Hội nghị Cấp cao Kiểm toán G20: Hợp tác phục hồi hậu đại dịch
Hội nghị Cấp cao Kiểm toán Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (SAI20) diễn ra trong ngày 29-30/08 tại Bali, Indonesia với mục tiêu thúc đẩy hợp tác để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) và khuyến khích phục hồi kinh tế hậu đại dịch.
Đại diện 12 quốc gia tham dự hội nghị tại Bali, trong đó có 4 quốc gia tham dự trực tuyến. Chương trình nghị sự chính của hội nghị là phê chuẩn Quy tắc thủ tục (RoP) và thông qua Thông cáo SAI20, thảo luận các vấn đề về y tế, chuyển đổi năng lượng và chuyển đổi kỹ thuật số.
Phát biểu tại hội nghị, Người đứng đầu Cơ quan Kiểm toán Tối cao Indonesia (BPK) Isma Yatun cho biết, trong bối cảnh thế giới đang nỗ lực phục hồi sau đại dịch, tất cả các nước đều phải đối mặt với những thách thức, bao gồm cả khía cạnh kinh tế, xã hội và môi trường. SAI20 có thể cung cấp quan điểm kiểm toán độc lập, giúp chính phủ các nước hoạch định chính sách phục hồi kinh tế, đạt được các mục tiêu phát triển bền vững và chuẩn bị cho các cuộc khủng hoảng trong tương lai.
Thông cáo chung SAI20 có thể được hiện thực hóa bằng hành động cụ thể thông qua đối thoại và hợp tác sâu rộng giữa Cơ quan kiểm toán và chính phủ các nước cũng như các bên liên quan. Do đó tất cả các bên đều có thể đóng góp vào nỗ lực giải quyết những thách thức chung toàn cầu. Ngoài ra, Thông cáo chung cũng có thể trở thành tài liệu tham khảo độc lập và khách quan cho các nhà lãnh đạo G20, nhằm đảm bảo và cải thiện việc thực hiện nguyên tắc quản trị trong khu vực công cũng như các chương trình và chính sách của chính phủ.
Việc thành lập Hội nghị cấp cao kiểm toán G20 do Cơ quan kiểm toán tối cao Indonesia khởi xướng trong nhiệm kỳ Chủ tịch G20, nhằm đóng góp vào tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của hệ thống quản trị. Phó Tổng thống Indonesia Maruf Amin tham dự hội nghị, đánh giá cao sáng kiến này, cho rằng việc thành lập SAI20 sẽ trở thành “di sản” của nước chủ tịch G20 Indonesia 2022.
Indonesia hy vọng Hội nghị cấp cao kiểm toán Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới sẽ hỗ trợ cộng đồng toàn cầu bằng cách xây dựng một nền quản trị linh hoạt hơn, khuyến khích sự hợp tác hiệu quả giữa các Tổ chức kiểm toán, các chính phủ và các bên liên quan./.