Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 27

Tối 20-11, Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 27 diễn ra theo hình thức trực tuyến, với sự chủ trì của Thủ tướng Ma-lai-xi-a Mu-hi-i-đin Y-a-xin và sự tham dự của các nhà lãnh đạo và đại diện 21 nền kinh tế thành viên APEC, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Hội đồng Tư vấn doanh nghiệp APEC (ABAC), Hội đồng Hợp tác Kinh tế Thái Bình Dương (PECC), Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương (PIF) và Ban Thư ký ASEAN.

Tối 20-11, Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 27 diễn ra theo hình thức trực tuyến, với sự chủ trì của Thủ tướng Ma-lai-xi-a Mu-hi-i-đin Y-a-xin và sự tham dự của các nhà lãnh đạo và đại diện 21 nền kinh tế thành viên APEC, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Hội đồng Tư vấn doanh nghiệp APEC (ABAC), Hội đồng Hợp tác Kinh tế Thái Bình Dương (PECC), Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương (PIF) và Ban Thư ký ASEAN.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu đoàn Việt Nam dự hội nghị. Tham gia đoàn có lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, Bộ Ngoại giao, Bộ Công thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Y tế.

Hội nghị nhất trí đánh giá rằng, kinh tế thế giới vẫn trong giai đoạn suy thoái nặng nề, đại dịch Covid-19 đã đảo ngược những thành tựu của thế giới về xóa đói, giảm nghèo trong ba thập kỷ qua và làm gia tăng bất bình đẳng. Các nhà lãnh đạo nhấn mạnh, quá trình phục hồi kinh tế còn nhiều rủi ro và không đồng đều; khẳng định tiếp tục thúc đẩy các gói kích thích kinh tế, chú trọng tài khóa minh bạch và bền vững cũng như tạo thêm nhiều việc làm mới.

Các nhà lãnh đạo APEC khẳng định ý nghĩa quan trọng của việc tăng cường lòng tin, phối hợp hành động và thúc đẩy hợp tác đa phương, nắm bắt các cơ hội mới trên nền tảng công nghệ số, kết nối số để đưa châu Á - Thái Bình Dương sớm phục hồi và tiếp tục giữ vai trò động lực của tăng trưởng toàn cầu. Hội nghị đề cao vai trò của khoa học - công nghệ trong kiểm soát và ứng phó dịch bệnh, bảo đảm khả năng tiếp cận bình đẳng của tất cả người dân đối với vắc-xin và các sản phẩm y tế thiết yếu an toàn, chất lượng, hiệu quả và chi phí hợp lý.

Các nhà lãnh đạo cam kết tiếp tục đẩy mạnh liên kết kinh tế, kết nối toàn diện tại châu Á - Thái Bình Dương. Hội nghị có nhiều ý kiến lạc quan về triển vọng xây dựng Khu vực Thương mại tự do châu Á - Thái Bình Dương; hoan nghênh Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đang được triển khai và Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) vừa được ký kết.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ nhiều nhận định về cục diện thế giới và khu vực cũng như định hướng thúc đẩy phục hồi kinh tế và ứng phó dịch bệnh thời gian tới. Thủ tướng nhấn mạnh sự cần thiết đề cao tinh thần hợp tác, trách nhiệm với cộng đồng quốc tế và trên hết là tăng cường hợp tác đa phương, cân bằng giữa hành động ngắn hạn và xử lý các thách thức trung hạn và dài hạn trong ứng phó “đa khủng hoảng” hiện nay.

Với vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chia sẻ kinh nghiệm, thành tựu của Việt Nam và của Cộng đồng ASEAN trong chủ động thích ứng, hành động quyết liệt, kịp thời, kiểm soát đại dịch và từng bước phục hồi kinh tế.

Về định hướng hợp tác APEC, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị APEC phối hợp hành động kiểm soát đại dịch, thúc đẩy liên kết kinh tế, bảo đảm các chuỗi cung ứng để châu Á - Thái Bình Dương tiếp tục là đầu tàu trong tiến trình phục hồi kinh tế. Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh động lực mới đối với APEC chính là thực hiện chuyển đổi số toàn diện để nâng cao các giá trị cốt lõi của APEC, đưa châu Á - Thái Bình Dương trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo và công nghệ…; Phát triển bền vững, bao trùm, ứng phó các thách thức an ninh phi truyền thống, nhất là dịch bệnh, thiên tai, nguồn nước, biến đổi khí hậu… cần trở thành trụ cột mới của hợp tác APEC. Trong đó, người dân và doanh nghiệp được đặt vào trung tâm phát triển và liên kết kinh tế. Thủ tướng khẳng định, Việt Nam tiếp tục đồng hành cùng các thành viên APEC để biến tầm nhìn và ước vọng thành trái ngọt của hòa bình, ổn định và hạnh phúc của mọi người dân trong khu vực.

Hội nghị đã thông qua Tuyên bố Pu-tra-giay-a về Tầm nhìn APEC đến năm 2040 và Tuyên bố chung Cu-a-la Lăm-pơ năm 2020, đánh dấu việc hoàn thành thực hiện sáng kiến do Việt Nam khởi xướng về thành lập Nhóm Tầm nhìn APEC và xây dựng định hướng hợp tác của APEC trong giai đoạn phát triển mới, được thông qua tại Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 25, diễn ra tháng 11-2017 tại TP Đà Nẵng (Việt Nam). Tầm nhìn APEC đến năm 2040 là xây dựng một cộng đồng châu Á - Thái Bình Dương mở, năng động, tự cường và hòa bình, vì sự thịnh vượng của tất cả người dân và các thế hệ tương lai.

Kết thúc Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 27, Thủ tướng Niu Di-lân G.A-đơn chính thức nhận bàn giao vai trò chủ nhà Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 28, với chủ đề “Cùng đồng hành - Cùng hợp tác - Cùng tăng trưởng”.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/chinhtri/hoi-nghi-cap-cao-apec-lan-thu-27-625257/