HỘI NGHỊ CHƯA TỪNG CÓ TIỀN LỆ: VÌ MỤC TIÊU GẮN KẾT CHẶT CHẼ GIỮA XÂY DỰNG PHÁP LUẬT VỚI TỔ CHỨC THI HÀNH PHÁP LUẬT
Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội khóa XV sẽ diễn ra vào ngày 6/9 tới theo hình thức trực tiếp và kết nối trực tuyến đến 62 điểm cầu trong toàn quốc. Đây là hoạt động chưa có tiền lệ nhưng có ý nghĩa rất quan trọng nhằm tăng cường sự gắn kết chặt chẽ giữa công tác xây dựng pháp luật với thực hiện pháp luật, thực hiện chức năng giám sát của Quốc hội đối với công tác tổ chức thi hành pháp luật.
Chú trọng từng khâu: Từ xây dựng pháp luật
Nhớ lại những ngày đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, ngày 14/10/2021, trên cơ sở đề xuất của Đảng đoàn Quốc hội, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 19-KL/TW về Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Đây là lần đầu tiên Bộ Chính trị ban hành một văn bản chính trị - pháp lý đặc biệt quan trọng nhằm định hướng, giao nhiệm vụ lập pháp cần tập trung triển khai thực hiện trong cả một nhiệm kỳ Quốc hội, làm cơ sở cho Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan cụ thể hóa vào chương trình công tác, chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hằng năm một cách chủ động, toàn diện và kịp thời hơn.
Đúng 20 ngày sau khi Bộ Chính trị ban hành Kết luận, ngày 03/11/2021, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc để triển khai. Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng khi đó đang đảm nhiệm chức vụ Thường trực Ban Bí thư đã thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư tham dự và đồng chủ trì Hội nghị. Đây vừa là hội nghị quán triệt Kết luận số 19-KL/TW, đồng thời triển khai thực hiện các nhiệm vụ lập pháp được xác định trong Đề án Định hướng, với sự tham dự và trực tiếp chỉ đạo của các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước cho thấy sự quan tâm sâu sắc của Bộ Chính trị, Ban Bí thư đối với công tác xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển.
Ngay sau Hội nghị, các cơ quan đã khẩn trương, kịp thời ban hành kế hoạch để triển khai thực hiện. Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 ngày 05/11/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện của Chính phủ ngày 16/12/2021 (Quyết định số 2114/QĐ-TTg). Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước, các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan, tổ chức khác ở Trung ương đều xây dựng, ban hành kế hoạch thực hiện, phân công nhiệm vụ, xác định tiến độ hoàn thành và giao trách nhiệm cụ thể đến từng cơ quan, đơn vị, cá nhân phụ trách.
Tiếp nối thành công của Hội nghị trực tuyến toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị, ngày 22/8/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã phối hợp với Chính phủ tổ chức Hội nghị Đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 và triển khai Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh. Tại hội nghị này, các cơ quan, tổ chức cùng nhìn lại quá trình triển khai, đánh giá kết quả thực hiện các nhiệm vụ lập pháp và các giải pháp về đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng pháp luật được nêu trong Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị và Đề án Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV sau gần một năm triển khai thực hiện. Qua đó thấy được những kinh nghiệm hay, những cách làm mới được đánh giá là hiệu quả, sáng tạo và cùng trao đổi, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để rút kinh nghiệm và bàn cách thực hiện tốt hơn, hiệu quả, thiết thực hơn.
Việc triển khai Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị và Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 cũng như các chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hàng năm đã được các cơ quan thực hiện rất nghiêm túc, rất bài bản, công phu, rất khẩn trương với nhiều cách làm mới, đem lại hiệu quả thiết thực.
Từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến hết kỳ họp thứ 5, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành 1.010 văn bản, bao gồm 23 luật và 101 nghị quyết của Quốc hội, 04 pháp lệnh và 882 nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, điều chỉnh toàn diện mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, giám sát tối cao và quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước.
Các luật, nghị quyết được Quốc hội ban hành từ đầu nhiệm kỳ đến nay đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng để triển khai thực hiện các giải pháp quyết liệt, hiệu quả phòng, chống đại dịch COVID-19; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tạo sự chủ động cho Chính phủ và chính quyền địa phương trong quản lý, điều hành; tiếp tục hoàn thiện đồng bộ thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phát triển văn hóa, bảo đảm an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh, phát huy dân chủ, tăng cường bảo đảm quyền con người, quyền công dân, nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đặc biệt, Quốc hội đã cho phép thí điểm một số chính sách mới, một số cơ chế, chính sách đặc thù trên một số lĩnh vực và cơ chế, chính sách đặc thù phát triển một số tỉnh, thành phố (Hải Phòng, Cần Thơ, Nghệ An, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế, Khánh Hòa và thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk), tạo điều kiện cho các địa phương phát huy tiềm năng, lợi thế, thu hút nguồn lực đầu tư để phát triển nhanh, bền vững, tạo động lực thúc đẩy phát triển các vùng kinh tế - xã hội và cả nước.
