Hội nghị của Diễn đàn Kinh tế thế giới tại Trung Quốc sẽ thảo luận 6 nội dung chính

Các nhà lãnh đạo tham dự Hội nghị thường niên các nhà tiên phong lần thứ 15 của Diễn đàn Kinh tế thế giới tổ chức tại Trung Quốc sẽ thảo luận 6 nội dung chính.

Hội nghị thường niên các nhà tiên phong lần thứ 15 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) được tổ chức từ ngày 23 đến ngày 27/6/2024 tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế Đại Liên, Trung Quốc với sự tham gia của 1.600 đại biểu cấp cao, bao gồm lãnh đạo và quan chức cao cấp của chính phủ, lãnh đạo các tập đoàn/công ty, đại diện các tổ chức xã hội dân sự, lãnh đạo các tổ chức quốc tế.

Đây là Hội nghị thường niên các nhà tiên phong lần thứ 15 do WEF tổ chức, đứng thứ 2 về quy mô (sau WEF thường niên tại Davos, Thụy Sỹ). Hội nghị năm nay có chủ đề “Không gian tiếp theo cho Tăng trưởng” (Next Frontiers for Growth).

 Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự phiên khai mạc Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới Thiên Tân 2023. Ảnh: TTXVN

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự phiên khai mạc Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới Thiên Tân 2023. Ảnh: TTXVN

Hội nghị tập trung vào 6 nội dung chính: (i) Nền kinh tế toàn cầu mới; (ii) Trung Quốc và thế giới; (iii) Doanh nghiệp trong kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo; (iv) Không gian phát triển mới cho các ngành công nghiệp; (v) Đầu tư vào con người; (vi) Kết nối khí hậu, thiên nhiên và năng lượng. Cụ thể:

Thứ nhất, chủ đề "Nền kinh tế toàn cầu mới"

Các chỉ số kinh tế hiện nay đều dự báo mức tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2024 sẽ đạt 3,1%, lạm phát toàn cầu năm nay giảm xuống còn 5,8%. Tuy nhiên, do tác động của các cuộc khủng hoảng, thế giới sẽ tăng trưởng theo một mô hình mới. WEF kêu gọi các lãnh đạo quốc gia tiếp tục tăng cường hợp tác, thúc đẩy các giải pháp sáng tạo, có những chính sách tiền tệ hiệu quả và có sự phối kết hợp chặt chẽ để ứng phó với các thách thức, đảm bảo tăng trường bền vững và bao trùm trên toàn cầu.

WEF sẽ có các phiên thảo luận về: Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI); tầm nhìn mới (không chỉ đơn thuần đánh giá dựa trên GDP); các dòng chảy thương mại; các mô hình tăng trưởng thế hệ mới; ứng phó với hệ thống tài chính bị “đứt gãy”; cân bằng giữa nợ quốc gia và tăng trưởng.

WEF cũng sẽ thảo luận về các mô hình tăng trưởng tại các thị trường mới nổi; ổn định tài chính; lạm phát; tài sản số; hợp tác kinh tế.

Thứ hai, chủ đề "Trung Quốc và thế giới"

Trung Quốc đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế thế giới. WEF ước tính Trung Quốc đóng góp vào một phần tư (25%) tăng trưởng toàn cầu năm 2024. Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng 5% và được dự báo là nền kinh tế đóng góp lớn nhất vào tăng trưởng toàn cầu. Mặc dù phải đổi mặt với nhiều thách thức, Trung Quốc vẫn tiếp tục tăng cường đổi mới sáng tạo, xây dựng chiến lược hợp tác với các khu vực trọng điểm, mở rộng phát triển lĩnh vực năng lượng sạch, tiêu dùng, phát triển các công nghệ mới, phát triển xe điện, tập trung đầu tư phát triển thương mại số, bất động sản...

WEF sẽ có các phiên thảo luận về: Các cách tiếp cận trong ngắn và dài hạn để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; hợp tác kinh tế, chính trị giữa Trung Quốc với khu vực Trung Đông; cách thức thúc đẩy tiêu dùng nội địa, cung cầu cho tăng trường; cơ hội và thách thức trong phát triển xe điện; đảm bảo ổn định bất động sản cho tăng trưởng thị trường mới nổi; thúc đẩy thương mại số khu vực Á - Âu; và xu hướng phát triển kinh tế - xã hội của Trung Quốc và thế giới.

WEF cũng sẽ thảo luận về các nội dung khác như: Hạ tầng kết nối, nền kinh tế số, hợp tác khu vực, các quan điểm của thế hệ mới và đổi mới sáng tạo.

Thứ ba, chủ đề "Doanh nghiệp trong kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo"

Mặc dù phải đối mặt với nhiều thách thức về kinh tế trong năm 2023, đầu tư vào phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) tăng trưởng mạnh trong thời gian gần đây và các nền kinh tế tập trung đẩy mạnh tiềm năng chuyển đổi công nghệ. Trong năm 2025, đầu tư tư nhân vào phát triển AI dự báo đạt 200 tỷ USD, tăng trưởng của các công ty công nghệ khởi nghiệp cũng thu hút khoảng 40% đầu tư vốn mạo hiểm trong quý I/2023. Bên cạnh đó, sự phát triển nhanh chóng của đổi mới sáng tạo - đặc biệt là công nghệ sinh học và điện toán lượng tử - cũng góp phần hỗ trợ tăng trưởng bền vững và nâng cao năng suất.

