Hội nghị Bộ trưởng GTVT ASEAN 28, thúc đẩy vận tải hậu Covid-19
Thứ trưởng GTVT Lê Anh Tuấn tham dự Hội nghị Bộ trưởng GTVT ASEAN 28 tại Indonesia về thúc đẩy hợp tác, phát triển chung toàn khối.
Phục hồi vận tải sau đại dịch Covid-19
Trong 2 ngày 16, 17/10/2022, Hội nghị Bộ trưởng GTVT ASEAN lần thứ 28 (ATM 28) đã được tổ chức tại Bali, Indonesia. Ông Budi Karya Sumadi, Bộ trưởng Bộ GTVT Indonesia chủ trì hội nghị.
Hội nghị ATM 28 được tổ chức sau Hội nghị lần thứ 50 các quan chức cấp cao GTVT ASEAN (STOM) và các cuộc tham vấn với các đối tác đối thoại được tổ chức vào ngày 14-15/10/2022.
Tham dự hội nghị, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn đã có bài phát biểu quan trọng. Trong đó nhấn mạnh vai trò của GTVT trong thúc đẩy phát triển kinh tế hậu Covid-19 tại Việt Nam, cùng đó đẩy mạnh các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm quốc gia; tăng cường kết nối, khôi phục vận tải hàng không nội địa và quốc tế, góp phần thúc đẩy giao thương, du lịch...
Thứ trưởng đặc biệt bày tỏ cảm ơn đối với các đối tác của ASEAN như Nhật Bản, Hàn Quốc... đã hỗ trợ các quốc gia thành viên ASEAN triển khai các dự án hợp tác chung lĩnh vực GTVT. Như Nhật Bản đã hỗ trợ triển khai Kế hoạch hợp tác Nhật Bản - ASEAN với mục tiêu lập Sổ tay Các thực tiễn tốt nhất về các biện pháp an ninh cảng cho đào tạo huấn luyện viên (ToT), Hướng dẫn đánh giá mô hình và Tài liệu tham khảo kỹ thuật về bảo trì cầu trong các hành lang xuyên biên giới ASEAN.
Với Hàn Quốc, đã có nhiều kết quả thực hiện các dự án và hoạt động trong lộ trình hợp tác giao thông vận tải ASEAN-ROK 2021-2025, đặc biệt là hỗ trợ Chương trình Phát triển nguồn nhân lực, dự án tư vấn phát triển và dự án công nghệ và quản lý...
Tại hội nghị, các Bộ trưởng đã xác nhận lại các cam kết trong các nỗ lực phục hồi sau Covid-19. Trong đó, ra mắt tài liệu tham khảo trực tiếp duy nhất trên trang web của Ban Thư ký ASEAN để cung cấp thông tin cập nhật cho hành khách hàng không quốc tế về yêu cầu nhập cảnh của các quốc gia thành viên ASEAN nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc phục hồi du lịch hàng không thời kỳ hậu Covid-19.
Cùng đó, ra mắt “Hướng dẫn phục hồi và ứng phó Covid-19 cho kết nối vận tải hàng hóa đường bộ quốc tế có khả năng phục hồi và bền vững trong ASEAN: Phiên bản sửa đổi lần 1 vào tháng 4 năm 2022”, trong đó đưa ra các hành động khuyến nghị đối với vận tải hàng hóa đường bộ xuyên biên giới đối với các phản ứng sau đại dịch.
Phát triển hàng không bền vững, thúc đẩy vận tải hàng hóa
Đối với mục tiêu đẩy mạnh phát triển thị trường hàng không chung ASEAN, hội nghị ủng hộ khuyến nghị về việc điều chỉnh Kế hoạch tổng thể của dịch vụ hàng không ASEAN (ANS) với Kế hoạch ANS thông suốt của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) Châu Á/Thái Bình Dương và Kế hoạch Không lưu toàn cầu của ICAO (GANP).
Hội nghị cũng hoan nghênh việc thông qua Điều khoản tham chiếu của Kế hoạch hành động hàng không bền vững ASEAN nhằm mục đích thúc đẩy tăng trưởng hàng không bền vững trong ASEAN, đặc biệt tập trung vào nhiên liệu hàng không bền vững. Cùng đó hoan nghênh việc thông qua Hướng dẫn ASEAN về Hệ thống quản lý môi trường sân bay (EMS) nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động môi trường ở cấp sân bay, hướng tới phát triển hàng không bền vững.
Đối với mục tiêu cải thiện tạo thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa xuyên biên giới, hội nghị ghi nhận những tiến bộ tích cực đạt được trong việc thực hiện Hiệp định khung ASEAN về tạo thuận lợi cho hàng hóa quá cảnh (AFAGIT) thông qua Hệ thống quá cảnh hải quan ASEAN tại 6 quốc gia thành viên tham gia, trong đó đơn giản hóa thủ tục vận tải và hải quan đối với đặt hàng mua bán.
Hội nghị cũng ghi nhận việc triển khai thí điểm Hiệp định khung ASEAN về Vận tải đa phương thức (AFAMT) giữa Thái Lan và Việt Nam, đồng thời hoan nghênh Indonesia và Singapore tham gia thực hiện Thí điểm AFAMT. Qua đó sẽ cung cấp cho các nhà khai thác vận tải đa phương thức (MTO) nhiều lựa chọn hơn về các tuyến đường thương mại và sự kết hợp của các phương thức vận tải trong hoạt động của các tuyến đường này.
Trong lĩnh vực hàng hải, hội nghị đã thông qua Khung triển khai để tăng cường luân chuyển container trong ASEAN, đưa ra các chiến lược ngắn hạn và trung hạn cho các quốc gia thành viên ASEAN trong việc tăng cường các thủ tục xử lý container để thúc đẩy lưu lượng thương mại lớn hơn và rút ngắn thời gian chờ đợi cho hàng hóa đóng container. Các biện pháp có thời hạn cụ thể sẽ hỗ trợ các quốc gia thành viên ASEAN giải quyết vấn đề giá cước vận chuyển container cao và tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng các container vận chuyển rỗng.
Tại hội nghị, các Bộ trưởng cũng ký Hiệp định ASEAN về hợp tác tìm kiếm cứu nạn hàng không và hàng hải (SAR), nhằm mục đích phát triển và tăng cường hợp tác về SAR hàng không và hàng hải giữa các quốc gia thành viên. Qua đó khuyến khích các quốc gia thành viên ASEAN cùng nhau nâng cao hiệu quả của hoạt động của SAR thông qua các hoạt động hợp tác theo Thỏa thuận này, bao gồm thúc đẩy phối hợp trong hợp tác chung về SAR, tập luyện và đào tạo chung về SAR để nâng cao năng lực về SAR.
Hội nghị nhất trí Hội nghị ATM 29 sẽ được tổ chức tại CHDCND Lào vào năm 2023.