Đến triển khai tổ chức thi hành
Thực hiện chủ trương “gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng pháp luật với tổ chức thi hành pháp luật”, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các Bộ, ngành, địa phương, theo chức năng, nhiệm vụ được giao đã quyết liệt, chủ động, kịp thời triển khai đưa các luật, nghị quyết của Quốc hội vào cuộc sống.
Trong phát biểu bế mạc Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã báo cáo Quốc hội về việc sẽ tổ chức Hội nghị quán triệt và triển khai các luật, nghị quyết được thông qua tại kỳ họp, đồng thời rà soát, đôn đốc việc thực hiện các luật, nghị quyết của Quốc hội từ đầu nhiệm kỳ khóa XV. Chủ tịch Quốc hội cho biết, dư luận đánh giá cao chủ trương tổ chức hội nghị này và cho rằng đây là việc làm chưa có tiền lệ nhưng đặc biệt quan trọng và cần thiết, phải được tổ chức chu đáo, khẩn trương. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, hội nghị cũng nhằm hiện thực hóa yêu cầu gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng pháp luật với thực hiện pháp luật, bảo đảm pháp luật được thực hiện công bằng, nghiêm minh, nhất quán, kịp thời, hiệu lực, hiệu quả, góp phần tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, thực hiện chức năng giám sát của Quốc hội đối với công tác tổ chức thi hành pháp luật.
Ngay sau Kỳ họp thứ 5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành kế hoạch chuẩn bị tổ chức hội nghị. Trên cơ sở đó, Tổng Thư ký Quốc hội đã phối hợp với các cơ quan khẩn trương chỉ đạo việc chuẩn bị xây dựng các báo cáo tại Hội nghị; khảo sát các điều kiện tổ chức Hội nghị; xây dựng dự kiến chương trình chi tiết; xây dựng dự thảo Kế hoạch của Văn phòng Quốc hội về phục vụ tổ chức Hội nghị, phân công cụ thể nhiệm vụ của từng đơn vị liên quan; tổ chức các cuộc họp để trao đổi, thống nhất về công tác chuẩn bị nội dung và điều kiện bảo đảm để tổ chức thành công Hội nghị. Chủ tịch Quốc hội cũng đã chủ trì buổi làm việc với các cơ quan hữu quan để chỉ đạo công tác chuẩn bị tổ chức; nhấn mạnh yêu cầu chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng, có cách làm thiết thực để hội nghị này trở thành hình mẫu cho các lần tổ chức về sau.
Gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng với tổ chức thi hành
Có thể thấy, các hội nghị từ Hội nghị trực tuyến toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị đến Hội nghị Đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 và triển khai Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh và nay là Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội khóa XV tuy khác nhau nhưng đều về công tác lập pháp, có mục đích, yêu cầu riêng nhưng có tác động qua lại, bổ trợ cho nhau và gắn kết chặt chẽ với nhau.
Coi trọng chất lượng là quan điểm chỉ đạo xuyên suốt đối với công tác xây dựng pháp luật đã được Bộ Chính trị chỉ rõ tại Kết luận số 19-KL/TW “Việc xây dựng, ban hành luật phải thận trọng, chắc chắn, làm tốt từng khâu, đặt yêu cầu cao về chất lượng, không chạy theo số lượng, phải bám sát và kịp thời đáp ứng yêu cầu của thực tiễn”. Thời gian qua, với sự đoàn kết, chung sức, đồng lòng của Nhân dân, Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị đã không ngừng nỗ lực, tích cực, chủ động, sáng tạo, quyết liệt, có nhiều cải tiến, đổi mới thiết thực, thích ứng linh hoạt với tình hình để hoàn thành khối lượng lớn công việc về xây dựng và triển khai thi hành pháp luật. Công tác xây dựng và hoàn thiện pháp luật trên các lĩnh vực cơ bản đã thể chế hóa kịp thời, đầy đủ, đúng đắn đường lối, chủ trương của Đảng; đáp ứng yêu cầu phòng, chống hiệu quả dịch bệnh, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh, được Nhân dân ghi nhận, dư luận các nước và bạn bè quốc tế đánh giá cao.
