Hội nghị Bộ trưởng Thương mại và Đầu tư G20: Chìa khóa cho sự phục hồi kinh tế
Trong 3 ngày hội nghị, các đại biểu thảo luận cách thức để đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế toàn cầu, đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs), cam kết thực hiện một môi trường thương mại và đầu tư mở, công bằng, bao trùm và ổn định.
Hội nghị Bộ trưởng Công nghiệp, Thương mại và Đầu tư G20 hôm qua kết thúc sau 3 ngày họp tại Bali, Indonesia. Cuộc họp nhất trí về 6 chương trình nghị sự ưu tiên để giải quyết các thách thức thương mại, thúc đẩy sự phục hồi kinh tế toàn cầu hậu đại dịch. Kết quả Hội nghị sẽ được đệ trình lên Hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra tại Bali vào giữa tháng 11 tới.
Trong 3 ngày hội nghị, các đại biểu thảo luận cách thức để đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế toàn cầu, đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs), cam kết thực hiện một môi trường thương mại và đầu tư mở, công bằng, bao trùm và ổn định.
Chương trình nghị sự của hội nghị được đánh giá không chỉ hiệu quả cho các nước trong khuôn khổ G20, mà còn là chìa khóa cho sự phục hồi kinh tế toàn cầu toàn diện và bền vững, đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau.
Bộ trưởng điều phối các vấn đề kinh tế của Indonesia Airlangga Hartanto nhấn mạnh: "Gần 3 tháng sau khi Indonesia giữ chức Chủ tịch G20, cuộc xung đột Ukraine nổ ra. Điều này cho thấy trách nhiệm của G20 ngày càng phức tạp hơn. Hội nghị Bộ trưởng Thương mại, đầu tư và Công nghiệp G20 sẽ là cơ hội để thúc đẩy các khuyến nghị chính sách cân bằng và hiệu quả không chỉ trong khuôn khổ G20 mà còn cho cả thế giới”.
Đánh giá kết quả sau hội nghị, Bộ trưởng Thương mại Indonesia Zulkifli Hasan thông báo một số kết quả quan trọng. Thứ nhất, liên quan đến việc cải tổ Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), các nước G20 nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cải thiện các nguyên tắc cơ bản của WTO, nhất trí rằng cải cách WTO là chìa khóa để củng cố lòng tin vào hệ thống thương mại đa phương.
Thứ hai là các thành viên G20 nhất trí về tầm quan trọng của hệ thống thương mại đa phương trong việc khuyến khích đạt được các mục tiêu phát triển bền vững. Thứ ba là tăng cường năng lực phản ứng của lĩnh vực thương mại, đầu tư và công nghiệp trong đại dịch và hỗ trợ cấu trúc y tế toàn cầu.
Thứ tư, các nước thành viên G20 nhấn mạnh chuỗi giá trị toàn cầu đóng vai trò quan trọng trong việc khuyến khích sự tham gia của các nước đang phát triển, đặc biệt là phụ nữ và các doanh nhân trẻ, trong thương mại toàn cầu. G20 cũng nhất trí thúc đẩy sự bao trùm thương mại kỹ thuật số.
Thứ năm, tăng cường đầu tư bền vững để phục hồi kinh tế toàn cầu. Cuối cùng là sự gắn kết giữa thương mại, đầu tư và công nghiệp, trong đó các thành viên G20 nhấn mạnh vai trò của hệ thống thương mại đa phương trong việc khôi phục năng suất công nghiệp cũng như thúc đẩy sự gắn kết của các chính sách thương mại và đầu tư, với các chính sách công nghiệp để giải quyết các thách thức trong tương lai.
Bên lề hội nghị, Indonesia đã tiến hành các cuộc họp song phương với 13 quốc gia đối tác, đăng cai tổ chức cuộc họp với Ủy ban Kinh tế và Xã hội của Liên hợp quốc về Châu Á - Thái Bình Dương. Khoảng 23 hợp đồng thương mại, trị giá gần 1 tỷ đô la Mỹ, đã được thông báo bên lề hội nghị./.