WEF sẽ có các phiên thảo luận về: Các chiến lược, chính sách thúc đẩy đổi mới sáng tạo cho cộng đồng doanh nghiệp; Ứng dụng AI và các hệ quả kèm theo; đảm bảo ứng dụng AI an toàn trong cuộc cách mạng số, sự tương tác giữa AI và lượng tử; đảm bảo ứng dụng AI cân bằng, tăng cường hợp tác khu vực để thúc đẩy giải pháp đổi mới sáng tạo; giải quyết các thách thức trong khu vực ASEAN; dữ liệu và các công nghệ mới (elastocaloric).

Ngoài ra, WEF cũng sẽ thảo thêm về các nội dung liên quan như AI và nền kinh tế, quy định về AI, cạnh tranh công nghệ, công nghệ sinh học và công nghệ thần kinh...

Thứ tư, chủ đề "Không gian phát triển mới cho các ngành công nghiệp"

Đại dịch Covid-19 đã buộc các ngành công nghiệp phải cải thiện sản xuất, nâng cao năng lực và chuyển đổi công nghệ để đáp ứng với bối cảnh kinh tế - địa chính trị hiện nay. Công nghệ được coi là nền tảng thúc đẩy những thay đổi của doanh nghiệp và nền kinh tế trong bối cảnh mới. Thêm vào đó, việc chuyển đổi sang nền kinh tế không các bon (net zero) trở thành một trong những ưu tiên quan trọng hơn bao giờ hết, đặt ra những yêu cầu cấp thiết cho các ngành công nghiệp, các nền kinh tế có những hành động, chiến lược cần thiết để thúc đẩy chuyển đổi nền kinh tế và giải quyết các thách thức về môi trường, tăng trưởng thúc đẩy phát triển bền vững trong bối cảnh mới.

WEF sẽ có các phiên thảo luận về: Cách thức áp dụng mô hình đổi mới sáng tạo, các công cụ được áp dụng để đảm bảo các lợi ích của đổi mới sáng tạo trong bối cảnh mới; xu hướng chuyển dịch trong lĩnh vực sản xuất cho tăng tưởng hiệu quả; thúc đẩy chuyển dịch tuần hoàn trong lĩnh vực may mặc; phục hồi chuỗi cung ứng; những giải pháp và đổi mới trong lĩnh vực mua sắm chính phủ; an toàn thông tin và các giải pháp kết nối năng lượng, an ninh năng lượng.

Ngoài ra, WEF cũng sẽ thảo luận một số nội dung liên quan đến cụm công nghiệp, khoáng sản, các nhà đầu tư nhỏ lẻ, du lịch và thương mại điện tử.

Thứ năm, chủ đề "Đầu tư vào con người"

WEF dự báo trong 5 năm tới, 25% tổng số việc làm và 40% kỹ năng của người lao động sẽ chịu tác động nặng nề do các vấn đề địa chính trị, thay đổi về công nghệ và chuyển đổi xanh.

WEF sẽ có các phiên thảo luận về: Đào tạo lại kỹ năng cho người lao động; học tập trong kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo; môi trường tốt hơn cho sức khỏe người lao động; xử lý khoảng cách về giới; duy trì lãnh đạo nữ trong cá ngành khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM).

WEF cũng sẽ thảo luận về bất bình đẳng; chuyển đổi ở đô thị; già hóa dân số; tương lai của việc làm; hợp tác khoa học.

Thứ sáu, chủ đề "Kết nối khí hậu, thiên nhiên và năng lượng"

Hầu hết các nền kinh tế mới nổi đều chịu tác động của biến đổi khí hậu và cần huy động vốn nhanh, hiệu quả (WEF ước tính sẽ cần khoảng 2.200 tỷ USD) để chuyển đổi năng lượng. Trong bối cảnh đó, WEF cho rằng các quốc gia cần có một cách tiếp cận hệ thống và toàn diện với các chính sách và công nghệ phù hợp để đạt được mục tiêu trung hòa các-bon.

WEF sẽ có các phiên thảo luận về: Nhu cầu năng lượng; khai thác năng lượng tái tạo; Hydrogen; giải pháp để không lãng phí tài nguyên nước; tìm kiếm “người tiên phong” về khí hậu trong một thế giới cạnh tranh; chuyển đổi về tài chính.

WEF cũng sẽ thảo luận về lương thực và nông nghiệp; các giải pháp dựa trên thiên nhiên; năng lượng hạt nhân; đại dương.

Sáng 24/6/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam rời Thủ đô Hà Nội, lên đường tham dự Hội nghị thường niên các nhà tiên phong lần thứ 15 của Diễn đàn Kinh tế thế giới tổ chức tại thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc (WEF Đại Liên 2024) và làm việc tại Trung Quốc từ ngày 24 - 27/6/2024 theo lời mời của Thủ tướng Quốc vụ viện nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Lý Cường và Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch điều hành Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) Klaus Schwab.

Tháp tùng chuyến công tác của Thủ tướng tới Đại Liên (Trung Quốc), Đoàn Bộ Công Thương do Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên làm Trưởng đoàn cùng lãnh đạo các Cục, Vụ chức năng thuộc Bộ: Vụ Thị trường châu Á - châu Phi; Vụ Chính sách thương mại đa biên; Văn phòng Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế; Văn phòng Bộ; Báo Công Thương...

Tại Đại Liên (Trung Quốc), bên cạnh các hoạt động của Thủ tướng, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cùng Đoàn công tác của Bộ Công Thương cũng liên tiếp có các buổi làm việc, trao đổi song phương với các Bộ, đơn vị đối tác.

Hoàng Giang

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/hoi-nghi-cua-dien-dan-kinh-te-the-gioi-tai-trung-quoc-se-thao-luan-6-noi-dung-chinh-327798.html