Hội nghị COP 27: Cam kết đi đôi với hành động

Hội nghị lần thứ 27 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 27) do Ai Cập đăng cai tổ chức tại thành phố Sharm El-Sheikh đã thông qua Thỏa thuận khí hậu cuối cùng với điều khoản đáng chú ý, nhất là việc các nước nhất trí thành lập quỹ 'tổn thất và thiệt hại' để bù đắp cho các nước đang phát triển chịu ảnh hưởng nặng nề của các hiện tượng thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu gây ra.

Toàn cảnh Hội nghị lần thứ 27 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27) tại Sharm el-Sheikh, Ai Cập, ngày 6/11/2022. Ảnh: THX/TTXVN

Toàn cảnh Hội nghị lần thứ 27 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27) tại Sharm el-Sheikh, Ai Cập, ngày 6/11/2022. Ảnh: THX/TTXVN

Thỏa thuận cuối chưa đạt bước tiến đáng kể

Theo đó, các nước giàu có lượng phát thải lớn phải bồi thường cho những tổn thất và thiệt hại mà các đang phát triển phải gánh chịu do các hình thái thời tiết cực đoan. Nội dung này không nằm trong chương trình nghị sự chính thức ban đầu, tuy nhiên nỗ lực của các nước đang phát triển đã biến đây thành chủ đề được quan tâm nhất tại hội nghị. Việc hội nghị thông qua thỏa thuận thành lập quỹ bồi thường được các nhà chuyên môn đánh giá là bước tiến lịch sử.

Thỏa thuận cuối cùng của COP 27 bao quát một loạt nỗ lực lớn của thế giới nhằm hạn chế mức tăng nhiệt độ của Trái đất ở mức 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Ngoài ra, thỏa thuận cũng lần đầu tiên đề cập tới năng lượng tái tạo trong khi nhắc lại những kêu gọi trước đây về tăng cường nỗ lực hướng tới giảm dần điện than và loại bỏ trợ cấp nhiên liệu hóa thạch.

Tuy nhiên, điều gây thất vọng cho giới phân tích là thỏa thuận tại COP 27 không đi xa hơn so với thỏa thuận đã đạt được tại hội nghị COP 26 tại Glasgow (Anh).

Quỹ bồi thường sẽ bao gồm các khoản chi trả cho những tổn thất và thiệt hại do tác động của biến đổi khí hậu, từ nhà cửa và cầu bị cuốn trôi do lũ quét tới nguy cơ biến mất các nền văn hóa và các hòn đảo do mực nước biển dâng cao. Các nước phát triển được yêu cầu đóng góp vào quỹ đền bù, cùng với các nguồn kinh phí tư nhân và quỹ công khác như các thể chế tài chính quốc tế.

Phản ứng về thỏa thuận cuối cùng tại COP 27, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cho rằng hội nghị chưa thể thúc đẩy việc giảm mạnh khẩn cấp khí thải gây hiệu ứng nhà kính, vấn đề cần thiết để ứng phó với tình trạng nóng lên trên toàn cầu.

Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu phụ trách chính sách khí hậu Frans Timmermans nhấn mạnh, thỏa thuận cuối cùng này vẫn chưa đủ tạo bước tiến cho người dân và Trái đất; những nỗ lực mới của các nước giàu có và cũng là những nước có phát thải lớn vẫn là chưa đủ để tăng cường và đẩy nhanh tiến độ giảm phát thải.

Theo bà Ngô Tố Nhiên, Giám đốc điều hành Sáng kiến về Chuyển dịch Năng lượng Việt Nam, đền bù mất mát và thiệt hại là kết quả nổi bật nhất tại COP 27. Thỏa thuận về các gói đền bù của các quốc gia phát thải nhiều trong quá khứ cho các quốc gia đang phát triển chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu lần đầu tiên được đưa vào chương trình nghị sự của COP 27. Các nước này sẽ nhận được tài trợ từ Quỹ mất mát và thiệt hại do biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, việc nước nào chi trả và nước nào được hưởng lợi sẽ được thảo luận tại Hội nghị COP 28; đồng thời việc tài trợ quỹ này có nhiều điều kiện đi kèm.

Nhấn mạnh kết quả của COP 27 về giảm phát thải, bà Ngô Tố Nhiên cho rằng: Các nước thành viên thống nhất về việc theo đuổi mục tiêu "1.5 độ C", đòi hỏi giảm phát thải khí nhà kính toàn cầu -43% vào năm 2030 so với năm 2019; đồng thời đề xuất loại bỏ dần tất cả các dạng nhiên liệu hóa thạch. Nhiều quốc gia (bao gồm cả nước chủ nhà Ai Cập) muốn tiếp tục khai thác nhiên liệu hóa thạch trong khi vẫn muốn nhận tài trợ để ứng phó biến đổi khí hậu.