Tuy nhiên, ban hành xong pháp luật không phải mục đích cuối cùng. Pháp luật được ban hành là để điều chỉnh các quan hệ xã hội, trật tự, củng cố và phát triển chúng theo những định hướng nhất định. Điều này chỉ có thể đạt được khi những quy định của pháp luật được thi hành có hiệu quả trong đời sống xã hội, thể hiện ở hành vi thực tế, hợp pháp của các cơ quan, tổ chức, những người có chức vụ, quyền hạn và các cá nhân. Vì vậy, V.I. Lênin đã cho rằng, vấn đề quan trọng không phải là ban hành thật nhiều luật, mà quan trọng là thực hiện chúng trên thực tế. Trong thư gửi cán bộ, nhân viên ngành Tư pháp, nhân dịp kỷ niệm 50 năm thành lập ngành, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (thời kỳ 1991- 1997) Đỗ Mười đã viết: “Có một hệ thống pháp luật đầy đủ, đồng bộ cũng mới chỉ là có được một yếu tố cần của Nhà nước pháp quyền, nhưng chưa đủ. Nhà nước pháp quyền Việt Nam của dân, do dân và vì dân, đòi hỏi pháp luật phải được thi hành một cách nghiêm chỉnh, thống nhất và công bằng, theo nguyên tắc mọi người đều bình đẳng trước pháp luật”. Như vậy, nghiêm chỉnh thi hành Hiến pháp, pháp luật là điều kiện không thể thiếu của một nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, của một xã hội văn minh.
Thực tiễn cho thấy, có những đạo luật dù tư tưởng, tinh thần có tiến bộ nhưng vẫn chậm, khó đi vào cuộc sống do thiếu các điều kiện bảo đảm thực hiện, thiếu cơ chế kiểm tra, theo dõi, đánh giá tác động kinh tế - xã hội sau khi đã có hiệu lực thi hành. Theo Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII tại Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII đánh giá “tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu,… làm cho pháp luật, nghị quyết chậm được thực hiện và hiệu quả thấp”. Do đó, Đại hội Đảng lần thứ XIII cũng đề ra nhiệm vụ "gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng pháp luật với tổ chức thi hành pháp luật. Tập trung chỉ đạo quyết liệt, đầu tư hợp lý nguồn lực và các điều kiện để thực hiện tốt các nhiệm vụ nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật".
Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội khóa XV để quán triệt và triển khai các luật, nghị quyết được thông qua tại Kỳ họp thứ 5, đồng thời đánh giá việc thực hiện các luật, nghị quyết được Quốc hội ban hành từ đầu nhiệm kỳ đến hết Kỳ họp thứ 4. Đây là hoạt động chưa có tiền lệ nhưng có ý nghĩa rất quan trọng nhằm tăng cường sự gắn kết chặt chẽ giữa công tác xây dựng pháp luật với thực hiện pháp luật, thực hiện chức năng giám sát của Quốc hội đối với công tác tổ chức thi hành pháp luật để phát huy các kết quả đạt được, khắc phục tồn tại, hạn chế, nâng cao hiệu quả thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, bảo đảm pháp luật được thực hiện nghiêm minh, nhất quán, kịp thời, hiệu lực, hiệu quả.
Hội nghị sẽ quán triệt những điểm mới, nội dung quan trọng, các nhiệm vụ được Quốc hội giao, làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, xác định rõ tiến độ và yêu cầu trong tổ chức thi hành luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV để Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương và cơ quan, tổ chức hữu quan triển khai thực hiện, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, cử tri và Nhân dân tiến hành giám sát, theo dõi, đánh giá; thể hiện sự chủ động, trách nhiệm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội trong việc theo dõi, đôn đốc và giám sát Chính phủ, các cơ quan, tổ chức hữu quan tổ chức triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội.
Đồng thời, đánh giá tình hình thực hiện luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến nay; kịp thời đôn đốc và xem xét, xử lý các vấn đề khó khăn, vướng mắc (nếu có) trong triển khai, thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội; tăng cường công tác phối hợp, tạo sự đồng bộ, thống nhất giữa các cơ quan trong việc tổ chức triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội; bảo đảm đưa các luật, nghị quyết vào cuộc sống, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Đánh giá việc thực hiện các nhiệm vụ lập pháp, các giải pháp bảo đảm được đề ra tại Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15, đặc biệt là đối với các nhiệm vụ lập pháp cần hoàn thành trước ngày 31/12/2022; thống nhất về yêu cầu, nội dung triển khai công tác xây dựng pháp luật, đề xuất các giải pháp, kiến nghị để bảo đảm chất lượng, tiến độ thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh các tháng cuối năm 2023 và năm 2024./.
Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=79500