Hội nghị cấp cao Alger: Bước đi quan trọng nhằm khôi phục đoàn kết giữa các nước Ả Rập

Hội nghị thượng đỉnh Liên đoàn các nước Ả Rập (AL) lần thứ 31 được tổ chức tại Thủ đô Alger của Algeria từ ngày 1-2/11, đúng dịp kỷ niệm lần thứ 68 cuộc kháng chiến của nhân dân Algeria chống thực dân Pháp giành độc lập dân tộc.

Đây là cuộc gặp mặt trực tiếp đầu tiên của đại diện các nước thành viên AL sau ba năm gián đoạn, kể từ Hội nghị thượng định lần thứ 30 họp tại Tunisia tháng 3/2019, do đại dịch Covid-19.

Thu hút đông đảo các nhà lãnh đạo Ả Rập tham gia

Tham gia hội nghị có các nguyên thủ quốc gia hoặc các quan chức cấp cao của 22 nước thành viên AL. Sáu nguyên thủ đã xin lỗi vắng mặt vì các lý do khác nhau gồm Thái tử Ả Rập Saudi Mohammed bin Salman, Quốc vương Kuwait Sheikh Nawaf Al-Ahmad Al -Sabah, Tổng thống các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) Mohammed Bin Zayed Al Nahyan, Quốc vương Oman Haitham bin Tariq, Quốc vương Bahrain Hamad Bin Isa Al Khalifa, Tổng thống Lebanon Michel Aoun. Các nước này cử đoàn cấp thấp hơn tham dự.

Tổng thư ký Liên đoàn Ả Rập Ahmed Abu Al-Gheit, Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres, Tổng thống Senegal, Chủ tịch đương nhiệm của Liên minh châu Phi (AU) Macky Sall, Tổng thư ký Phong trào Không liên kết và là Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev, và Chủ tịch Quốc hội Ả Rập Adel Abdulrahman Al Asoomi đã đến dự với tư cách là khách mời danh dự của hội nghị.

Các lãnh đạo và khách mời dự Hội nghị Thượng đỉnh Liên đoàn Ả Rập lần thứ 31 tại Algeria. Ảnh: AP

Các lãnh đạo và khách mời dự Hội nghị Thượng đỉnh Liên đoàn Ả Rập lần thứ 31 tại Algeria. Ảnh: AP

Vai trò của Liên đoàn Ả Rập

Tại khu vực, Liên đoàn các nước Ả Rập được thành lập năm 1945 nhằm thúc đẩy sự thống nhất của các nước Ả Rập, nhưng những năm gần đây vai trò của tổ chức này bị suy giảm do các vấn đề bên trong.

Trong nhiều thập kỷ, AL đã cam kết ủng hộ việc thành lập một nhà nước Palestine độc lập, nhưng sau hội nghị thượng đỉnh năm 2019, UAE, Bahrain, Morocco và Sudan đã ký thỏa thuận Abraham bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Israel. Oman và Qatar tuy không ký thỏa thuận, nhưng vẫn quan hệ với Israel ở nhiều cấp độ khác nhau.

Việc bình thường hóa với Israel không có sự đồng thuận của các nước Ả Rập đã khiến tình hình trở nên phức tạp hơn khi đảng Likud của cựu Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu giành đa số phiếu trong cuộc bầu cử vừa qua và khả năng thành lập một chính phủ liên minh cực hữu nhất trong lịch sử Israel.

Trên bình diện quốc tế, đại dịch Covid-19, cuộc xung đột Nga - Ukraine đã ảnh hưởng đến tình hình cung cấp lương thực và năng lượng toàn cầu. Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva cho biết, 141 triệu người ở thế giới Ả Rập đang đứng trước nguy cơ thiếu lương thực, thực phẩm. Tình hình càng trở nên trầm trọng hơn do lạm phát phi mã và tình trạng thiếu hụt các mặt hàng thiết yếu ở các nước Ả Rập.

Tình trạng phân cực quốc tế gia tăng do tình hình Ukraine đang tác động tới các nước Ả Rập. Kết quả hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Vùng Vịnh về An ninh và Phát triển được tổ chức ở Jeddah, nhân chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden tới Ả Rập Saudi tháng 7/2022 và quyết định giảm sản lượng dầu của nhóm OPEC+ là một dấu hiệu cho thấy ảnh hưởng suy giảm của Washington với các nước Ả Rập.

Quyết định này đã tạo ra tình trạng căng thẳng giữa Washington và Riyadh. Tổng thống Biden nói sẽ có những biện pháp trả đũa Ả Rập Saudi sau quyết định của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (OPEC+). Quan hệ giữa các nước Ả Rập, đặc biệt là các nước vùng Vịnh, với Mỹ và châu Âu trở nên xấu đi. Mỹ ngừng bán vũ khí, rút các đơn vị tên lửa Patriot khỏi Ả Rập Saudi và UAE.

Đại diện các nước tham dự phiên họp trù bị trước khi bắt đầu Hội nghị thượng đỉnh Liên đoàn Ả Rập ngày 31/10/2022. Ảnh: AP

Đại diện các nước tham dự phiên họp trù bị trước khi bắt đầu Hội nghị thượng đỉnh Liên đoàn Ả Rập ngày 31/10/2022. Ảnh: AP

Kêu gọi tăng cường đoàn kết để bảo vệ lợi ích chung

Tại phiên khai mạc hội nghị của các lãnh đạo AL, Tổng thống Tunisia Kais Saied - nước đăng cai Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 30 - đã phát biểu kêu gọi tăng cường đoàn kết, vượt qua sự khác biệt để đánh bại những ý đồ nhằm chống lại các nước Ả Rập.