Theo bà Trương An Hà, chuyên gia nghiên cứu Sáng kiến về Chuyển dịch Năng lượng Việt Nam, đàm phán về tài chính cho thấy nhu cầu cao nhưng việc huy động chưa được đáp ứng. Thế giới cần 4.000 tỷ USD để đầu tư năng lượng tái tạo đến năm 2030 nhằm đạt được kế hoạch Net-zero vào năm 2050; cần 4.000 - 6.000 tỷ USD/năm đầu tư chuyển đổi sang nền kinh tế carbon thấp toàn cầu. Các quốc gia phát triển một lần nữa không đạt được Cam kết huy động 100 tỷ USD/năm cho tài chính khí hậu.

Bên cạnh nội dung được chú ý nhất là thông qua Quỹ bồi thường, COP 27 còn bàn thảo về các chủ đề: Thích ứng, tài chính, năng lượng tái tạo, Net Zero, đa dạng sinh học. Tại COP 27 đã có 27 quyết định được phê duyệt, trong đó lần đầu tiên chủ đề năng lượng được xuất hiện với một chương trình nghị sự riêng biệt. Ngoài khuyến khích năng lượng tái tạo và chuyển dịch năng lượng công bằng, chương trình nghị sự còn đề cập đến năng lượng phát thải thấp, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nhanh chóng chuyển dịch hệ thống năng lượng theo hướng đảm bảo an ninh, độ tin cậy và tăng khả năng thích ứng.

Hội nghị COP 28 sẽ được tổ chức tại Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE) từ ngày 30/11 đến 12/12/2023. Hội nghị COP 28 dự kiến sẽ đưa ra kết luận đánh giá việc thực hiện Thỏa thuận Paris về Biến đổi khí hậu (quy trình đã được bắt đầu từ COP 26). Tại Hội nghị COP 28, các tổ chức tài chính và khối tư nhân được kỳ vọng sẽ đưa ra kết quả thực hiện cam kết tại Hội nghị COP 26 của mình cũng như cập nhật các cam kết.

Cam kết đi đôi với hành động

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà tham dự sự kiện về ứng phó với biến đổi khí hậu do Nhóm Ngân hàng Thế giới tổ chức bên lề COP27. Ảnh: Nguyễn Trường/TTXVN

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà tham dự sự kiện về ứng phó với biến đổi khí hậu do Nhóm Ngân hàng Thế giới tổ chức bên lề COP27. Ảnh: Nguyễn Trường/TTXVN

Thông điệp của Việt Nam tại COP 27 là "Cam kết đi đôi với hành động" trong cuộc chiến chống biển đổi khí hậu. Tại COP 27, Đoàn Việt Nam đã có nhiều hoạt động thiết thực và được cộng đồng quốc tế đánh giá là quốc gia tích cực và có trách nhiệm trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu.

Ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi Khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Phó Trưởng đoàn Việt Nam tham dự COP 27 cho biết, khủng hoảng năng lượng và đà suy giảm kinh tế toàn cầu sau đại dịch COVID-19 khiến nhiều quốc gia đã không thể triển khai thực hiện các cam kết đã nêu ra tại COP 26 ở Glasgow về giảm phát thải khí nhà kính và mức đóng góp tài chính cho ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu.

Với sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ và của cả hệ thống chính trị, Việt Nam đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện cam kết COP 26, phê duyệt Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu, cập nhật Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC), phê duyệt kế hoạch giảm phát thải khí methane, đồng thời cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ để thực hiện các cam kết về khí hậu. Trong NDC 2022, Việt Nam đã nâng cam kết lên cao hơn phù hợp với lộ trình đưa phát thải ròng về "0" vào năm 2050.

Theo ông Phạm Văn Tấn, nhiều đối tác quốc tế, đặc biệt là Anh, Mỹ và Liên minh châu Âu nói riêng, cũng như Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) nói chung, đều đánh giá Việt Nam đã nhanh chóng triển khai các biện pháp và kế hoạch để biến cam kết thành hành động.

Tại COP 27, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã có nhiều buổi làm việc với các tổ chức quốc tế và định chế tài chính quốc tế để trao đổi về nỗ lực của Việt Nam và cơ hội hợp tác tại Việt Nam.

Tại một số sự kiện lớn trong khuôn khổ Hội nghị COP27, như "Thúc đẩy Đóng góp do quốc gia tự quyết định: Tín hiệu đáng ghi nhận" do Tổng Giám đốc Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) chủ trì ngày 15/11; cuộc họp hàng năm các nước tham gia cam kết methane do Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về biến đổi khí hậu John Kery chủ trì ngày 16/11 với sự tham gia của trên 40 bộ trưởng; cuộc họp cấp bộ trưởng của trên 100 nước tham gia Tuyên bố methane ngày 17/11 do Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về biến đổi hậu John Kery và Phó Chủ tịch điều hành Ủy ban châu Âu (EC) Frans Timmermans chủ trì, Việt Nam vinh dự được xướng tên và đã dành thời lượng đáng kể để phát biểu, chia sẻ.

