Hội nghị cấp cao ASEAN 36: Tạo điều kiện để phụ nữ tham gia vào tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN

Chiều ngày 26/6, đã diễn ra Phiên họp đặc biệt của Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36 về Tăng cường quyền năng phụ nữ trong thời đại số. Đây là lần đầu tiên, tại Hội nghị Cấp cao ASEAN 36 tổ chức Phiên họp đặc biệt của các Nhà lãnh đạo ASEAN về tăng quyền năng cho phụ nữ trong thời đại số.

Chủ tịch ASEAN 2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Phiên đối thoại. Chủ tịch AIPA 41, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dự và phát biểu.

Tham dự phiên họp còn có Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern và Giám đốc Điều hành Ủy ban Kinh tế xã hội Liên Hợp Quốc (UNESCAP) Armida Salsiah Alisjahbana, lãnh đạo 10 nước ASEAN....

Phiên họp đặc biệt này được kỳ vọng sẽ gợi mở những định hướng quan trọng để phụ nữ ASEAN có thể đóng góp sâu rộng, hiệu quả hơn nữa cho tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN cũng như tham gia tích cực vào các nỗ lực bảo đảm hòa bình, an ninh và thúc đẩy phát triển bền vững, tăng trưởng bao trùm trên bình diện toàn cầu.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì Phiên họp

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì Phiên họp

Đây là sáng kiến do Việt Nam đề xuất nhằm khẳng định cam kết của các Nhà lãnh đạo ASEAN trong việc thúc đẩy bình đẳng giới, nâng cao vai trò của phụ nữ trong quá trình xây dựng cộng đồng, phát triển kinh tế - xã hội trong ASEAN.

Phát biểu khai mạc cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, các nước ASEAN luôn tự hào về những tấm gương phụ nữ đã dũng cảm, hy sinh cống hiến cho hòa bình, độc lập và nỗ lực to lớn cho xây dựng đất nước phồn vinh. Với những đặc thù và thế mạnh riêng, phụ nữ có vai trò ngày càng quan trọng trong nỗ lực chung của nhân loại ứng phó với các thách thức đe dọa ổn định và phát triển của các quốc gia, từ xung đột vũ trang, bạo lực cực đoan, đến biến đổi khí hậu, nghèo đói, bất bình đẳng xã hội... và những ngày qua, là sự bùng phát của đại dịch COVID-19.

Tuy nhiên, vẫn còn đó bất bình đẳng, phân biệt đối xử làm kìm hãm động lực phát triển và khả năng đóng góp của phụ nữ đối với cộng đồng. "Chúng ta cần hành động để giải phóng tiềm năng to lớn của phụ nữ, tạo điều kiện để họ phát huy được các thế mạnh, đóng góp tích cực cho các tiến trình phát triển của mỗi quốc gia và Cộng đồng ASEAN, đặc biệt trong kỷ nguyên số hiện nay”, Thủ tướng nói.

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã mở ra nhiều cơ hội to lớn cho nhân loại và trao cho phụ nữ nhiều quyền năng to lớn, giúp phụ nữ giải phóng được tiềm năng tuyệt vời của mình để vượt qua các rào cản và thách thức hiện tại và tạo ra sự thay đổi cần thiết cho tương lai.

Theo thống kê của Liên Hợp Quốc, phụ nữ chỉ chiếm 2% trong số các nhà đàm phán, hòa giải, song lại là nhân tố không thể thiếu trong các tiến trình hợp tác, giúp kiến tạo nền hòa bình và an ninh bền vững hơn. Tỉ lệ phụ nữ hiện đảm nhận cương vị lãnh đạo, quản lý chiếm 40% ở quy mô toàn thế giới và 46% trong khu vực Đông Nam Á.

Phiên họp đặc biệt của Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36 về Tăng cường quyền năng phụ nữ trong thời đại số.

Phiên họp đặc biệt của Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36 về Tăng cường quyền năng phụ nữ trong thời đại số.

Tại Việt Nam, tỷ lệ phụ nữ đại biểu Quốc hội đạt 26,7%, cao hơn bình quân châu Á (19,9%) và bình quân toàn thế giới và lần đầu tiên Việt Nam có Chủ tịch Quốc hội là phụ nữ. Theo một nghiên cứu khác, việc thúc đẩy quyền bình đẳng của phụ nữ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương có thể đóng góp 4,5 nghìn tỷ USD vào tổng GDP của khu vực vào năm 2025. Dẫn những con số ấn tượng này, Thủ tướng cho rằng, đó là minh chứng cho năng lực, tiềm năng và đóng góp to lớn của phụ nữ.