Tổng thống Algeria Abdelmadjid Tebboune tiếp nhận vai trò Chủ tịch AL, trong diễn văn của mình nêu rõ, thế giới Ả Rập trong suốt quá trình lịch sử của mình chưa bao giờ phải trải qua một giai đoạn khó khăn như bây giờ. Tình hình này đòi hỏi phải xây dựng một khối kinh tế Ả Rập bất khả xâm phạm nhằm bảo vệ lợi ích chung.

Hội nghị đã thông qua tuyên bố chung nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường hành động chung của các nước Ả Rập để bảo vệ an ninh quốc gia, chống lại bất kỳ sự can thiệp nào vào công việc nội bộ của mình, đồng thời nhấn mạnh rằng các vấn đề của các nước Ả Rập phải do chính các nước Ả Rập giải quyết.

Tuyên bố kêu gọi các nước thành viên AL tăng cường đoàn kết, cùng nhau làm việc để đối phó với những thách thức trong các lĩnh vực lương thực, năng lượng, sức khỏe và biến đổi khí hậu, giải quyết các cuộc khủng hoảng ở một số các nước Ả Rập, trong đó có cuộc xung đột Syria, Libya, Yemen, Polisario.... trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, không có sự can thiệp của bên ngoài dưới mọi hình thức.

Các nhà lãnh đạo Ả Rập đã tái khẳng định ủng hộ tuyệt đối cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Palestine nhằm khôi phục lại các quyền dân tộc bất khả xâm phạm của mình, trong đó có quyền thành lập một Nhà nước Palestine độc lập, bảo vệ các thánh địa Hồi giáo ở Jerusalem và nêu rõ cơ sở để giải quyết cuộc xung đột Palestine - Israel là sáng kiến hòa bình Ả Rập năm 2002.

Tuyên bố của Hội nghị đòi Israel dỡ bỏ cuộc bao vây, cấm vận chống Dải Gaza, ủng hộ các cố gắng của Palestine nhằm đạt được tư cách thành viên đầy đủ tại Liên hợp quốc và ca ngợi những nỗ lực của Ả Rập nhằm thống nhất hàng ngũ Palestine. Tuyên bố cũng khẳng định sự cần thiết xây dựng Trung Đông thành khu vực không có vũ khí hạt nhân và vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Tuyên bố bày tỏ ủng hộ chính sách của OPEC+ khi nêu rõ, các nước Ả Rập "coi trọng chính sách cân bằng của OPEC+ nhằm đảm bảo sự ổn định của thị trường năng lượng toàn cầu và tính bền vững của các khoản đầu tư vào lĩnh vực quan trọng này, đảm bảo lợi ích của cả các nước sản xuất và tiêu thụ".

Trước đó, ngày 5/10/2022, OPEC+ đã công bố quyết định giảm sản lượng khai thác dầu 2 triệu thùng/ngày, bắt đầu từ tháng 11/2022 nhằm hỗ trợ thị trường vào thời điểm đang phải đối mặt với rủi ro do cuộc khủng hoảng kinh tế dẫn đến nhu cầu dầu thô giảm.

Mặc dù Tổng thống Syria Bashar al-Assad không tham gia hội nghị, nhưng tình hình Syria là một trong những vấn đề chính đã được thảo luận. Ngoại trưởng Syria Faisal Mekdad nói, để tránh các cuộc tranh cãi và góp phần đoàn kết Ả Rập, tập trung đối phó với những thách thức đang đặt ra hiện nay ở khu vực và quốc tế, Syria "không muốn đặt vấn đề khôi phục lại chiếc ghế của mình trong Liên đoàn Ả Rập".

Những người tham gia hội nghị kêu gọi các nước Ả Rập đóng vai trò lãnh đạo tập thể để tham gia vào nỗ lực chung nhằm tìm ra một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Syria và giải quyết tất cả các hậu quả chính trị, an ninh, nhân đạo và kinh tế của nó, trên cơ sở đảm bảo thống nhất và chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Syria.

Phát biểu tại hội nghị, Tổng thư ký AL, ông Abu Al-Gheit, nêu rõ: "Tình hình Syria đòi hỏi các nước Ả Rập phải hết sức cố gắng và chủ động để đặt dấu ấn của Ả Rập trên lộ trình giải quyết tình hình khủng hoảng ở quốc gia Ả Rập quan trọng này." Ông kêu gọi tất cả các bên liên quan thể hiện sự mềm dẻo trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng, khép lại quá khứ để mở ra một trang mới cho phép Damascus tham gia vào cộng đồng Ả Rập và trở lại AL mà Syria là một trong những quốc gia sáng lập.

Do còn tồn tại bất đồng, tuyên bố chung của AL không đưa ra các biện pháp cụ thể nhằm giải quyết các cuộc xung đột ở các nước Ả Rập. Nhưng với cố gắng to lớn của nước chủ nhà Algeria, Hội nghị thượng đỉnh Alger đã thu hút được sự tham gia đông đảo của các nhà lãnh đạo Ả Rập sau hơn ba năm gián đoạn là một thành công lớn, cùng nhau đối thoại để vượt qua các khác biệt, là một bước quan trọng trên con đường đi tới hồi sinh hành động chung của các nước Ả Rập.

Đại sứ Nguyễn Quang Khai

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/hoi-nghi-cap-cao-alger-buoc-di-quan-trong-nham-khoi-phuc-doan-ket-giua-cac-nuoc-a-rap-20221105165710746.htm