Tại các sự kiện này, Việt Nam khẳng định Chính phủ Việt Nam đã xây dựng kế hoạch, phê duyệt chiến lược để thực hiện các cam kết đưa ra tại COP 26; nhấn mạnh việc Việt Nam có thể tiến xa như thế nào trong thực hiện các cam kết của mình phụ thuộc vào việc thực hiện cam kết của các quốc gia khác cũng như sự hỗ trợ mà Việt Nam nhận được từ cộng đồng quốc tế.

Ông Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), thành viên Đoàn Việt Nam tham gia COP 27 cho biết, một trong những nội dung quan trọng nhất mà COP 27 hướng tới là công lý và công bằng cho việc chuyển đổi năng lượng cũng như giảm phát thải ròng bằng "0" trong thời gian tới.

Hiện nay, Chính phủ Việt Nam đang rất tập trung vào nội dung thỏa thuận với các nước G7 trong cam kết tự chuyển đổi năng lượng công bằng. Bởi lẽ là các nước phát triển trên thế giới chiếm tới 44% lượng phát thải khí nhà kính, chiếm 14 % dân số thế giới, trong khi yêu cầu đối với các nước đang phát triển và các nước kém phát triển thực hiện giảm phát thải tương đương là một yêu cầu rất lớn.

Các nội dung thảo luận tại COP 27 được các nước đưa ra nhằm đạt được 3 nội dung cơ bản: Thứ nhất là công lý công bằng trong cách thích ứng biến đổi khí hậu. Thứ hai là công lý công bằng trong giảm phát thải khí nhà kính. Thứ ba là công lý công bằng trong trách nhiệm của các nước đối với hỗ trợ các nước chịu thiệt hại của biến đổi khí hậu, cũng như là thảm họa về thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu mà ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống của người dân.

"Nội dung chính mà Việt Nam thảo luận cũng như cam kết tại COP 27 là chúng ta mong muốn rằng, với việc Việt Nam thực hiện các cam kết mạnh mẽ như chúng ta đã thực hiện tại COP 26, đang tổ chức triển khai và sắp tới chúng ta sẽ có những cam kết mạnh mẽ hơn đã được cụ thể hóa trong chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu, các nước phát triển và các nước khác trên thế giới cần thực hiện đúng những cam kết đã đặt ra", ông Nguyễn Đình Thọ cho biết.

Tại Hội nghị COP 27, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng đã nêu ra sáng kiến về sử dụng phần lớn nguồn lực huy động thông qua các cơ chế của Thỏa thuận Paris nhằm hỗ trợ chuyển giao công nghệ và thực hiện các dự án thí điểm tại các nước đang phát triển để làm tiền đề, khơi thông nguồn vốn toàn xã hội đầu tư vào lĩnh vực giảm phát thải và thích ứng với biến đổi khí hậu. Sáng kiến này đã được sử dụng để lồng ghép vào các nội dung thảo luận của COP 27.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định chuyển đổi năng lượng là yếu tố then chốt để Việt Nam thực hiện mục tiêu đưa mức phát thải ròng về "0" vào năm 2050 mà Việt Nam đã cam kết tại COP 26. Bộ trưởng nhấn mạnh phát triển năng lượng tái tạo phải đi đôi với đảm bảo an ninh năng lượng, đồng thời đề nghị Vương quốc Anh, EU và G7 hỗ trợ chuyển giao cho Việt Nam các công nghệ tiên tiến như công nghệ điện gió, điện Mặt trời, lưu trữ điện năng để giúp Việt Nam thực hiện thành công quá trình chuyển đổi năng lượng, đảm bảo giá thành hợp lý cho tất cả mọi người có thể tiếp cận được.

Đoàn đại biểu Việt Nam tham gia Hội nghị COP 27 với mong muốn tiếp tục chung tay cùng cộng đồng quốc tế xây dựng các cơ chế, chính sách, cơ sở pháp lý để thực hiện mục tiêu chung chống biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, đây cũng là cơ hội để huy động sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế nhằm giúp Việt Nam thực hiện mục tiêu đưa mức phát thải ròng về "0" vào năm 2050 mà Việt Nam đã cam kết tại COP 26.

Hoàng Nam (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thoi-su/hoi-nghi-cop-27-cam-ket-di-doi-voi-hanh-dong-20221125153846397.htm