguồn lực. Chính phủ đã trình Quốc hội cho phép thi hành Luật Đất đai, Nhà ở, Kinh doanh bất động sản từ ngày 1/8/2024, sớm hơn 5 tháng so với thời gian có hiệu lực ban đầu. Đồng thời, chỉ đạo quyết liệt, bảo đảm tiến độ ban hành các văn bản hướng dẫn để thi hành các Luật từ ngày 1/8/2024. Thủ tướng Chính phủ thành lập Ban chỉ đạo rà soát vướng mắc trong hệ thống văn bản pháp luật để nghiên cứu sửa đổi, xử lý đồng bộ các quy định mâu thuẫn, chồng chéo, không còn phù hợp với thực tiễn, gây khó khăn cho doanh nghiệp, người dân.

Hệ thống kết cấu hạ tầng tiếp tục được ưu tiên tập trung nguồn lực đầu tư, đạt nhiều kết quả rõ nét; nhiều công trình đưa vào khai thác, mở ra không gian và cơ hội phát triển mới cho các vùng, cả nước và địa phương. Ban hành và triển khai đồng bộ nhiều chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, sản xuất kinh doanh. Đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, các ngành, lĩnh vực công nghiệp mới như chíp, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo… tiếp tục được thúc đẩy mạnh mẽ. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch triển khai Phong trào thi đua "Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trong năm 2025"; quyết định thành lập Quỹ cả nước chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo để huy động nguồn lực xã hội phấn đấu đến hết năm 2025 xóa bỏ hoàn toàn nhà tạm, nhà dột nát trên cả nước. Cải cách chính sách tiền lương được tập trung triển khai; hoàn thiện các quy định để nâng mức lương cơ sở cho khu vực công, lương hưu, trợ cấp xã hội từ ngày 1/7/2024.

Đối ngoại và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, thực chất và toàn diện hơn, có dấu ấn nổi bật, cụ thể hóa thành các dự án cụ thể, thiết thực, mang tính đột phá.

Về tình hình tôn giáo, tín ngưỡng và công tác quản lý nhà nước về tôn giáo ở nước ta hiện nay, Đảng và nhà nước ta luôn xác định công tác tôn giáo là vấn đề chiến lược có ý nghĩa rất quan trọng. Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân, đang và sẽ tồn tại cùng dân tộc trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Đồng bào các tôn giáo là bộ phận của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, theo hoặc không theo một tôn giáo nào, quyền sinh hoạt tôn giáo bình thường theo đúng pháp luật. Các tôn giáo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật, bình đẳng trước pháp luật. Đồng bào các tôn giáo có những đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhìn chung, các tổ chức tôn giáo xây dựng đường hướng hành đạo, hoạt động theo pháp luật; các tôn giáo được Nhà nước công nhận đã hành đạo gắn bó với dân tộc, tập hợp đông đảo tín đồ trong khối đại đoàn kết toàn dân, xây dựng cuộc sống tốt đời, đẹp đạo, góp phần vào công cuộc đổi mới đất nước.

Tuy nhiên, tình hình hoạt động tôn giáo thời gian gần đây còn có những diễn biến phức tạp, tiềm ẩn những nhân tố có thể gây mất ổn định.

Định hướng tuyên truyền thời gian tới, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy đề nghị các báo cáo viên tập trung tuyên truyền về những kết quả đạt được của kinh tế - xã hội trong bối cảnh quốc tế và trong nước có nhiều thách thức, qua đó tạo đà tăng trưởng cho các tháng, quý tiếp theo. Về công tác tôn giáo, tuyên truyền khẳng định Đảng, Nhà nước ta thực hiện nhất quán chủ trương đoàn kết đồng bào theo các tôn giáo khác nhau; đoàn kết đồng bào theo tôn giáo và đồng bào không theo tôn giáo. Đồng thời, nghiêm cấm lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để hoạt động mê tín dị đoan, hoạt động trái pháp luật và chính sách của Nhà nước, kích động chia rẽ nhân dân, chia rẽ các dân tộc, gây rối, xâm phạm an ninh quốc gia.

Tuyên truyền những kết quả đạt được trong trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đặc biệt là tư tưởng và quan điểm chỉ đạo của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Phát huy vai trò công tác tuyên truyền miệng để tăng cường sự đồng thuận và niềm tin của nhân dân vào công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Tuyên truyền kỷ niệm 55 thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969 - 2024) và 55 năm Ngày mất của Người (2/9/1969 - 2/9/2024); 79 năm Ngày Cách mạng tháng Tám thành công (19/8/1945 - 19/8/2024) và Ngày Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 - 2/9/2024). Tuyên truyền kết quả các hoạt động đối ngoại quan trọng của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong thời gian tới; bài viết “Quyết tâm xây dựng Đảng vững mạnh, nước Việt Nam giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm.

Xuân Thương

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/hoi-nghi-bao-cao-vien-trung-uong-thang-8-3171352.html