Hội nghị Berlin: Bước khởi đầu của chặng đường dài
Bản tuyên bố kết thúc Hội nghị Berlin về Libya dài 8 trang, với 55 điểm, nổi bật là cam kết chấm dứt vận chuyển vũ khí tới Libya, ngừng can thiệp của nước ngoài cùng những điểm cụ thể hướng tới một lệnh ngừng bắn lâu dài ở quốc gia Bắc Phi.
Năm giờ đàm phán giữa các bên ở Berlin đã mang lại một kết quả "như mơ" với quốc gia tổ chức hội nghị là Đức, song tất cả mới chỉ trên giấy tờ với những lời cam kết chóng vánh.
Phải nhìn nhận rằng một thực tế rằng, việc Thủ tướng Đức Angela Merkel cùng lúc mời được nguyên thủ của hơn 10 nước có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp tới Libya cùng người đứng đầu Liên hợp quốc (LHQ), Liên minh châu Âu (EU), Liên minh châu Phi (AU) và Liên đoàn Arab (AL) tới Berlin tham dự hội nghị ngày 19/1 đã là một thành công. Kết thúc hội nghị, đại diện các nước đã cam kết tôn trọng và kiểm soát chặt chẽ lệnh cấm vận vũ khí đối với Libya, chấm dứt việc hỗ trợ cho các bên xung đột với mục tiêu lâu dài là biến thỏa thuận ngừng bắn hiện nay thành một lệnh ngừng bắn vĩnh viễn.Phần quan trọng nhất trong văn kiện kết thúc hội nghị nêu rõ: "Chúng tôi có trách nhiệm không can thiệp vào cuộc xung đột vũ trang ở Libya cũng như vấn đề nội bộ của Libya".
Cam kết này lật lại những gì nhiều bên liên quan tới Libya đang làm hiện nay, đó là cung cấp tiền bạc, vũ khí, lính đánh thuê và thậm chí là binh sĩ cho hai bên đối địch chính ở Libya. Tuyên bố kết thúc hội nghị sẽ được chuyển lên Hội đồng Bảo an LHQ để thông qua và sẽ có hiệu lực. Trường hợp một bên vi phạm sẽ chịu những chế tài nghiêm ngặt của LHQ. Bên cạnh đó, các bên tham gia hội nghị ở Berlin cũng muốn tái lập sự thống nhất về chính trị và kinh tế ở Libya thông qua tiến trình hòa giải quốc gia, theo đó ngành công nghiệp dầu mỏ, các quỹ nhà nước và lực lượng an ninh Libya sẽ nằm dưới một sự quản lý thống nhất.
Kết quả đạt được đã làm sống lại hy vọng chấm dứt cuộc nội chiến dai dẳng lâu nay mà nhiều người còn gọi là một "cuộc chiến ủy nhiệm" ở Libya. Theo lời Thủ tướng Đức Merkel, hội nghị ở Berlin đã góp phần quan trọng hỗ trợ cho các nỗ lực hòa bình ở quốc gia Bắc Phi, song Chính phủ Đức cũng nhìn nhận đây mới chỉ là sự khởi đầu cho một tiến trình dài phía trước. Quả thực, khó có thể giải quyết vấn đề Libya trong "một sớm, một chiều", bởi cuộc xung đột ở Libya liên quan tới nhiều nước lớn vốn đã và đang có những hình thức hỗ trợ trực tiếp hoặc gián tiếp cho quốc gia này.
Từ nhiều năm nay, lực lượng Quân đội Quốc gia Libya (LNA) tự xưng ở miền Đông luôn trong trạng thái đối đầu với Chính phủ Đoàn kết dân tộc (GNA) được LHQ công nhận tại Libya. Trong khi Thổ Nhĩ Kỳ, Catar và một số nước có nhiều hình thức hỗ trợ cho người đứng đầu GNA Fayez al-Sarraj thì một số quốc gia như Ai Cập, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và lực lượng thân Nga lại đứng về phía Lực lượng quân đội miền Đông (LNA) của Tướng Khalifa Haftar. LNA còn nhận được sự ủng hộ về chính trị của nhiều cường quốc như Mỹ, Pháp.