Tuy vậy, kỷ nguyên số, cách mạng công nghiệp lần thứ 4 cũng mang đến nhiều thách thức, đặc biệt đối với phụ nữ. Phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ đang làm thay đổi cách thức làm việc truyền thống, gây nguy cơ phá vỡ thị trường lao động, gia tăng áp lực về chuyển dịch lao động. Đó chính là những nguy cơ đối với nhiều phụ nữ khi họ không được trang bị những tri thức mới, kỹ năng mới, phương thức làm việc mới phù hợp. Cộng đồng ASEAN đã khẳng định mục tiêu xây dựng một cộng đồng “mọi người đều được tiếp cận công bằng với các cơ hội, đồng thời quyền của phụ nữ được thúc đẩy và bảo vệ”.

Theo Thủ tướng, là Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam ưu tiên thực hiện đồng bộ các cam kết, chương trình, kế hoạch tổng thể, gắn kết các cơ chế về phụ nữ, thiết thực hiện thực hóa Cộng đồng ASEAN hướng đến người dân và lấy người dân làm trung tâm.

Tại Phiên họp, Thủ tướng đề nghị các đại biểu cùng chia sẻ và trao đổi ý kiến về các phương hướng nhằm thúc đẩy và đề cao hơn nữa vai trò, đóng góp của phụ nữ trước những chuyển đổi sâu sắc, mạnh mẽ của thời đại số, trong đó có một số trọng tâm. Đó là tạo điều kiện để phụ nữ tham gia một cách sáng tạo, đổi mới trong tất cả các tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, trên cả 3 trụ cột về chính trị-an ninh, kinh tế, văn hóa-xã hội. Thúc đẩy phụ nữ đóng góp nhiều hơn cho các nỗ lực duy trì hòa bình, an ninh, ổn định và phát triển bền vững, khuyến khích phụ nữ tham gia đầy đủ trong hoạch định các chương trình, chính sách về hòa bình, an ninh, phát triển cấp quốc gia và khu vực, đóng góp thúc đẩy hợp tác đa phương, đề cao thượng tôn pháp luật và tuân thủ luật pháp quốc tế. Thứ 3, tạo môi trường thuận lợi để phụ nữ phát huy năng lực sáng tạo, nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới trong khởi nghiệp, tìm kiếm cơ hội việc làm và kinh doanh, thích ứng với những yêu cầu chuyển đổi nền kinh tế số.

Phát biểu tại Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá cao chủ đề của Phiên họp là "Hành động mạnh mẽ hơn vì sự tham gia của phụ nữ trong vai trò lãnh đạo chính trị trong một thế giới biến động và bất ổn” đồng thời gửi đến Chính phủ các nước ASEAN và các đối tác 5 đề xuất: Cần tiếp tục bổ sung hoàn thiện chính sách, pháp luật để thúc đẩy bình đẳng giới, trao quyền và nâng cao vị thế đối với phụ nữ; Phát huy vai trò của các cơ quan đại biểu dân cử trong việc tham gia ý kiến, truyền đạt tâm tư, nguyện vọng của cử tri nữ, trẻ em gái để có các chính sách phù hợp, tạo điều kiện và xóa bỏ những rào cản để nữ giới có thể tiếp cận với công nghệ số một cách thuận lợi; Khuyến khích sự tham gia của tất cả các chủ thể trong xã hội, trong đó có vai trò đặc biệt của nam giới trong việc hỗ trợ nữ giới cả về công việc gia đình cũng như tại nơi làm việc; tiếp tục thực hiện bình đẳng giới và trao quyền cho phụ ; Phát huy cơ chế Nữ nghị sỹ AIPA, thành lập và vận hành có hiệu quả Nhóm nữ nghị sỹ trong các nghị viện thành viên ASEAN và tăng cường sự hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm giữa các Nhóm nữ nghị sĩ trong khu vực để thúc đẩy tiếng nói và hành động chung về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ trong các lĩnh vực; Thúc đẩy cách tiếp cận đồng thời cả khía cạnh bình đẳng giới và công nghệ số trong phạm vi toàn khu vực, đẩy mạnh sự hợp tác và thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm giữa các nước ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác khu vực, quốc tế khác trong lĩnh vực này, thông qua các khuôn khổ của ASEAN như Hội nghị Bộ trưởng Phụ nữ ASEAN (AMMW), Ủy ban Phụ nữ ASEAN (AWC) và Ủy ban Thúc đẩy và bảo vệ quyền phụ nữ và trẻ em ASEAN.

Hải Yến

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/hoi-nghi-cap-cao-asean-36-hanh-dong-de-giai-phong-tiem-nang-cua-phu-nu-n176241.html