Hình thức hỗ trợ được cho là hiệu quả của nước ngoài đã giúp Tướng Haftar giành phần lớn (trên 70%) lãnh thổ Libya, khiến diện tích quản lý thực tế của GNA bị thu hẹp còn một vùng rất nhỏ ở thủ phủ Tây Bắc đất nước. Mặc dù lãnh đạo của cả GNA và LNA đều có mặt ở Berlin ngày 19/1, song sự đối đầu vẫn bao trùm và hai bên không thể tiến hành đối thoại trực tiếp. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cũng bày tỏ lấy làm tiếc khi Berlin, dù được xem là bên trung gian trung lập, vẫn không thể sắp xếp được một cuộc đối thoại giữa hai bên ở Libya. Dù vậy, Thủ tướng Merkel vẫn nhận định đã đạt được "bước tiến lớn“ khi hai bên xung đột chính ở Libya cùng nhất trí tham gia vào cơ chế có tên gọi "Ủy ban quân sự 5+5" với mục đích chính là đàm phán hướng tới một lệnh ngừng bắn lâu dài.
Tuy nhiên, sau nhiều năm đối đầu, câu hỏi đặt ra là liệu các bên xung đột có thực sự muốn hạ vũ khí để hướng tới một giải pháp chính trị hay không. Ngoại trưởng Đức Heiko Maas phát biểu tại cuộc họp báo ví von rằng các bên tham gia hội nghị đã tạo ra chiếc "chìa khóa" giải quyết xung đột, song giờ là lúc đưa chìa vào ổ khóa để xoay mở. Theo ông, nhiệm vụ chính giờ đây mới thực sự bắt đầu. Những lời lẽ trong tuyên bố đạt được tại Berlin khá mạnh mẽ, song tất cả mới chỉ trên giấy tờ.
Liệu tới đây, những nước liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp tới cuộc chiến ở Libya có giữ cam kết khi những lời hứa chóng vánh đó lại xâm phạm tới lợi ích của họ. Việc GNA và Thổ Nhĩ Kỳ mới đây đạt thỏa thuận phân định biên giới trên biển ở Địa Trung Hải, theo đó có thể mở đường cho việc khai thác dầu khí tại khu vực này, sẽ buộc Ankara phải nỗ lực bảo vệ lợi ích của mình. Vả lại, Ankara cũng tuyên bố "đường hoàng" trong việc gửi quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tới Libya theo đề nghị của chính phủ được quốc tế công nhận ở quốc gia Bắc Phi này.
Các nước tham gia hội nghị ở Berlin đặt ưu tiên cho "giải pháp chính trị và ngoại giao", song không có nghĩa về lâu dài sẽ không có can thiệp về quân sự. GNA từng kêu gọi sự hỗ trợ của lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ, trong khi Đại diện cấp cao EU phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell trước hội nghị Berlin cũng đề cập khả năng châu Âu sẽ triển khai sứ mệnh quân sự tới Libya. Ngay Bộ trưởng Quốc phòng Đức Annegret Kramp-Karrenbauer trước đó cũng cho biết, trong trường hợp xấu nhất, binh sĩ Đức cũng có thể tham gia đảm bảo một lệnh ngừng bắn lâu dài ở Libya. Trong khi đó, theo các chuyên gia, với đường bờ biển dài trên 1.700km cùng tổng diện tích đất nước rộng trên 1,8 triệu km2, việc kiểm soát lệnh cấm vận vũ khí ở Libya khó có thể thực hiện nếu không có các chiến dịch quân sự ở Địa Trung Hải và giám sát không phận Libya.
Với những gì đạt được tại Berlin, những người vốn mất niềm tin vào một giải pháp chính trị cho vấn đề Libya cũng có thể tin tưởng về một điều gì đó tốt đẹp hơn chiến tranh, xung đột và bất ổn lâu nay ở quốc gia Bắc Phi. Người dân Libya cũng có cơ sở vững chắc hơn để kỳ vọng về một nền hòa bình không xa ở nước này. Dẫu vậy, đây mới chỉ là bước khởi đầu trên một hành trình dài được dự báo còn không ít rào cản, bởi nền hòa bình cho Libya phụ thuộc vào quá nhiều bên có lợi ích đan xen phức tạp.